Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Thói quen ảnh hưởng xấu đến nội tiết tố

Việc thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến sự thèm ăn, cân nặng, tình dục, chu kỳ kinh nguyệt cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác.

  • Thói quen ảnh hưởng xấu đến nội tiết tố
    Chỉ nên ăn đồ ngọt ở mức vừa phải, hoặc càng hạn chế càng tốt, để giữ gìn sức khỏe - Ảnh: Shutterstock

Một số thói quen sau đây có thể khiến nội tiết tố trong cơ thể tăng hoặc giảm.
Uống cà phê vào buổi chiều. Chất caffeine thúc đẩy cơ thể sản xuất cortisol nhiều hơn, làm gia tăng cảm giác bồn chồn, lo lắng và đặc biệt khi tiêu thụ vào buổi chiều sẽ dễ dẫn đến mất ngủ. Giới hạn không quá 2 ly cà phê mỗi ngày và uống trước 3 - 4 giờ chiều để cơ thể không bị ảnh hưởng.
Lười thể thao. Không tập thể dục thường xuyên, cơ thể không sản xuất và phát ra số lượng tối ưu của endorphins, tiến sĩ Phillips cho biết. Theo Womenshealthmag, endorphin là những hợp chất được sản xuất bởi tuyến yên và vùng dưới đồi trong các hoạt động nhất định, bao gồm không chỉ tập thể dục mà kể cả những phấn khích, tiếng cười hay bất cứ điều gì gây niềm vui. Theo giới chuyên gia, việc tiết endorphin dẫn đến cảm giác ngon miệng khi tiêu thụ thực phẩm, phát ra hoóc môn giới tính và tăng cường đáp ứng miễn dịch thông qua đặc tính kháng viêm tự nhiên của nó. Khi endorphin được sản xuất nhiều, mức độ viêm nhiễm cơ thể sẽ thấp xuống.
Tập luyện khắc nghiệt. Estrogen đóng vai trò trong việc phát triển các đặc điểm giới tính nữ như ngực nở, eo thon, thân hình mềm mại, làn da mịn màng, giúp điều hòa kinh nguyệt, kích thích ham muốn tình dục. Tuy nhiên, những phụ nữ có thói quen tập thể dục cường độ cao và liên tục với mục đích khiến lượng mỡ mất đi càng nhiều càng tốt, thì có thể sẽ dẫn đến nguy cơ làm giảm nồng độ estrogen, gây ức chế sự rụng trứng và làm cho kinh nguyệt không đều. Vì thế, nên điều chỉnh thói quen tập thể dục cho phù hợp, tránh cố gắng quá sức; có thể chuyển sang các bài tập cường độ thấp như đi bộ, aerobic, yoga... vừa có tác dụng giảm cân, vừa thúc đẩy khả năng sinh sản.
Ăn đồ ngọt. “Ăn nhiều thực phẩm chứa đường được liên kết trực tiếp đến tăng cân, và thừa cân có thể dẫn cơ thể đến việc đề kháng với insulin - một loại hoóc môn giúp chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng đi đến các tế bào”, tiến sĩ Holly Phillips - chuyên gia sức khỏe phụ nữ ở New York và phóng viên y tế của kênh CBS News cho biết.
Căng thẳng. Thông thường mức độ cortisol - hoóc môn căng thẳng sụt giảm vào buổi tối nhằm giúp cơ thể thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ. Nếu tình trạng căng thẳng quá mức liên tục xảy ra vào mỗi buổi chiều sẽ khiến mức độ cortisol tăng cao, gây mất ngủ vào buổi tối. Vì vậy hãy tìm cách trấn an và giải tỏa những áp lực, lo âu để cơ thể không bị ảnh hưởng.
Thường xuyên mất ngủ. Thiếu ngủ làm tăng nồng độ cortisol, trong khi đó cortisol có liên quan đến việc điều chỉnh được lượng đường trong máu thấp xuống, đồng thời làm gia tăng mức độ căng thẳng và muốn ăn vặt, tiến sĩ Phillips phân tích. Ngoài ra, việc thiếu ngủ có thể gây mất cân bằng hoóc môn ghrelin (hoóc môn báo hiệu thời điểm cần phải ăn và chịu trách nhiệm về cảm giác đói) và leptin (hoóc môn gây no báo hiệu thời điểm dừng việc ăn uống lại). Khi thiếu ngủ, ghrelin được sinh ra nhiều hơn, làm tăng cảm giác ngon miệng và thèm ăn; đồng thời hoóc môn leptin sẽ giảm xuống. Việc thiếu leptin sẽ ngăn cản não bộ thông báo đến dạ dày rằng bạn đã no, kết quả bạn sẽ liên tục cảm thấy đói cồn cào và dễ mắc nguy cơ tăng cân.
Hạ Yên

Thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là bệnh mạn tính gây tổn hại sức khỏe, chi phí tốn kém do nhiều biến chứng nặng nề. Hiện nay chưa có thuốc chữa khỏi hẳn bệnh đái tháo đường nhưng 80% trường hợp ở tuýp 2 có thể phòng tránh được bằng tăng cường hoạt động thể lực và chế độ ăn uống hợp lý. Dưới đây là những thực phẩm mà người bệnh đái tháo đường nên dùng hàng ngày:
Các loại đậu: Các loại hạt đậu như đậu nành, đậu tương, lạc, đậu hà lan… có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường đến 47%. Đây là còn là loại thực phẩm hữu ích nhất trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vì chúng chứa nhiều chất xơ, chất béo không bão hòa đơn, protein… giúp ổn định đường huyết. Vì vậy, nên sử dụng thường xuyên giúp ổn định đường huyết.
Thực phẩm tốt cho người bệnh đái tháo đường
Rau xanh tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Các loại trái cây ít ngọt: Hàng ngày bệnh nhân đái tháo đường cần ăn trái cây tươi vừa có tác dụng chống lão hóa, vừa là thức ăn bổ sung vitamin, muối khoáng tốt nhất. Không nên ép lấy nước uống, chất xơ ở trái cây là thành phần quan trọng làm giảm đường, làm chậm hấp thu đường và giảm lượng đường sau khi ăn. Các loại quả nên ăn là anh đào vì chứa rất nhiều chất anthocyanin với tác dụng kích thích sản xuất insulin; Ổi, bưởi cũng có tác dụng giảm đường huyết. Ngoài ra, táo, lê, mơ, quả kiwi, dâu tây, lựu, bơ, xoài,... là những loại quả có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ, người bệnh đái tháo đường có thể sử dụng. Còn một số loại quả có chỉ số đường huyết cao như: chuối, nho, dưa hấu, dứa, cam…người bệnh nên rất hạn chế.
Để tránh làm tăng đường huyết người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn như; Không ăn nhiều hơn 150g mỗi lần, khoảng cách giữa hai lần ăn trái cây phải tối thiểu 6 giờ. Uống nhiều nước ngay sau khi ăn trái cây.
Các loại rau: Rau quả là nguồn cung cấp vitamin và chất xơ. Rau nhiều chất xơ như: bông cải xanh, măng tây, cà rốt và rau bina, rau muống, ngót, mồng tơi, rau dền, rau cải, cà tím, cà rốt, mướp, dưa chuột, củ cải trắng, đậu bắp,... nên dùng nhiều rau xanh trong ngày nếu thích, có thể hơn mức 400g (tương đương 2 - 3 bó rau) tốt cho bệnh nhân đái tháo đường. Vì trong nhiều loại rau khả năng giữ lượng đường trong máu ở mức độ kiểm soát và tăng cường sản xuất insulin, hormon giúp cơ thể hấp thụ glucose. Vì vậy, hàng ngày cần ăn một trong các loại rau trên tốt cho bệnh nhân mắc đái tháo đường.
Cá, tôm, thịt nạc: Thịt nạc không chỉ chứa ít chất béo bão hòa mà còn có một lượng chất đạm dồi dào, có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol xấu. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, bệnh nhân đái tháo đường nên ăn thịt nạc hàng ngày. Cá bơn, cá trích, cá hồi, cá rô phi, cá mòi, cá ngừ, sò điệp, tôm, sò, thịt gia cầm (bỏ da) và thịt thăn chính là những nguồn protein lý tưởng cho những người bệnh đái tháo đường.
Lưu ý: Phải ăn uống điều độ, đúng giờ, không để quá đói nhưng cũng không ăn quá no. Chia nhỏ bữa ăn (ít nhất 4 bữa). Người bệnh cũng nên ăn bữa phụ buổi tối để tránh hạ đường huyết ban đêm. Không nên thay đổi chế độ ăn cũng như khối lượng của các bữa ăn.

Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Thị Kim

Chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường

Ước tính hiện trên toàn cầu có khoảng 250 triệu người đái tháo đường (ĐTĐ), 344 triệu người bị tiền ĐTĐ. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có đến 366 triệu người bị ĐTĐ và 472 triệu người bị tiền ĐTĐ. ĐTĐ đã trở thành một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo như bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương... Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể khống chế bởi chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý.
ĐTĐ được liệt vào nhóm rối loạn chuyển hóa. Do rối loạn chuyển hóa đường nên bệnh nhân sẽ bị tăng đường huyết, cụ thể là tăng glucose trong máu và đến một mức nào đó sẽ xuất hiện đường niệu tức là có glucose trong nước tiểu. Ở giai đoạn đã muộn này thì các triệu chứng kinh điển là: uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều; đường huyết tăng - có đường trong nước tiểu; bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm dẫn tới tàn phế và tử vong.
Để góp phần khống chế đường huyết ở mức bình thường, không gây tăng đường huyết quá mức, không gây hạ đường huyết, đồng thời hạn chế được tăng lipid huyết tương, làm chậm bước tiến của xơ vữa động mạch ở bệnh nhân thừa cân, thì chế độ ăn là biện pháp điều trị và phòng ngừa cơ bản, làm nền tảng cho điều trị lâu dài.
Chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
Thịt bò là món ăn rất tốt cho bệnh nhân bị tăng đường huyết.
Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn cho bệnh nhân ĐTĐ
Đảm bảo đủ tổng năng lượng để giữ cân nặng bình thường. Đối với người béo, cần giảm bớt năng lượng.
Đảm bảo cung cấp cân đối năng lượng giữa protein, glucid và lipid theo tỷ lệ: protein = 15 - 20%; glucid = 55 - 60% ; lipid = 30%
Nên dùng thức ăn giàu chất xơ vì nó có tác dụng làm giảm tăng glucose, cholesterol, tryglycerid.
Dùng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Quốc tế đã phân loại chỉ số đường huyết của một số loại thực phẩm như sau: chỉ số đường huyết cao là trên 70%; trung bình: 56,69%; thấp: 40 - 55%; rất thấp: nhỏ hơn 40%. Cụ thể:
Lương thực: gạo giã trắng có chỉ số đường huyết 83, gạo giã dối 72, khoai lang 54, khoai sọ 58, cà rốt 50, lạc 19, đậu tương 18...
Quả: chuối có chỉ số đường huyết 53, táo tây 53, xoài 55, nho 43, cam 66, dưa hấu 72.
Sữa: chỉ số đường huyết của sữa gầy 32, sữa chua 52, kem 52.
Bánh: bánh mỳ trắng có chỉ số đường huyết 100, bánh bích quy 50 - 65. Do vậy không nên dùng bánh mỳ.
Đủ vitamin đặc biệt vitamin nhóm B.
Phân chia khẩu phần thành nhiều bữa để không gây tăng đường huyết quá mức sau ăn.
Thực phẩm nên chọn: gạo lức (gạo giã dối), sữa gầy, các loại thịt nạc, thịt bò, thịt bê, thịt gà bỏ da, các loại cá sông, cá biển ít béo.
Thực phẩm nên tránh: các loại thịt nhiều mỡ: thịt lợn, xúc xích, thịt hun khói, phủ tạng động vật, thịt ngan ngỗng, vịt; các loại cá béo nhiều mỡ (cá tra, cá nheo), cua bể, sò, ngao; các món xào rán; các loại đồ uống có cồn (rượu, bia), các loại nước ngọt có ga, các loại nước quả có đường; các loại bánh kẹo ngọt...
Mẫu thực đơn cho người lao động bình thường bị đái tháo đường (xem bảng).
Chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
Giá trị dinh dưỡng của thực đơn: năng lượng: 1.700 kcal.
Trong đó: đạm 16% = 55 - 60g; lipid 27% = 45 - 50g; glucid 57% = 235 - 250g , xơ = 30 - 35g.
Nếu do điều kiện lao động và sinh hoạt chỉ ăn được 3 bữa/ngày năng lượng phân phối như sau:
Bữa sáng: 20% năng lượng.
Bữa trưa: 40% năng lượng.
Bữa tối : 40% năng lượng.

