Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Cách dùng Insulin trong điều trị đái tháo đường


Biết sử dụng Insulin một cách khoa học là yếu tố quan trọng trong điều trị bệnh đái tháo đường.



Insulin giúp cơ thể chuyển đường thành năng lượng và đưa đường không dùng đến vào gan và bắp thịt để dự trữ. Khi insulin thiếu, không có, không công hiệu, thì đường sẽ tràn ngập trong máu, một số sẽ được thải ra ngoài theo nước tiểu gây ra bệnh tiểu đường.
Insulin nguồn gốc động vật như từ tụy tạng của bò và heo.
Tại Hoa Kỳ, insulin từ bò/ heo không còn được dùng. Thay vào đó là insulin đựơc sản xuất từ vi khuẩn, nấm qua kỹ thuật biến chế DNA.

Cách dùng Insulin trong điều trị đái tháo đường

Các loại Insulin
Có khoảng hơn 20 loại insulin, tùy theo tác dụng nhanh hay chậm, kéo dài hay tức thì. Năm loại thường dùng là:
1-Tác dụng mau (rapid onset-fast acting): Dung dịch trong, có tác dụng 15 phút sau khi chích do đó phải ăn ngay sau khi dùng. Công hiệu kéo dài khoảng từ 3 đến 4 giờ. Thí dụ Humalog. insulin glulisine
2-Loại tác dụng ngắn hạn (Short acting): thuốc trong, có công hiệu độ nửa giờ sau khi chích, kéo dài từ 6 đến 8 giờ, cao nhất là giữa 2 và 4 giờ. Thường chích ½ giờ trước khi ăn. Thí dụ Actrapid, Humilin. 
3-Tác dụng trung bình (intermediate-acting) mầu đục, có tác dụng từ 1 dến 3 giờ sau khi chích và kéo dài tới 10-14 giờ. Thuốc thường được cho thêm kẽm (zinc) hoặc Protamine để kéo dài công dụng. Thí dụ Humilin NPH, Protaphane Humulin I, Insulatard. 
4-Tác dụng dài hạn (Long-acting). Sau khi chích, phải đợi tới 4- 6 giờ mới bắt đầu có tác dụng nhưng công hiệu kéo dài từ 20 tới 24 giờ. Công hiệu tối đa là lúc 6 tới 8 giờ sau khi chích. Thí dụ insulin zinc suspension, protamine zinc insulin
5-Hỗn hợp của insulin có tác dụng ngắn hạn hoặc tác dụng mau với insulin có tác dụng trung bình theo tỷ lệ 30/70 hoặc 50/50. Thí dụ NovoMix 30, Humulin M3. Khi dùng, nhớ lắc chai cho insulin hòa đều với mhau.
Cách dùng Insulin
Trước khi dùng, cần đo nhiều lần và ghi mức độ đường trong máu để bác sĩ biết mà ra toa số lượng cần thiết. Thường thì người bệnh cần chích ít nhất hai lần một ngày, có người cần đến ba bốn lần chích mới đủ để kiểm soát đường trong máu.
Một số phương án dùng insulin:
-Ngày chích 2 lần với insulin có tác dụng ngắn hạn hoặc trung bình; trước điểm tâm và bữa cơm tối. Insulin ngắn hạn giúp kiểm soát đường vào buổi sáng và chiều tối. Insulin trung bình cho buổi chiều và qua đêm.
-Ngày chích 3 lần với insulin ngắn hạn cho buổi sáng và trước cơm chiều, insulin trung bình cho ban đêm.
-Ngày chích nhiều lần với insulin ngắn hạn trước bữa ăn chính và insulin trung bình trước khi đi ngủ.
Hiện nay, có máy bơm insulin (infusion pump) được xử dụng rất phổ biến. Bơm liên tục đưa vào da một lượng insulin nhỏ đủ để duy trì đường huyết bình thường đồng thời có thể tự điều chỉnh để gia tăng insulin tùy theo nhu cầu, nhờ đó ta có thể ăn uống tự do hơn một chút.
Ngoài ra, insulin dạng hít (inhalation) cũng đang đựơc sử dụng và cũng khá công hiệu.
Dùng insulin nhiều quá thì đường huyết sẽ xuống quá thấp, người bệnh bị phản ứng insulin mà triệu chứng là: nhức đầu, tim đập nhanh, người run rẩy, mệt mỏi, mất định hướng, đổ mồ hôi, buồn nôn, đói bụng, đôi khi bất tỉnh, làm kinh, hôn mê.
Khi mới dùng insulin thì bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách thay đổi liều lượng. Sau một thời gian, đã quen với tình trạng bệnh của mình thì bệnh nhân có thể tự tăng giảm thuốc.
Thường thường thì gia tăng insulin ngằn hạn khi ăn nhiều hơn thường lệ và ít vận động; giảm insulin này khi ăn ít hơn và làm nhiều việc lao động chân tay.
Kỹ thuật chích Insulin
Bệnh nhân sẽ được chuyên viên y tế hướng đẫn về cách thức sử dụng và kỹ thuật chích. Tuy nhiên, bệnh nhân cần nhớ một số điều sau đây:
Insulin có nhiều loại khác nhau với công dụng khác nhau. Không nên tự động thay đổi mà không tham khảo ý kiến bác sĩ trước.
- Insulin giữ trong tủ lạnh sẽ dùng được lâu hơn đồng thời cũng tránh được nhiễm trùng. Khi đã dùng dở thì có thể để ngoài tủ lạnh được một tháng nhưng tránh chỗ nóng và có ánh nắng mặt trời. Không bao giờ cất insulin trong ngăn đá hoặc làm ấm trong microwave.
- Kiểm soát nhãn hiệu trên lọ insulin cho đúng loại. Vứt bỏ insulin short-acting nếu nom thấy đục hoặc đặc sệt. Các insulin khác bình thường nom đều như sữa, không lợn cợn đóng hột. 
Trước khi hút thuốc vào ống chích, lăn chai thuốc trong lòng bàn tay cho dung dịch hòa đều, ngoại trừ với insulin short-acting. Đừng lắc lọ thuốc quá mạnh vì bọt khiến cho lượng thuốc hút vào không chính xác.
- Trước khi lấy thuốc, kéo ống chích lên để không khí vào ống chích bằng với phân lượng insulin, cắm kim vào lọ, bơm không khí vào rồi hút thuốc.
- Mua ống chích tùy theo loại insulin và phân lượng chích. Nên dùng ống chích của một nhà sản xuất để số lượng insulin mỗi lần rút ra được đồng đều. Mặc dù không được khuyến khích, nhưng khi dùng lại kim ống chích cũ thì nên chùi kim cho sạch với rượu cồn hoặc đun trong nước sôi độ dăm phút. Cũng không nên dùng đi dùng lại nhiều lần quá.
- Nơi chích thuốc thường là trên bụng (hiệu lực mau nhất), mông, mặt trước của đùi (hiệu lực chậm nhất), mặt sau của tay (hiệu lực trung bình). Nói chung: insulin ngắn hạn ở bụng; insulin trung bình và dài hạn ở đùi; insulin hỗn hợp ở cả đùi lẫn bụng. Thay đổi chỗ chích để tránh tổn thương và sẹo dầy cho tế bào mỡ ở vùng đó, cản trở hấp thụ thuốc.
- Trước khi chích, lau sạch da bằng cồn. Với hai ngón tay, kep nổi lên một nếp da. Kim chích nghiêng 90 độ, chích vảo nếp da. Trước khi bơm thuốc, kéo nhích piston coi có máu không. Nếu không có máu thì bơm thuốc vào, còn khi có máu thì chích lại. 
Sau khi chích, thoa nhẹ trên da chỗ chích để thuốc mau phân tán. Tránh chích nơi da bị nhiễm độc hoặc bị dị ứng, nổi ban đỏ.
- Insulin có thể gây dị ứng với nhiều người bệnh hoặc nếu ai dị ứng với thịt bò, thịt heo thì không được dùng insulin từ súc vật này.
Vì là dược phẩm, cho nên insulin có tương tác với một số dược phẩm khác, vì thế cần cho bác sĩ rõ là mình đang dùng thuốc nào, để làm gì.
Theo BS. Nguyễn Ý Đức - Y dược Ngày nay

Nhân sâm không giúp hạ đường huyết


Theo một nghiên cứu mới, uống ​​nhân sâm không làm thay đổi lượng đường trong máu ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường.




Mặc dù có bằng chứng trước đây cho rằng, các loại thảo dược nhân sâm có thể giúp hạ lượng đường trong máu, tuy nhiên một nghiên cứu đã cho thấy là không có sự khác biệt về lượng đường trong máu của các đội tượng nghiên cứu. 

Nhân sâm không giúp hạ đường huyết

Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều bị thừa cân hoặc béo phì và đã được chẩn đoán đái tháo đường type 2 hoặc tiền đái tháo đường, được gọi là rối loạn dung nạp glucose.
Những đối tượng được chia làm 3 nhóm:
Nhóm 1: được cho uống 3gram chiết xuất nhâm sâm mỗi ngày trong 2 tuần và sau đó uống 8 gram chiết xuất nhân sâm mỗing ày trong 2 tuần tiếp theo.
Nhóm 2: uống viên thuốc 250mg có hoạt chất nhân sâm mỗi ngày trong 2 tuần, sau đó uống viên 500 mg trong 2 tuần nữa.
Nhóm 3: uống giả dược trong 4 tuần. 
Sau 4 tuần, nhóm nghiên cứu thấy rằng cả 3 nhóm đều không có sự thay đổi về lượng đường trong máu.
Hiện nay, thuốc chiếc xuất từ nhân sâm được bán rất nhiều ở Mỹ và cả ở Việt Nam. 
Theo BS Ngô Thế Phi - Daithaoduong.com

Phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường


Tỉ lệ tử vong vì biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) rất cao. Dưới đây là một số biện pháp giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.


Khoảng 80% bệnh nhân ĐTĐ tử vong vì biến chứng tim mạch, do bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ sẽ bị tăng xơ vữa động mạch và bệnh động mạch vành (ĐMV) mạn. Nguy cơ suy tim và hội chứng ĐMV cấp của bệnh nhân ĐTĐ cũng gia tăng. 