BS. Phạm Minh Nguyệt

Rối loạn chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng và lớn nhất, ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể. Khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn thì các tế bào trong cơ thể sẽ không còn hoạt động hiệu quả như bình thường, khiến bạn dễ mắc nhiều bệnh khác.
Tuyến giáp có vị trí nằm phía trước cổ hình cánh bướm, ngang hàng với các đốt xương sống C5-T1, gồm 2 thuỳ (thuỳ phải, thuỳ trái) và 1 eo ở giữa. Tuyến giáp có khả năng sinh tổng hợp 2 hormone là triiodothyronin (T3) và tetraiodothyronin (T4) với vai trò quan trọng là: điều hoà chuyển hoá mỡ và carbonhydrat, điều hoà hoạt động hô hấp, thân nhiệt, bài tiết trong cơ thể, sự phát triển của não, hoạt động của hệ tim mạch, thần kinh,…
Nếu chức năng tuyến giáp bị suy giảm (hay còn gọi là nhược giáp, suy giáp, giảm năng tuyến giáp) dẫn đến giảm sản xuất hormone tuyến giáp dưới mức bình thường, làm cho nồng độ hormone tuyến giáp trong máu giảm, từ  đó gây ra những tổn thương ở mô và rối loạn chuyển hóa. Khi đó, người bệnh sẽ bị giảm nhịp tim, giảm cung lượng tim và tốc độ tuần hoàn, giảm độ co cơ, giảm nhu động ruột, giảm tạo máu và thân nhiệt giảm,…  với một số biểu hiện dễ thấy như: mệt mỏi, tăng cân, da, tóc khô, khó tập trung,…
Ngược lại, nếu nồng độ hormone tuyến giáp trong máu tăng cao (hay còn gọi là cường giáp, tăng năng tuyến giáp) do hoạt động quá mức của tuyến giáp và gây ra những tổn hại về mô, chuyển hóa (nhiễm độc giáp) thì cơ thể xuất hiện các triệu chứng như: rối loạn chuyển hóa thân nhiệt (da bàn tay ấm và ẩm ướt, da nóng), tăng cảm giác khát (uống nhiều, đi tiểu nhiều), nhịp tim thường xuyên nhanh, tăng nhu động ruột,… Nếu không được điều trị kịp thời, cả hai tình trạng suy giảm hoặc hoạt động quá mức của tuyến giáp sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chức năng tuyến giáp, thậm chí có thể dẫn đến ung thư tuyến giáp cùng nhiều biến chứng nguy hiểm như: hôn mê, tử vong,…
Rối loạn chức năng tuyến giáp
Rối loạn chức năng tuyến giáp gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp là do rối loạn hệ miễn dịch, tức là cơ thể tự sinh ra các kháng thể chống lại các tế bào tuyến giáp. Ngoài ra, bệnh còn do một số nguyên nhân khác như: di truyền, căng thẳng thần kinh, quá tải hoặc thiếu i-ốt... Theo các chuyên gia y tế, i-ốt là chất tối cần thiết cho sức khỏe của tuyến giáp và sự tổng hợp hormone tuyến giáp. Tuy nhiên, cơ thể không tự tổng hợp được i-ốt mà chỉ hấp thu qua đường thức ăn. Không đủ i-ốt, cơ thể dễ mắc các rối loạn tự miễn, trong đó có suy chức năng tuyến giáp và ung thư. Quá tải i-ốt có thể gây cường giáp trên bệnh nhân thường có biểu hiện bệnh lý tuyến giáp trước đó. Vì vậy, việc bổ sung i-ốt hợp lý có vai trò quan trọng trong điều trị hầu hết các rối loạn ở tuyến giáp bao gồm nhược giáp, cường giáp, bướu giáp và ung thư tuyến giáp.

Việc điều trị các bệnh lý của tuyến giáp cũng gây ra những khó khăn cho nhiều bệnh nhân. Tây y thường dùng thuốc để điều trị các bệnh lý tuyến giáp. Tuy nhiên, việc dùng thuốc lâu dài ít nhiều sẽ gây tác dụng phụ cho cơ thể, chưa kể nguy cơ biến chứng cũng có thể xảy ra. Đối với những người lựa chọn giải pháp phẫu thuật, việc điều trị cũng sẽ rất tốn kém. Trong khi đó, Đông y sử dụng những dược liệu thiên nhiên để điều trị bởi những ưu điểm như: An toàn cho cơ thể người bệnh khi điều trị lâu dài; bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đây cũng là xu thế trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh lý tuyến giáp ngày nay.

Ngừa viêm tụy cấp, cách gì?

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính ở tụy do hoạt hóa các proenzyme ngay tại tụy gây ra sưng, phù nề tổ chức tụy hoặc nặng hơn nữa là gây ra chảy máu, hoại tử trong nhu mô tụy. Có khoảng 80% viêm tụy cấp có nguyên nhân, 20% không rõ nguyên nhân. Ở Việt Nam, viêm tụy thường do sỏi hoặc do giun đũa chui vào ống tụy, tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ lệ viêm tụy cấp do rượu đang tăng lên một cách rõ rệt.
Ngừa viêm tụy cấp, cách gì? 1
 Hình ảnh tuyến tụy trong cơ thể
Dấu hiệu nhận biết
Khởi phát cấp tính, đột ngột với cơn đau bụng cấp là triệu chứng chính thường gặp. Đau từ nhẹ đến nặng mà bệnh nhân không chịu nổi, đau thường xuyên và có cơn trội hẳn lên. Đau ở vùng thượng vị và ở vùng quanh rốn hoặc hạ sườn trái, tương ứng vùng tụy, đau lan lên ngực trái hoặc ra sau lưng, đau tăng khi nằm ngửa, giảm khi cúi gập mình ra phía trước. Đau có thể làm bệnh nhân vật vã bất an, toát mồ hôi hoặc choáng ngất. Với biểu hiện đau này gần giống với đau bụng cấp trong bệnh lý dạ dày tá tràng, nhất là xuất hiện sau khi uống rượu bia nhiều sẽ làm cho người bệnh chủ quan không đi khám ngay và nhiều trường hợp đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. 70 - 80% các trường hợp có nôn.
Toàn thân có hội chứng nhiễm khuẩn, với các biểu hiện như sốt, đau đầu, môi khô, lưỡi bẩn; nhất là trong trường hợp do giun và sỏi có thể xảy ra ngày đầu hoặc ngày thứ hai, còn trong viêm tụy cấp do rượu, nhiễm khuẩn thường đến muộn sau 5 - 7 ngày do bội nhiễm.
Ngoài ra, nếu trong trường hợp có viêm tụy cấp hoại tử thì có thêm các biểu hiện khác như mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, đầu chi lạnh, tím tái...Muộn hơn có thể có biểu hiện suy tim, vàng mắt, suy thận cấp... Một số trường hợp có biểu hiện thiếu canxi, ngón chân tay co quắp do canxi máu giảm nhanh và đột ngột.
Nguyên nhân đa dạng
Có nhiều yếu tố nguyên nhân trong bệnh sinh viêm tụy cấp, nhưng cơ chế chủ yếu của viêm tụy cấp đến nay vẫn chưa được hoàn toàn biết rõ. Trong đó có một vài lý do hay được nhắc đến:
Viêm tụy cấp và sỏi mật. Nhiều trường hợp viêm tụy cấp có sỏi mật kèm theo. Do về mặt giải phẫu giữa đường mật và ống tụy có chỗ đổ chung nhau nên một số trường hợp sỏi mật làm tắc ống tụy dẫn đến ứ đọng và gây nên viêm tụy. Mặc dù còn nhiều vấn đề nghiên cứu chưa thấy rõ về mặt sinh bệnh học nhưng mối liên quan giữa sỏi mật và viêm tụy cấp được nhiều các tác giả ủng hộ. Cũng tương tự như vậy, nếu có giun trong đường mật, chui xuống làm tắc nghẽn chỗ đổ chung này sẽ gây nên viêm tụy.
Viêm tụy cấp do rượu cũng hay gặp. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng rượu làm tăng độ tập trung protein trong dịch tụy, sự lắng đọng protein sẽ dẫn đến hiện tượng vôi hóa, viêm tụy. Tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Viêm tụy cấp còn có thể gặp sau phẫu thuật ổ bụng, đặc biệt là các phẫu thuật ở đường mật và dạ dày. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như nhiễm khuẩn (sau quai bị, viêm gan virut), do dùng thuốc (thuốc lợi tiểu thiazid, furosemid, thuốc ngừa thai...).
Chẩn đoán có khó?
Khi xét nghiệm thấy nồng độ amylase trong máu và nước tiểu tăng cao. Mặc dù không phải là xét nghiệm đặc hiệu cho riêng bệnh viêm tụy cấp nhưng nếu bệnh nhân có các triệu chứng điển hình, kết hợp với nồng độ amylase cao sẽ nhiều khả năng hướng tới chẩn đoán viêm tụy cấp.
Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, viêm tụy cấp có thể diễn biến thành hoại tử tụy, thường hoại tử tụy ít khi khu trú mà lan rộng do hiện tượng tự tiêu của tuyến tụy dưới tác động của các men tiêu protein và lipid được hoạt tác ngay trong lòng tuyến tụy. Tiếp theo đó sẽ dẫn đến chảy máu tụy, thậm chí gây hoại tử tụy các tạng xung quanh như hoại tử mạch mạc treo gây chảy máu trong ổ bụng, gây thủng tá tràng, đại tràng... muộn hơn sẽ biến chứng thành áp-xe tụy. Bệnh nhân tử vong do chảy máu, sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong do viêm tụy cấp có thể tới trên 15% và tử vong trong viêm tụy cấp do rượu cao gấp 3 lần so với tử vong trong viêm tụy cấp do sỏi hoặc giun.
Điều trị và dự phòng như thế nào?
Phần lớn viêm tụy cấp là thể phù (85 - 90%), điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa và bệnh sẽ thoái triển sau 5 - 7 ngày. Các biện pháp thông thường là: hút dịch vị, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch khi các triệu chứng đau giảm nhiều mới bắt đầu cho ăn dần, bắt đầu là nước đường, rồi hồ đường, rồi cháo để giảm sự tiết dịch tụy; bù nước và điện giải để đảm bảo thăng bằng kiềm toan, tùy theo điều kiện và nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng các loại thuốc giảm tiết, kháng sinh cho phù hợp.
Ở bệnh nhân có tiền sử sỏi hoặc giun chui đường mật, hoặc sau bữa ăn thịnh soạn có sử dụng nhiều rượu, mà xuất hiện đau bụng cấp, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để khám và điều trị hợp lý, kịp thời tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.              
BS. Nguyễn Bạch Đằng