Bệnh nhân ĐTĐ được coi có nguy cơ tương đương bệnh nhân đã có tiền sử nhồi máu cơ tim (NMCT). Mảng xơ vữa ở ĐMV bệnh nhân ĐTĐ giàu lipid, có nguy cơ dễ vỡ hơn so với bệnh nhân không ĐTĐ. 

Các biến chứng tim mạch của ĐTĐ bao gồm:
Biến chứng vi mạch: bệnh võng mạc, bệnh thận, bệnh thần kinh (neuropathy).
Biến chứng mạch máu: bệnh động mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại vi, suy tim
Loạn nhịp tim: rung nhĩ và đột tử
Nếu muốn giảm tỷ lệ tử vong thì cần phải có biện pháp để làm giảm nguy cơ biến chứng tim mạch. Các biện pháp bao gồm: thay đổi lối sống và chăm sóc có hiểu biết, kiểm soát tốt ĐH, kiểm soát tốt huyết áp, đưa lipid máu đến mức cần thiết.
Thay đổi lối sống và chăm sóc có hiểu biết
 Biến chứng tim mạch
Thay đổi lối sống bao gồm: giảm cân, tăng vận động (tối thiểu 30 phút/ngày), thay đổi khẩu phần ăn, ngưng thuốc lá, không uống rượu hoặc uống vừa phải. Các biện pháp này cần được thực hiện thường xuyên. Chăm sóc có hiểu biết bao gồm khảo sát các bệnh phối hợp như tăng huyết áp (THA), rối loạn lipid máu và đo albumine niệu vi lượng.
Kiểm soát đường huyết
Kiểm soát tốt đường huyết (ĐH) giúp giảm biến chứng vi mạch và biến chứng mạch máu lớn. Tương quan giữa tăng đường máu với biến chứng mạch máu lớn không rõ ràng như tương quan đường máu với biến chứng vi mạch.
Trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2, nếu HbA1c giảm 1%, giúp giảm 14% NMCT và tử vong vì bất kỳ nguyên nhân.
Điều trị rối loạn lipid máu
Bệnh nhân ĐTĐ týp 2 thường do đề kháng insulin. Từ đề kháng insulin dẫn đến rối loạn lipid máu trên bệnh nhân ĐTĐ: tăng triglyceride, giảm HDL-C, tăng LDL nhỏ đậm đặc. Các yếu tố này làm gia tăng xơ vữa động mạch.
Điều trị rối loạn lipid máu trên bệnh nhân ĐTĐ bao gồm: Thay đổi lối sống: giảm cân, vận động, thay đổi khẩu phần ăn; kiểm soát chặt ĐH; điều trị bằng thuốc: statins, fibrates, nicotinic acide.
Điều trị bệnh tăng huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường
Mục tiêu điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ là đưa mức huyết áp xuống dưới 130/80 mmHg. Điều trị THA là 1 trong 4 điều trị thiết yếu để ngăn ngừa xơ vữa động mạch và biến cố ĐMV ở bệnh nhân ĐTĐ.
Theo Dự án quốc gia phòng chống bệnh Đái tháo đườngSức khỏe và Đời sống

Chớ coi thường “giai đoạn cửa sổ” của bệnh tiểu đường


Những bệnh của “thời đại văn minh” như tiểu đường cũng có giai đoạn tiềm tàng nguy cơ tiến triển bệnh lý như giai đoạn cửa sổ của AIDS.


Trên 45 tuổi - Nhóm nguy cơ cao

Thấy thị lực ngày càng giảm nhìn một thành hai, bác Thanh (53 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) vội đến BV Mắt Trung ương để khám. Khi làm các xét nghiệm trước ca phẫu thuật, bác ngỡ ngàng vì đường máu quá cao. Hóa ra bác bị tiểu đường đã lâu, và giảm thị lực chính là một biến chứng của căn bệnh này.

Nét mặt buồn rượi, bác Thanh cho biết cách đây 3 năm bác được chẩn đoán tiền đái tháo đường nhưng chủ quan bỏ qua vì thấy cơ thể  không có biểu hiện gì đáng lo ngại, từ thời điểm đó bác cũng không kiểm tra đường máu thêm lần nào nữa. Bác Thanh không biết chính xác mình bị tiểu đường từ bao giờ nhưng hiện tại biến chứng của căn bệnh này đã khiến thị lực của bác giảm sút, nếu không điều trị sớm tình hình sẽ tệ hơn và có thể dẫn tới mù lòa.
 

Ít người tái khám

Bác sĩ Ngô Thế Phi, Trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Thủ Đức, TPHCM cho biết: Hàng ngày khoa Nội tiết BV Thủ Đức tiếp nhận hàng trăm người bệnh đến khám, rất nhiều người bị rối loạn dung nạp glucose (tiền ĐTĐ). Nhưng rất ít người bệnh trong số đó tái khám để tiếp tục theo dõi. Nhiều người bệnh quay lại sau 1 năm, 2 năm và ngỡ ngàng vì đường huyết tăng quá cao, có người đã xuất hiện những biến chứng của căn bệnh này như mỡ máu cao, giảm thị lực, nhiễm trùng… Lúc này họ mới tiếc nuối vì trước kia không thực hiện tầm soát bệnh từ khi ở giai đoạn cửa sổ.