Ai dễ mắc hội chứng chuyển hóa?

(SKDS) - Hội chứng chuyển hóa (HCCH) là một rối loạn gồm các triệu chứng: tăng huyết áp, tăng insulin, cholesterol máu cao, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường. Tỷ lệ mắc bệnh chuyển hóa tăng ở tuổi trung niên, dưới 10% ở lứa tuổi 20, tăng lên đến 40% ở lứa tuổi 60.
Hội chứng chuyển hóa có liên quan tới tình trạng đề kháng insulin, là một hormon do tụy sản xuất ra có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Bình thường thức ăn được tiêu hóa thành đường (glucosse), được cơ thể sử dụng làm nguồn năng lượng. Glucose vào được trong tế bào là nhờ insulin. Ở người có đề kháng insulin, glucose không thể vào tế bào một cách bình thường, khi đó cơ thể phản ứng bằng cách sản suất nhiều hơn insulin, dẫn đến nồng độ insulin tăng cao trong máu. Khi nồng độ insulin máu tăng lên sẽ làm tăng triglycerid máu và các chất béo khác. Các yếu tố đó ảnh hưởng tới thận và làm cho huyết áp tăng, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường và các bệnh khác.
Yếu tố nguy cơ mắc HCCH gồm: tuổi, béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp, buồng trứng đa nang… làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Khoảng 20-30% dân số của các nước phát triển mắc HCCH. Tại Hoa Kỳ, HCCH chiếm 24% dân số và tăng nhanh theo tuổi với hơn 40% ở người trên 60 tuổi.
 Các cơ quan người bình thường (trái), rối loạn của các cơ quan trong HCCH ở người béo phì (phải).
Hội chứng chuyển hóa gây xơ vữa động mạch

Tiêu chuẩn chẩn đoán HCCH
HCCH gồm các triệu chứng: tăng huyết áp; tăng insulin làm rối loạn dung nạp glucose; tăng nồng độ triglycerid, HDL cholesterol thấp; béo phì. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán của WHO, HCCH gồm 3 trong 5 dấu hiệu sau: béo bụng, vòng eo trên 102cm ở nam và trên 88cm ở nữ; tăng triglycerid máu trên 150mg/dL; HDL-c dưới 40mg/dl ở nam và dưới 50mg/dl ở nữ; huyết áp trên 130/85mmHg; đường huyết lúc đói trên 110mg/dL. Các tiêu chuẩn chẩn đoán HCCH ở người châu Á là: vòng eo trên 90cm ở nam và trên 80cm ở nữ; đường huyết lúc đói trên 110mg/dL hoặc đái tháo đường; HDL-C dưới 40mg/dl ở nam và dưới 50mg/dL ở nữ; triglyceride trên 150 mg/dL; huyết áp trên 130/85mmHg hoặc đang điều trị tăng huyết áp.
Các rối loạn về chuyển hóa kết hợp thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa trong động mạch, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và mạch máu não cũng như làm tăng tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân này. HCCH dẫn đến tình trạng xơ vữa mạnh ở các mạch máu lớn và nhỏ, trong đó những vùng thường gặp là: cung (quai) động mạch chủ, động mạch vành; động mạch cảnh trong, động mạch dưới đòn; động mạch não giữa, động mạch thân nền. Phình mạch: hay gặp ở động mạch thân nền, động mạch cảnh trong. Các bệnh động mạch nhỏ.
Những yếu tố gây xơ vữa động mạch có thể phòng tránh được gồm: tránh béo phì; bỏ hút thuốc lá; điều trị tích cực bệnh tăng huyết áp; kiểm soát tốt bệnh tiểu đường; điều trị rối loạn lipid máu; tăng cường vận động thể lực; bỏ hẳn hoặc hạn chế uống rượu; tránh mọi căng thẳng (stress); phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn…
Tác dụng kết hợp của các rối loạn trong HCCH
Các rối loạn trong thành phần của HCCH có thể có tác động cộng hưởng với nhau, chẳng hạn béo phì làm tăng đề kháng insulin, đái tháo đường týp 2 và tăng huyết áp, vì hai yếu tố đái tháo đường týp 2 và tăng huyết áp đều được biết là các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành và quá trình vữa xơ động mạch nói chung.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, đề kháng insulin/tăng insulin máu và những hậu quả do các khiếm khuyết trong chuyển hóa insulin có liên quan với việc xuất hiện các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, như tăng triglycerid huyết tương, giảm HDL-c, tăng huyết áp, béo bụng, suy giảm chức năng của hệ tiêu sợi huyết…
Chú trọng phòng ngừa
Có sự liên quan phối hợp gây tổn thương giữa các yếu tố trong hội chứng chuyển hóa, theo đó càng kết hợp nhiều yếu tố chuyển hóa thì càng có nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, để phòng ngừa đột quỵ cần phải kiểm soát các yếu tố chuyển hóa 6 tháng một lần. Các biện pháp để phòng ngừa nguy cơ bệnh gồm: thay đổi chế độ ăn, điều trị tích cực bệnh tiểu đường; điều trị và kiểm soát tốt bệnh tăng huyết áp; điều trị rối loạn lipid máu; tích cực phòng tránh bệnh béo phì. Tập thể dục đều đặn từ 30-45 phút mỗi ngày với cường độ vừa phải. Giảm 5-10% trọng lượng cơ thể giúp làm giảm nồng độ insulin, giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế chất béo có hại, tăng cường rau, trái cây, cá và các loại hạt. Ngừng hút thuốc lá vì thuốc lá làm tăng đề kháng insulin.
BS.Nguyễn Bùi Kiều Linh

7 nguy cơ khi mỡ máu cao

Chỉ số mỡ máu triglycerides cao có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
Triglycerides là một loại mỡ đặc biệt được dự trữ thành năng lượng để cơ thể sử dụng. Đáng nói là hầu hết mọi người chỉ nhận ra họ có chỉ số triglycerides cao hoặc rất cao sau khi xét nghiệm máu mà không biết điều này khá nguy hiểm đối với sức khỏe.

Khi dùng thức ăn béo, hầu hết mỡ hình thành dưới dạng chất béo trung tính gọi là triglycerides hoặc khi tiêu thụ quá nhiều calo, calo cũng được chuyển đổi thành triglycerides và lưu trữ bên trong các tế bào mỡ. Khi xét nghiệm máu, triglycerides được kiểm tra cùng với cholesterol toàn phần, cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL).

Thường cơ thể không có triệu chứng chứng tỏ cholesterol cao hoặc triglycerides cao, một tình trạng gọi là tăng lipid máu, vì thế mà nhiều người có thể không biết. Dù vậy, chỉ số chất béo trung tính triglycerides sẽ là rất cao nếu ở mức từ 500 miligam mỗi decilít (mg/dL) trở lên. Điều này có thể dẫn đến một số dấu hiệu như: Tăng chất béo lắng đọng dưới da được gọi là xanthoma (ban vàng), viêm tụy cấp, sưng và đau ở gan hoặc lá lách, đau ngực do giảm cung cấp máu cho tim, giảm cung cấp máu đến não gây ra tê liệt, chóng mặt, lú lẫn, mắt mờ, nhức đầu dữ dội, thậm chí là mất trí nhớ. Vì thế, triglycerides cao có thể liên quan đến một loạt nguy cơ bệnh sau:

Viêm tụy: Tuyến tụy là một cơ quan quan trọng nằm ở phần trái phía trên bụng. Nó có chức năng sản xuất dịch tiêu hóa cần thiết để hấp thụ thức ăn. Lượng mỡ máu triglycerides rất cao có thể gây sưng tuyến tụy, biểu hiện ở việc bất ngờ đau bụng dữ dội, nôn mửa, sốt, nhịp tim nhanh, thở nhanh. Nếu dịch tiêu hóa bị rò rỉ bên ngoài tuyến tụy, nó có thể đe dọa tính mạng. Rượu có thể kích hoạt bệnh viêm tụy cấp, cùng với triglyceride cao, rượu còn có thể đẩy chỉ số này lên cao hơn. Vì thế, trường hợp này điều trị cần kết hợp giảm cân, thay đổi chế độ ăn uống và tránh uống rượu. 

Tiểu đường type 2: Sự hình thành nhiều triglycerides là một phần tình trạng gọi là hội chứng trao đổi chất, bao gồm cao huyết áp, tăng mỡ bụng, HDL thấp (cholesterol tốt), và đường huyết cao. Chỉ số triglycerides cao kết hợp với 2 trong bất kỳ điều kiện nào kể trên cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 lên gấp 5 lần.
7 nguy cơ khi mỡ máu cao - 1
Mỡ máu cao là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch. (ảnh minh họa)

Bệnh tim mạch: Tương tự như trên, chỉ số triglycerides cao kết hợp với 2 yếu tố của hội chứng chuyển hóa khác tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh tim. Một lượng lớn mỡ máu loại này nằm bên trong các mạch máu vận chuyển ôxy cho cơ tim.
Đột quỵ: Đột quỵ là tổn thương não xảy ra khi bị giảm nguồn cung cấp máu tới các tế bào não. Triglycerides ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp cho não của chúng ta. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng đối với phụ nữ lớn tuổi, mỡ máu triglycerides là một trong những nhân tố gây đột quỵ.

Bệnh gan: Mỡ tích tụ trong gan là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gan mãn tính, ví dụ xơ gan, ung thư, suy gan... Trong số các trường hợp gan nhiễm mỡ không do rượu bia gây ra (NAFLD), có tới hơn 10% lá gan đã được thay thế bằng mỡ, mà nguyên nhân phổ biến nhất đối với NAFLD là bệnh tiểu đường, béo phì và triglycerides cao.

Đau và tê chân: Quá nhiều mỡ máu tạo thành lớp chất trong lòng động mạch, khi chảy đến chân, chúng có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên (PAD). PAD có thể gây ra đau và tê ở chân, đặc biệt là khi đi bộ. Nó cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở chân hoặc bàn chân.
7 nguy cơ khi mỡ máu cao - 2
Mỡ máu cao có thể gây ra đau và tê ở chân. (ảnh minh họa)
Sa sút trí tuệ: Chức năng não suy giảm có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ và hành vi. Tuổi tác là một nguy cơ lớn đối với chứng mất trí, nhưng chỉ số mỡ máu triglycerides cao cũng vậy. Nguyên do là mỡ máu loại này có thể gây hại cho mạch máu bên trong não, góp phần tạo nên một protein độc hại được gọi là amyloid.
Tóm lại, chỉ số mỡ máu triglycerides cao có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Các chuyên gia khuyên rằng, chỉ cần ở độ tuổi trên 20, hãy xét nghiệm tổng thể máu 5 năm một lần. Nếu chỉ số triglycerides cao, việc điều trị sẽ bao gồm chế độ ăn uống (tăng cường omega3, tránh transfat), giảm cân, tập thể dục, kiểm soát đường huyết; đồng thời bệnh nhân có thể dùng kết hợp thuốc statin, fibrate, niacin hoặc dầu cá để đưa chỉ số này vào vòng kiểm soát.
Theo An ninh thủ đô