Bác sĩ Phi nhấn mạnh: Tất cả những người trên 45 tuổi đều nằm trong nhóm nguy cơ của Tiền đái tháo đường. Ngoài ra, người dưới 45 tuổi nhưng có bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, người béo phì, thai phụ sinh con lớn hơn 4kg đều nằm trong nhóm này. Nếu tính tổng tất cả 2 nhóm này thì con số gần 10 triệu người trong giai đoạn cửa sổ của tiểu đường không phải quá ngạc nhiên.

Thay đổi lối sống - Chìa khóa tầm soát giai đoạn cửa sổ

Chìa khóa tầm soát giai đoạn cửa sổ của ĐTĐ chính là việc thay đổi lối sống. Việc giảm cân nặng là yếu tố đầu tiên được đưa ra (giảm 5-7% cân nặng), tiếp đến là việc duy trì tập thể dục 30-60 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày/tuần.

Thay đổi lối sống để giảm đường huyết là yếu tố hàng đầu được ra, việc dùng thuốc hạ đường huyết trong giai đoạn này không được FDA khuyến khích (chỉ được sử dụng thuốc với những trường hợp đã thay đổi lối sống mà không hiệu quả, và dùng thuốc nào cần cân nhắc và theo dõi kĩ lưỡng). Chính vì vậy mà xu hướng sử dụng những thảo dược tự nhiên giúp hạ đường huyết an toàn cho nhóm đối tượng tiền ĐTĐ rất được quan tâm. Điển hình trong đó là dược liệu Dây thìa canh.
 
TS Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật ĐH Dược Hà Nội cho biết, khi mà thế giới chưa có thuốc trị ĐTĐ thì dân gian đã sử dụng Dây thìa canh để trị bệnh này. Cây thuốc này đã được sử dụng hàng nghìn năm ở Ấn Độ với tên gọi Gurma buuti (nghĩa là kẻ hủy diệt đường).
Ở Việt Nam cây thuốc này được phát hiện từ năm 2006, nằm trong đề tài nghiên cứu cấp Bộ của nhà nước. Kết quả nghiên cứu của trường ĐH Dược Hà Nội đã được ứng dụng để xây dựng vùng nguyên liệu Dây thìa canh theo tiêu chuẩn quốc tế tại các tỉnh Nam Định, Thái Nguyên, đảm bảo hàm lượng hoạt chất ổn định. Dược liệu này có thể sử dụng trong phòng và điều trị cho cả đối tượng TĐTĐ và người đã bị ĐTĐ, người bị mỡ máu cao.
Hiện nay Dây thìa canh đã được chiết xuất và sản xuất thành dạng viên nang tiện dụng trong sản phẩm Diabetna. Diabetna được Bộ Y Tế cấp phép và có bán tại các nhà thuốc Tây.
 

Theo BS Nguyễn Hưng Củng
(
Nguyên Vụ trưởng Vụ Y học Cổ truyền Trung ương)Dân trí

3 điểm mấu chốt phòng và trị đái tháo đường


Bằng cách tiết chế, gia tăng hoạt động thể lực và không hút thuốc, cân nhắc khi uống rượu có thể giúp cải thiện đường huyết và ngăn chặn biến chứng.


Điều trị người bệnh ĐTĐ ngày nay ngoài chỉ tiêu về glucose máu còn phải chú ý điều chỉnh lipid máu, quản lý số đo huyết áp, điều chỉnh các rối loạn đông máu, phát hiện sớm các biến chứng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Hãy tiết chế, gia tăng hoạt động thể lực và không hút thuốc, cân nhắc khi uống rượu vì điều này có thể giúp cải thiện đường huyết (ĐH) cũng như những yếu tố nguy cơ ở bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) như tăng huyết áp (THA) và rối loạn mỡ máu.
Chế độ ăn
Nhu cầu năng lượng của mỗi người là khác nhau phụ thuộc vào cân nặng, mức độ lao động do đó chế độ ăn của mỗi bệnh nhân ĐTĐ cũng khác nhau. Điều quan trọng là cần ăn uống đầy đủ thành phần trong mỗi bữa ăn, nên phân bố các thành phần theo tỉ lệ: carbohydrates 50-60%, chất béo < 30%, protein 10-20%, chất xơ trong chế độ ăn: tối thiểu 20g/1.000Kcalo.
Cần bổ sung vitamin và khoáng chất, có thể không cần bổ sung nếu chế độ ăn cân đối.
Hạn chế bia rượu, tuy nhiên nếu dùng cần tính vào năng lượng tổng cộng (chỉ được dưới 10%).
Phân bố bữa ăn
Có thể dùng chế độ 3 bữa chia đều sáng - trưa - chiều. Ở bệnh nhân ĐTĐ týp 2 không cần ăn nhiều bữa, tuy nhiên bệnh nhân ĐTĐ đang tiêm insulin có thể chia làm 5 bữa (3 bữa chính và 2 bữa phụ). Việc phân bổ thức ăn dù nhiều hay ít vẫn nằm trong tổng số năng lượng đã tính toán.
Trong chế độ ăn cần hạn chế đường hấp thu chậm (các loại thực phẩm có chứa tinh bột, ngũ cốc, củ, hạt như: cơm gạo, bún, bánh mì, khoai... Những thực phẩm này cần ăn với lượng vừa phải và có thể thay thế cho nhau.
Tránh đường hấp thu nhanh: nước ngọt, sữa đặc có đường, chè ngọt, bánh mứt kẹo các loại…
Cần ăn nhiều rau vì rau chứa nhiều chất xơ giúp chậm hấp thu đường và mỡ, thịt cần tiết chế nếu mắc bệnh thận hay suy thận.
Bệnh nhân ĐTĐ cần thường xuyên gặp gỡ các chuyên gia dinh dưỡng để được điều chỉnh chế độ ăn hợp lý và kịp thời.
 Tập thể dục giúp phòng chống bệnh đái tháo đường
Họat động thể lực
Nên tập thể dục mỗi ngày 30 phút 5 ngày mỗi tuần. Trước khi tập cần kiểm tra tim mạch, mạch vành, thận huyết áp, võng mạc, bàn chân (kiểm tra xem có bị giảm hay mất mạch không, có triệu chứng đau cách hồi, biến dạng bàn chân không).
Cần uống nước đầy đủ, đi giày dép phù hợp để chân không bị chấn thương và khô, đeo thẻ bệnh nhân ĐTĐ, cần lưu ý bạn cùng tập dấu hiệu nhận biết tình huống hạ ĐH để xử trí kịp thời.
Phải đo ĐH trước khi tập, nếu đường huyết 14mmol/l (252mg/ dl), có nhiễm ceton thì không nên tập. Khi đường huyết < 6 mmol/l (108mg/dl), có thể ăn thêm 15g carbohydrate.
Luôn có sẵn nguồn đường để xử trí hạ ĐH như nước ngọt, kẹo.
 
Nếu luyện tập tích cực cần giảm liều insulin trước khi tập hay bổ sung nguồn carbohydrate. Bài tập được lên kế hoạch và qui định thời gian.
Đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 2 béo phì hay quá cân có thể cân nhắc dùng thuốc giảm cân như là thuốc phụ trị.
Trong và sau khi tập cần ngăn ngừa nguy cơ hạ ĐH như:
- Bổ sung nguồn carbohydrate hay giảm liều insulin.
- Cân nhắc bữa phụ trước giờ đi ngủ.
- Nếu có tăng ĐH sau luyện tập cho thấy thiếu insulin lúc luyện tập, do đó cần theo dõi ĐH chặt chẽ để chỉnh liều insulin.
Cần xem xét những bệnh đi kèm hay biến chứng của bệnh ĐTĐ. Nếu có bệnh thần kinh ngoại biên thì nên thực hiện những bài tập ít gây chấn thương như bơi lội, đạp xe, chèo thuyền, các bài tập dùng ghế và cánh tay; không nên tập các bài tập nặng, dạo bộ kéo dài, chạy bộ.
Nếu có bệnh thận nên thực hiện các các hình thức tập luyện cường độ thấp đến vừa phải như đi bộ; không nên thực hiện các hình thức tập luyện cường độ cao như chạy bộ.
Nếu có bệnh võng mạc đái tháo đường nên luyện tập những động tác ít ảnh hưởng đến võng mạc như: bơi lội, dạo bộ, đạp xe tại chỗ; không nên thực hiện các hoạt động gắng sức như: chạy nhanh, cử tạ, chèo thuyền, quần vợt.
Tránh lối sống tĩnh tại
Không nên ngồi bất động xem tivi quá 2 giờ mỗi ngày.
Tăng cường các hoạt động đơn giản hằng ngày như đi bộ, làm việc nội trợ, làm vườn.
Bệnh nhân không nên hút thuốc lá vì nicotin trong thuốc lá thúc đẩy biến chứng mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.
Cân nhắc khi uống rượu
Bệnh nhân ĐH không ổn định hay có những vấn đề y khoa khác như viêm tụy, rối loạn lipid máu, viêm thần kinh không nên uống rượu.

Dự án phòng chống bệnh Đái tháo đường Bệnh viện Nội tiết TW

Những điều nên và không nên làm khi bị tiểu đường


Tiểu đường là một bệnh nội tiết đang có xu huớng gia tăng, gây ra rất nhiều biến chứng. Vì vậy, cần lưu ý những vấn đề sau.