Suy tuyến thượng thận mạn tính gây hại nhiều phủ tạng

(SKDS) - Suy tuyến thượng thận mạn tính hay suy vỏ tuyến thượng thận mạn thường gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh có biểu hiện đa dạng và có thể ảnh hưởng đến nhiều phủ tạng trong cơ thể như tim mạch, thần kinh... nên trong vấn đề điều trị đòi hỏi người bệnh cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ điều trị, trong sinh hoạt cũng cần chú ý nhằm tránh khởi phát đợt viêm tuyến thượng thận cấp tính.
 Sạm da do suy tuyến thượng thận mạn tính.
Suy tuyến thượng thận mạn có những biểu hiện gì?
Bệnh suy tuyến thượng thận mạn thường gặp ở người trẻ tuổi. Bệnh diễn biến từ từ trong nhiều năm, bắt đầu rất kín đáo. Khi có các triệu chứng nổi bật, rầm rộ thì tổn thương nhu mô tuyến đã rất nặng nề và đã ảnh hưởng đến nhiều phủ tạng.
Triệu chứng toàn thân: mệt mỏi, thiếu sinh khí, giảm khả năng lao động, mỏi cơ; gầy, sụt cân; hạ đường huyết sáng sớm, lúc đói.
Triệu chứng ngoài da: da nhăn nheo do mất nước, muối; sạm da và niêm mạc. Thường xảy ra trên phần da hở (da mặt, quanh mi mắt, nếp gấp lòng bàn tay, các vết sẹo cũ, đường trắng ở bụng), mặt trong má, môi, lưỡi, những nơi đã thâm cũ (núm vú, bộ phận sinh dục ngoài).
Triệu chứng tim mạch: huyết áp thấp, mạch nhanh, tim bé.
Triệu chứng tiêu hóa: thường bị rối loạn tiêu hóa, tiêu lỏng; bài tiết acid dịch vị giảm ở dạ dày; bệnh túi mật.
Triệu chứng tâm thần kinh: rối loạn ý thức: lú lẫn, lơ mơ, hôn mê. Xen kẽ triệu chứng kích thích thần kinh lẫn ức chế thần kinh: vật vã, choáng.
Thay đổi cơ quan sinh dục, sinh dục phụ: trên thực tế lâm sàng cần chú ý 4 triệu chứng quan trọng mà Addison nêu lên: sạm da, mệt mỏi, hạ đường huyết và sụt cân.
 Vị trí tuyến thượng thận trong cơ thể.
Nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận mạn:
Những nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận mạn thường gặp là: nhiễm khuẩn, đặc biệt là lao thượng thận, lao thứ phát sau lao sinh dục. Có tổn thương vỏ và tủy thượng thận. Bệnh nặng do các rối loạn điện giải. Bệnh tự miễn gây teo thượng thận, suy tuyến yên... Ít gặp: điều trị corticoid kéo dài, điều trị nizoral, ung thư thượng thận, sau phẫu thuật cắt hai tuyến thượng thận.
Làm thế nào để chẩn đoán
suy thượng thận mạn?
Trong suy thượng thận mạn, để xác minh chẩn đoán, thầy thuốc cần dựa vào xét nghiệm máu, nước tiểu, nghiệm pháp động, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, nhấp nháy đồ hạt nhân. Trong máu nồng độ glucose giảm, rối loạn điện giải, clo giảm, natri giảm, kali tăng, cortisol thấp và aldosteron thấp. Trong nước tiểu 24 giờ nồng độ 17 OH steroid giảm, 17 cetosteroid giảm nặng, aldosteron giảm. Nghiệm pháp kích thích ACTH không đáp ứng. Các cận lâm sàng khác: siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ được chỉ định sau khi đã có các xét nghiệm theo chuyên khoa nội tiết và hội chẩn.
Phối hợp toàn diện trong điều trị bệnh
Để điều trị bệnh suy tuyến thượng thận mạn tính cần phối hợp điều trị toàn diện: chế độ ăn uống: khẩu phần ăn đủ muối Na; bù đủ dịch, điều chỉnh điện giải, ổn định huyết áp; điều trị thay thế với các thuốc hydrocortison, prednison. Các chế phẩm này nên dùng sau ăn. Fludrocortison cũng được chỉ định trong một số trường hợp.
Để phòng ngừa suy thượng thận mạn cần điều trị tốt lao tiết niệu - sinh dục, bệnh tự miễn, hội chứng Cushing. Khi đã được chẩn đoán bệnh cần theo đúng phác đồ điều trị, tránh giảm hoặc ngừng thuốc đột ngột vì có thể gây suy thượng thận cấp.  
 