Nên
- Ăn uống hợp lý, đảm bảo nhu cầu năng lượng bao gồm:
        + Chất bột đường: 55% - 60% (có trong cơm, phở, hủ tíu, nui, bánh mì, khoai, bắp, sữa, trái cây…). Chất bột đường làm tăng đường huyết nhưng bắt buộc phải có trong mỗi bữa ăn vì là thành phần chính của một chế độ ăn khoẻ mạnh.
        + Chất đạm: 15 - 20 % (có trong thịt, cá, trứng, đậu hủ, bơ, sữa …).
        + Chất béo: 15 - 30% (có trong dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu đậu phụng… là chất béo tốt; chất béo có trong thịt gia cầm, mỡ, bơ… là chất béo xấu).
        + Chất xơ: 30 - 40g/ngày (có trong rau cải, trái cây...), chất xơ giúp ngăn đường huyết tăng sau ăn và giữ cho nồng độ cholesterol/máu ở mức có lợi cho sức khoẻ.
- Ăn uống đúng giờ, tạo lập một thói quen cho cơ thể để giúp giữ ổn định đường huyết.
Nên chia nhỏ các bữa ăn, tránh ăn quá no vì sẽ làm tăng đường huyết sau ăn, tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
- Luyện tập thể lực ít nhất > 30 phút/ngày hoặc > 150 phút/tuần.
- Khi ăn nên nhai thức ăn thật kỹ để thức ăn không lưu trữ trong dạ dày quá lâu, tránh biến chứng trào ngược thực quản về sau.
- Uống/chích thuốc đều đặn mỗi ngày theo toa bác sĩ, tái khám định kỳ đúng hẹn.
- Ngưng hút thuốc lá vì người hút thuốc lá có nguy cơ đột quỵ gấp 2 - 4  lần so với người không hút thuốc lá.
- Người bệnh tiểu đường rất dễ hư răng nên chăm sóc răng mỗi ngày, nên đi khám nha sĩ ít nhất 6 - 12 tháng/lần để chữa trị kịp thời các bệnh lý ở răng miệng.
Không nên
- Bỏ trị, chuyển sang uống thuốc nam, thuốc bắc.
- Tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc, hay bỏ trị nhiều ngày vì sẽ làm tăng đường huyết, tăng HA… làm tăng các biến chứng của đái tháo đường.
- Ngâm chân trong nước nóng vì dễ gây bỏng chân.
- Đi chân trần trên bãi biển, trên hè phố và kể cả trong nhà.
- Bỏ bữa ăn khi đang dùng thuốc hạ đường huyết vì sẽ có nguy cơ hạ đường huyết.
Mục tiêu điều trị cần đạt được
- HbA1c < 7,5%
- HA < 130/80 mmHg
- ĐH đói: < 120 mg/dl
- Đường huyết sau ăn < 140 - 180 mg/dl
- Đường huyết lúc đi ngủ < 140 mg/dl
- Vòng eo < 80cm ở nữ, < 90cm ở nam.
- Cholesterol <5,17mmol/L (200mg/dL)
- Triglycerid <1,7mmol/L (150mg/dL)
- HDL > 0,9mmol/L(35mg/dL) đối với nam, và > 1,16mmol/L(45mg/dL) đối với nữ; LDL < 2,59mmol/L (130mg/dL).

Theo BS CKII Nguyễn Thị Thu Thảo - Medinet

Để không mắc bệnh tiểu đường


Một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp bạn phòng tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm. Dưới đây là những nguyên tắc giúp bạn tránh xa bệnh tiểu đường.


1. Không nhịn ăn nhưng phải giảm lượng calo toàn diện

Nên ăn theo nhịp: nhiều nhất là vào bữa sáng, vừa phải vào bữa trưa và ít nhất vào bữa tối.

Sau 3 bữa có thể uống thêm các đồ uống có chất đạm cao kèm với trái cây.

 

2. Không dùng nhiều đường

 

Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao thì tuyệt đối không dùng đường mà nên dùng đường thay thế aspartame.

 

Thay vì ăn các chất bột nên thay thế bằng cá loại bún, bánh phở, miến dong, khoai, ngô... (có nhiều chất xơ).

 

3. Nên ăn nhiều rau củ thay thế cho các chất bột gạo

 

Lượng rau củ tối thiểu nên ăn: khoảng 400-500g/ngày.

 

4. Hoa quả nên chọn loại nhiều nước, có độ ngọt vừa phải

 

Hạn chế hoặc không nên dùng những loại quả ngọt như na, nhãn, mía, chuối, mít...

 

5. Thức ăn giàu đạm cần ăn đủ lượng cần thiết cho cơ thể, không giảm tùy tiện

 

Chỉ ăn thịt nạc, các loại thủy hải sản, các loại hạt đậu, đậu phụ.

 

Nếu ăn gia cầm thì không nên ăn da.

 

Uống sữa tách chất béo.

 

Hạn chế các loại phủ tạng như tim, gan, bầu dục..

 

6. Hạn chế nước chấm mặn, bột ngọt

 

Thay nước mắm bằng nước tương.

 

Lượng bột ngọt: dưới 2g/ngày.

 

7. Uống đủ nước

 

Mỗi ngày cần cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể: 2,5l trở lên.

 

8. Tăng cường vận động

 

Ngoài ra nên tăng cường các hoạt động chân tay, thở dưỡng sinh (vận dụng cơ hoành) càng nhiều càng tốt.

 

Theo Mai Liên - Dân trí/iVillage

Dấu hiệu cảnh báo 4 bệnh hiểm nghèo: Ung thư, tiểu đường, tim, đột quỵ


Có những triệu chứng tưởng rất mơ hồ nhưng nếu bạn không chủ quan, sớm nhận biết và chẩn đoán đúng, nhiều khả năng giúp bạn “thoát” được các bệnh hiểm nghèo.




Phát hiện bệnh sớm và được chữa trị đúng cách sẽ giúp bạn thoát khỏi những căn bệnh nguy hiểm - Ảnh minh họa
Phương pháp phát hiện bệnh sớm:
- Tầm soát sức khỏe đều đặn
- Biết những dấu hiệu cảnh báo của các căn bệnh hiểm nghèo và báo bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào.
Tại sao phải điều trị sớm?
- Cơ hội chữa khỏi cao hơn.
- Giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
- Giảm chi phí y tế.
1. Những lời khuyên phòng bệnh:
- Duy trì trọng lượng của một thân thể khỏe mạnh.
- Tập thể dục đều đặn.
- Ăn uống lành mạnh:
- Mỗi ngày ăn 5 đơn vị trái cây và rau hay nhiều hơn. Ăn bánh mì loại nguyên hạt, ngũ cốc và cám. Ăn các loại đậu, các sản phẩm đậu nành như đậu hũ
- Mỗi ngày ăn ít nhất 25-30 gram chất sợi.
- Ăn ít chất béo. Nghiêm ngặt hạn chế các loại chất béo và dầu mỡ chuyển hóa.
- Mỗi ngày ăn tối đa 300mg cholesterol.
- Ăn hạn chế các loại muối hóa học, dưa muối, các loại thực phẩm khô hay xông khói.
- Hạn chế uống rượu
- Không hút thuốc và các sản phẩm thuốc lá. Tránh ở gần người hút thuốc.
- Hạn chế tiếp xúc các nguyên nhân gây ung thư như asbestos, thuốc trừ sâu...
- Chụp X-quang khi cần thiết.
- Hạn chế tiếp xúc với (ánh sáng) mặt trời, đèn (năng lượng) mặt trời. Khi ra ngoài trời nắng nên tìm cách bảo vệ làn da của mình.
- Kiểm soát stress.
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
- Hãy hỏi bác sĩ của bạn về các loại thuốc giúp ngăn ngừa những bệnh hiểm nghèo như:
- Thuốc aspirin liều thấp (như aspirin 81mg) giúp ngăn ngừa tai biến mạch máu não và đột quỵ.
- Thuốc giảm nguy cơ loãng xương.
- Hãy hỏi bác sĩ về các loại thuốc vitamin, khoáng chất và các loại thuốc bổ khác.
- Tầm soát sức khỏe đều đặn.
2. Những dấu hiệu cảnh báo ung thư:
Khi ung thư vừa phát sẽ không thấy đau đớn hay có dấu hiệu nào nên các xét nghiệm tầm soát là rất quan trọng. Khi ung thư phát triển theo các loại khác nhau, các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện.Tuy nhiên, những dấu hiệu này có thể xuất phát từ nguyên nhân khác. Nên đi gặp bác sĩ. Trong nhiều trường hợp phát hiện và điều trị ung thư càng sớm càng có nhiều cơ may chữa dứt bệnh.
Ung thư bàng quang:
- Tiểu ra máu. Nước tiểu có màu đỏ sậm hay mờ nhạt, lợn cợn.
- Đau buốt khi tiểu.
- Đi tiểu nhiều lần hay tiểu gấp
Ung thư vú:
- Cảm thấy có một cục u dày lên trong ngực, vùng xung quanh, dọc theo vùng xương cổ và dưới bầu vú hay vùng nách.
- Thay đổi kích cỡ hay hình dáng bầu vú.
- Chảy nước (không phải sữa) hay máu từ núm vú.
- Thay đổi màu sắc hay cảm giác ở da vú. Núm vú, hay quầng vú (vùng thâm xung quanh núm vú). Da vú bị co rút, nhăn hay có vảy.
Ung thư đại tràng, trực tràng:
- Thay đổi thói quen đi cầu
- Táo bón. Đi cầu nhiều lần và hay phân lỏng bất thường.
- Cảm thấy ruột luôn đầy.
- Máu nằm trong hay ngoài phân. Có thể màu đỏ sậm hay đỏ tươi.
- Phân ra hẹp hơn bình thường.
- Bao tử phình to, đầy hay co rút.
- Thường sình hơi.
- Sụt cân không lý do.
- Mệt mỏi thường xuyên.
Ung thư thận:
- Tiểu ra máu
- Một khối ở vùng hông
- Đau mơ hồ vùng lưng hay vùng hông
- Ho không rõ nguyên nhân trên ba tuần
Ung thư phổi:
- Ho kéo dài, có thể là ho vì hút thuốc trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tức ngực. Có người bị đau lưng.
- Khàn tiếng.
- Thở đứt quãng hay khò khè.
- Viêm phổi hay viêm cuống phổi nhiều lần.
- Ho ra máu.
- Mệt mỏi, ăn không ngon, sụt cân.
- Cảm thấy vai, cánh tay, bàn tay yếu đi.
Ung thư buồng trứng:
Thường không có triệu chứng sớm. Khi có triệu chứng, các dấu hiệu bao gồm:
- Sưng nề hay khó chịu vùng bụng dưới
- Cảm thấy đầy bụng sau bữa ăn nhẹ. Sụt cân và chán ăn
- Đầy bụng, khó tiêu, buồn ói
- Tiêu chảy, bón hay tiểu nhiều lần
- Chảy máu từ âm đạo
Thường thì ung thư đã phát tán ở thời điểm phát hiện
Ung thư tuyến tiền liệt:
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Nếu có các dấu hiệu này là:
- Đi tiểu nhiều lần, nhất là về đêm
- Khó tiểu, nhất là lúc bắt đầu, khó giữ lại nước tiểu hay không tiểu được
- Dòng nước tiểu yếu hay bị gián đoạn
- Đau hay cảm giác rát bỏng khi đi tiểu
- Đau khi phóng tinh
- Máu trong nước tiểu hay tinh dịch
- Đau kéo dài hay cứng vùng phía dưới lưng, hông hay bắp đùi
Ung thư da:
Có 3 loại ung thư da:
1. Tế bào đáy. Hơn 90% ung thư da ở Mỹ thuộc loại này. Phát triển chậm
2. Tế bào vẩy. Loại ung thư này phát tán nhiều hơn ung thư da loại tế bào đáy.
Cả hai loại ung thư da này thường gặp ở các vùng da tiếp xúc với ánh sáng như đầu, mặt, cổ, bàn tay và cánh tay. Tuy nhiên, vẫn có thể ở bất kỳ vị trí nào.
3. Melanoma. Melanoma là dạng nặng nhất của ung thư da. Thường phát tán đến những vùng khác của cơ thể. Có thể gây chết người nếu không điều trị
Những dấu hiệu cảnh báo của Melanoma
• Thay đổi tính chất của một nốt ruồi có sẵn hay xuất hiện nốt ruồi mới hay nốt ruồi nhìn rất xấu xí.
• Dấu hiệu nhận diện là A-B-C-D-E
A. Asymmetry: Không đối xứng, nửa bên này không giống nửa bên kia
B. Border: Bờ gồ ghề, có rãnh
C. Color: Màu sắc thay đổi
D. Diameter: Kích thước thay đổi
E. Evolving lesion (vết thương phát triển): Thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc hay chảy máu bề mặt