PGS.BS. Trần Văn Chất

Viêm tuyến giáp mạn tính và biến chứng dễ gặp

Khi bị viêm tuyến giáp mạn tính, còn gọi là viêm tuyến giáp Hashimoto thường dẫn đến hậu quả là tuyến giáp bị tổn thương dần dần, khả năng sản xuất hormon tuyến giáp bị giảm gây suy giáp, có thể để lại di chứng trên nhiều bộ phận khác của cơ thể và có thể di truyền cho thế hệ sau nếu người mẹ mang bệnh không được điều trị triệt để.
 Hình ảnh tuyến giáp bị phì đại
Viêm tuyến giáp mạn tính rất khó nhận biết
Viêm tuyến giáp Hashimoto có rất nhiều triệu chứng nhưng không có triệu chứng nào là đặc hiệu. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, tiến triển dần đến suy giáp. Khi đó người bệnh mới thấy có triệu chứng bất thường và chủ yếu là triệu chứng của suy giáp. Các triệu chứng nhiều hay ít, nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mức độ suy giáp. Lúc đầu bệnh nhân thường chỉ thấy mệt, tăng cân nhẹ mà nhiều người nghĩ rằng đó là dấu hiệu của tuổi già. Nhưng khi bệnh nặng hơn thì các triệu chứng nhiều hơn, nặng hơn khiến bệnh nhân phải đi khám, đó là: mệt mỏi; sợ lạnh; rối loạn kinh nguyệt; táo bón nặng; da khô, tái; mặt phù tròn; giọng khàn; tăng cân không giải thích được; đau cơ, cứng cơ; trầm cảm, buồn ngủ; tuyến giáp thường to (gây bướu cổ) nhưng cũng có thể teo nhỏ nên khi khám tuyến giáp sẽ không phát hiện được gì đặc biệt. Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ nặng dần và tuyến giáp to lên, kèm theo hay quên, trí nhớ giảm sút, hoạt động chậm chạp... có thể nhầm lẫn với bệnh tâm thần.
 Bướu cổ là biến chứng thường gặp của viêm tuyến giáp mạn tính.
Các biến chứng dễ gặp
 Nếu không điều trị, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh như:
Bướu cổ: là hậu quả của tình trạng chịu kích thích kéo dài dẫn đến tuyến giáp bị phì đại. Đa số bệnh nhân không thấy có phiền toái gì nhưng một số người có bướu giáp to gây khó nuốt và khó thở, ngoài ra còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tuy nhiên các bệnh nhân này hiếm khi phải phẫu thuật.
Bệnh tim mạch: Suy giáp do viêm tuyến giáp mạn tính có thể là một yếu tố nguy cơ tim mạch do gây rối loạn mỡ máu dẫn đến xơ vữa động mạch, đáng sợ nhất là xơ vữa mạch vành. Một số người bệnh suy giáp có thể bị tăng huyết áp. Suy giáp nặng cũng có thể gây tim to, tràn dịch màng tim và đôi khi gây suy tim.
Tâm thần kinh: Trầm cảm có thể xuất hiện từ rất sớm và có xu hướng nặng lên theo tiến triển của bệnh. Viêm tuyến giáp mạn tính cũng có thể gây suy giảm tình dục ở cả nam và nữ, gây suy giảm các chức năng tâm thần khác như trí nhớ, khả năng tập trung, giấc ngủ...
Phù niêm: Đây là một biểu hiện tuy hiếm gặp nhưng rất nặng ở người bệnh bị suy giáp kéo dài. Các triệu chứng bao gồm: sợ lạnh, hạ thân nhiệt (có thể thấp tới 35oC), lờ đờ, ngủ gà, luôn trong tình trạng mệt mỏi và cuối cùng là hôn mê. Bệnh khởi phát hoặc nặng lên do nhiễm khuẩn, stress hoặc do dùng thuốc ngủ. Những bệnh nhân này cần được điều trị cấp cứu ngay vì tiên lượng rất nặng.
Các dị tật bẩm sinh: Con của những bà mẹ bị suy giáp do viêm tuyến giáp Hashimoto mà không được phát hiện sẽ có nguy cơ rất cao bị các dị tật bẩm sinh về não, tim, thận... và chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ sau khi sinh ra. Tuy nhiên nếu suy giáp ở người mẹ được phát hiện và điều trị sớm trong những tuần đầu thì kết quả rất tốt, nguy cơ bị dị tật chỉ là tương đương với con của những bà mẹ bình thường khác. Vì thế, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên kiểm tra chức năng tuyến giáp trước khi có thai. Những người bị sảy thai, thai lưu nhiều lần cũng nên kiểm tra hormon tuyến giáp. 
Điều trị viêm tuyến giáp mạn tính phụ thuộc tình trạng suy giáp
Phương hướng điều trị bệnh viêm tuyến giáp mạn tính phụ thuộc tình trạng bệnh nhân đã có suy giáp hay chưa. Nếu không có bằng chứng của thiếu hụt hormon tuyến giáp thì người bệnh không cần điều trị gì nhưng cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời suy giáp. Với những bệnh nhân có thiếu hụt hormon (có suy giáp) sẽ được điều trị thay thế bằng hormon giáp tổng hợp, thuốc có cấu trúc và tác dụng giống hệt hormon tự nhiên do tuyến giáp sản xuất ra. Thường sau khi điều trị một thời gian ngắn, bệnh nhân sẽ thấy đỡ mệt nhưng để cải thiện hoàn toàn các triệu chứng cũng như kết quả xét nghiệm (T4, TSH, cholesterol...) về bình thường thì phải mất 3 - 6 tháng.
Lưu ý: Khi đã bị suy giáp, các bệnh nhân viêm tuyến giáp mạn tính cần điều trị hormon thay thế suốt đời. Để đảm bảo liều thuốc có tác dụng thì người bệnh cần được xét nghiệm đánh giá thường xuyên, có thể là hằng tháng trong thời gian đầu cho đến khi xác định được liều thích hợp, sau đó là hằng năm. 
ThS. Nguyễn Quang Bảy
Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh
Tuyến giáp là một cơ quan thuộc hệ nội tiết, nó sản xuất ra 2 hormon chính là T3 và T4 có vai trò quan trọng trong điều hoà hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh và hệ tiêu hoá... cũng như chuyển hoá các chất carbohydrate, chất béo, chất đạm... Bình thường thì lượng hormon TSH (hormon kích thích tuyến giáp) được tuyến yên giải phóng ra tỉ lệ nghịch với nồng độ hormon T3, T4 trong máu, nó sẽ kích thích tuyến giáp hoạt động mạnh hay yếu để giữ nồng độ hormon giáp trong máu luôn ở trong giới hạn bình thường. Ngoài ra, các phản ứng miễn dịch là một hoạt động đặc biệt bảo vệ cơ thể nhưng trong bệnh viêm tuyến giáp mạn tính, hệ miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại chính tuyến giáp. Hậu quả là tuyến giáp bị viêm, giảm khả năng sản xuất hormon tuyến giáp gây nên tình trạng suy giáp.

Hướng mới trong điều trị viêm tụy cấp nặng

Viêm tụy cấp (VTC) nặng cho đến thời điểm hiện nay vẫn là mối đe dọa đến tính mạng bệnh nhân và là một thách thức với thầy thuốc khi tỷ lệ tử vong do nguyên nhân này có thể tới 50%. Những hiểu biết mới về cơ chế bệnh sinh và sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ lọc máu đã và đang góp phần cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân VTC nặng mà thần chết đã đến đứng ở đầu giường...
Từ những hiểu biết mới về cơ chế bệnh sinh
VTC là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận cũng như các biến chứng toàn thân. Có nhiều nguyên nhân gây VTC nhưng chủ yếu là do rượu ở nam giới và sỏi mật ở nữ giới.
 Cấu tạo và vị trí của tụy trong cơ thể.
Cơ chế bệnh sinh của VTC được cho là do các tác nhân như rượu, sự trào ngược của dịch mật vào ống tụy, nhiễm khuẩn... đã gây nên một tình trạng hoạt hóa sớm các men tiêu protein ngay trong lòng ống tụy (bình thường, các men này được hoạt hóa tại ruột để tiêu hóa thức ăn) gây tổn thương tại tụy và các cơ quan lân cận trong ổ bụng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, sau tổn thương tại chỗ ở tụy, một quá trình viêm rầm rộ được khởi phát với vai trò của các chất trung gian của quá trình viêm nhiễm (mediators hay các cytokine) tạo ra cái gọi là “cơn bão cytokine”. Cơn bão cytokine gây nên một đáp ứng viêm toàn thân và có thể tiến triển thành suy cơ quan, suy đa cơ quan trong VTC nặng.
Và bệnh cảnh lâm sàng...
Bệnh cảnh lâm sàng điển hình của VTC nặng thường có suy chức năng một hoặc nhiều cơ quan (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận...). Bệnh nhân thường có triệu chứng đau bụng dữ dội, bụng trướng căng, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, thiểu niệu, vô niệu, rối loạn đông máu, rối loạn nước điện giải, thăng bằng kiềm toan, rối loạn ý thức ban đầu và hôn mê ở giai đoạn sau.
Khi đã tiến triển suy cơ quan, đặc biệt khi suy đa cơ quan, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 50-70%, thậm chí cao hơn nếu có nhiễm khuẩn kèm theo hay do các biến chứng nặng như áp-xe tụy, tụy hoại tử nhiều, chảy máu ổ bụng do rối loạn đông máu hoặc do loét thủng các mạch máu quanh tụy.
Sự phát triển của công nghệ lọc máu
Từ đầu thập kỷ 90 tới nay, công nghệ thận nhân tạo (lọc máu) đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Từ những phương pháp lọc máu đơn giản, lọc máu ngắt quãng (IHD - Intermittent HemoDialysis, lọc máu khoảng 4h/ngày, lọc hàng ngày hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh nhân) chỉ nhằm lấy bỏ nước, điện giải, ure, creatinin ở bệnh nhân suy thận, chủ yếu là suy thận mạn, đến nay đã phát triển phương pháp thay thế thận liên tục hay lọc máu liên tục (CRRT - Continuous Renal Replacement Therapy).
 
 Bệnh nhân viêm tụy cấp đang được lọc máu tại bệnh viện.
Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được lọc máu liên tục từ 12h trở lên và có thể kéo dài liên tục trong nhiều ngày. Phương pháp lọc máu liên tục có nhiều ưu điểm hơn so với lọc máu ngắt quãng như thay thế được thận 24/24, ít gây tụt huyết áp, điều chỉnh nước, điện giải thăng bằng kiềm toan tốt hơn, sinh lý hơn, giúp nuôi dưỡng bệnh nhân tốt hơn và quan trọng nhất là với chất liệu màng lọc mới, kích thước lỗ màng lọc lớn đủ để loại bỏ các chất trung gian gây viêm, làm giảm quá trình viêm, từ đó giúp cho việc ổn định và hồi phục chức năng các cơ quan và có thể cải thiện tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân viêm tụy cấp nặng có suy đa cơ quan.
Đến việc cải thiện tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân VTC nặng có suy đa cơ quan
Một nghiên cứu về vai trò của lọc máu liên tục trong điều trị VTC nặng được tiến hành tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai và Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện E Trung ương từ 2006-2010 trên 116 bệnh nhân cho thấy: lọc máu liên tục giúp ổn định nước, điện giải, kiềm toan, có khả năng loại bỏ các chất trung gian gây viêm (các cytokine), giúp hồi phục nhanh chức năng các cơ quan bị suy (hô hấp, tuần hoàn, thận – tiết niệu…) từ đó góp phần vào việc làm giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân VTC nặng có suy đa cơ quan. Trong nhóm bệnh nhân VTC nặng được lọc máu liên tục, tỷ lệ tử vong là 10,2%, thấp hơn so với tỷ lệ tử vong là 24,6% ở nhóm bệnh nhân VTC nặng không lọc máu liên tục.
Tóm lại, mặc dù phương pháp lọc máu liên tục rất hữu ích khi áp dụng điều trị cho bệnh nhân viêm tụy cấp có suy đa cơ quan, điều quan trọng nhất vẫn là làm giảm tỷ lệ mắc VTC, đặc biệt là VTC nặng bằng các phương pháp có thể như tránh lạm dụng rượu, điều trị các bệnh lý sỏi mật, tăng mỡ máu, phát hiện và điều trị sớm VTC...  
 
Tần suất mắc VTC vào khoảng 5 - 73 trường hợp/100.000 dân/năm. Tỷ lệ VTC tại Anh, Đan Mạch và Mỹ dao động khoảng từ 4,8-24,2 ca/100.000 bệnh nhân; Thụy Điển: 27-30 nghìn ca/100.000 dân/năm; Pháp: 0,35%; Nhật: 0,12%; Ấn Độ: 0,55% (tính theo dân số). Tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, hàng năm, tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Bệnh viện E Trung ương có khoảng 150-200 trường hợp bệnh nhân VTC phải nhập viện và trong số đó có khoảng 30% à VTC nặng.
 TS.BS.Vũ Đức Định

Làm gì khi bị hạ đường huyết?

Hạ đường huyết hay chứng hạ đường huyết là sự giảm lượng đường (glucoza) trong máu xuống dưới mức bình thường (dưới mức 3,9-6,4 mmol/lít). Đây là một bệnh thể dịch, một bệnh sinh hóa, ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng và hoạt động của cơ thể con người, có thể gây ra nhiều rối loạn cho sức khoẻ, thậm chí là rất nguy hiểm. Vậy khi bị hạ đường huyết, chúng ta cần làm gì?
Khi tế bào não không được cung cấp glucose, người bệnh rơi vào tình trạng rối loạn suy nghĩ, mất định hướng, nhức đầu, lên cơn co giật, bất tỉnh, hôn mê, Có nhiều nguyên nhân gây nên hạ đường huyết, bao gồm:
 Bỏ bữa dễ gây hạ đường huyết.
Chế độ dinh dưỡng: Hạ đường huyết do ăn không đúng bữa (ăn trễ giờ so với bữa ăn bình thường) hoặc bỏ bữa (đặc biệt là bữa ăn sáng); do ăn kiêng ở những người có thể trạng béo, dẫn đến tình trạng không đủ lượng cacbonhydrat (tinh bột) hoặc do uống nhiều rượu bia, đặc biệt lúc đang đói (vì rượu bia dễ mang đến cảm giác no ảo).
Do bệnh lý mạn tính như: tiểu đường, các bệnh về gan, thận, ung thư tuyến tụy…
Dấu hiệu của hạ đường huyết
Các dấu hiệu của hạ đường huyết không giống nhau ở mỗi bệnh nhân. Nhưng thường xuất hiện vào lúc sắp đến bữa ăn và có một hay nhiều dấu hiệu chung sau: Mệt đột ngột không giải thích được; đau đầu, chóng mặt lả đi; cảm giác đói cồn cào; vã mồ hôi; tê buồn chân tay; chân có cảm giác nặng; lo lắng bứt rứt; run tay; hồi hộp, tim đập nhanh; có khi buồn nôn và nôn.
Làm gì khi bị hạ đường huyết? 
Với người bình thường bị hạ đường huyết: Khi có các triệu chứng của hạ đường huyết, ngay lập tức phải cho bệnh nhân ăn nhẹ cháo loãng, súp, các sản phẩm có đường có sẵn như: bánh , kẹo hoặc uống một cốc nước đường (200ml)…Sau khi ăn nên để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh.
Với người mắc  các bệnh mạn tính:  như tiểu đường, gan, thận… thì người bệnh cần chuẩn bị sẵn đường, bánh, kẹo, khi thấy đói thì ăn ngay. Ở bệnh nhân đái tháo đường, khi được điều trị bằng insulin, phải tiêm thuốc vào trước bữa ăn 1-2 giờ. Nếu sau khi tiêm insulin, thấy người khó chịu, bủn rủn thì ăn một ít đường. Trường hợp nghi ngờ có khối u tụy cần làm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng; nếu có u thì tiến hành phẫu thuật cắt bỏ, bệnh sẽ khỏi. Ngoài việc phòng ngừa và chuẩn bị trước cho các cơn hạ đường huyết, cần tuyết đối tuân theo lời chỉ dẫn của thầy thuốc trong việc dùng thuốc và ăn uống hằng ngày.
Để phòng bệnh, mọi người không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu. Nên ăn nhiều chất xơ và tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức thường xuyên. 
Bác sĩ Hữu Cường