Khám mỗi tháng, sau khi tắm xong. Để tự khám da bạn cần có:
- Phòng đủ ánh sáng
- Gương toàn thân
- Gương cầm tay
- Nhớ những dấu hiệu, nốt ruồi hay bớt từ lúc mới sinh. Kiểm tra xem có thay đổi kích thước, màu sắc nốt ruồi hay không. Lưu ý những vết loét không chịu lành
- Kiểm tra toàn thân
1) Nhìn phía trước, phía sau người. Giơ tay lên và kiểm tra bên trái, bên phải
2) Gập tay lại và nhìn kỹ lòng bàn tay. Kiểm tra cả hai mặt của cánh tay 
3) Nhìn phía trước và phía sau chân. Nhìn giữa hai mông và vùng cơ quan sinh dục
4) Ngồi xuống và nhìn kỹ chân.Nhìn bàn chân và giữa các ngón chân
5) Nhìn vào mặt, cổ và da đầu. Dùng lược rẻ tóc để quan sát da đầu
Đi gặp BS ngay nếu phát hiện bất thường
Ung thư tinh hoàn:
- Một khối ở tinh hoàn
- Cảm giác nặng ở bìu
- Đau âm ỉ vùng bụng dưới hay ở hang
- Đột ngột có nước ở bìu
- Đau hay khó chịu một bên tinh hoàn hay bìu
- Vú to lên hay nặng
Đàn ông từ 15 tuổi trở lên nên tự khám tinh hoàn đều đặn để phát hiện khối u hay thay đổi kích thước, hình dạng tinh hoàn
Ung thư họng:
- Khàn tiếng hay thay đổi giọng nói
- Khối ở vùng cổ hay cảm giác có một cục trong họng
- Ho kéo dài
- Khó nuốt. Cảm giác nặng hay rát bỏng khi nuốt
- Thường xuyên bị khó tiêu và nóng ngực. Hay bị ói hay nghẹn.
- Đau trong ngực hay trong họng
3. Những dấu hiệu cảnh báo tiểu đường:
1/3 người bị tiểu đường không biết mình mắc bệnh. Nên đi gặp BS ngay nếu bạn có ít nhất một trong các dấu hiệu sau :
- Tiểu nhiều lần
- Khát quá mức
- Đói quá mức
- Sụt cân bất thường
- Mỏi mệt
- Bứt rứt
- Mờ mắt
Ở tiểu đường type 1, các triệu chứng diễn ra nhanh chóng hơn. Với loại này, cơ thể không tạo được Insulin hay số lượng rất ít
Ở tiểu đường type 2, các triệu chứng diễn ra chậm hơn. Cơ thể không tạo ra đủ Insulin hay tạo ra không đúng cách. Loại này thường gặp ở người trên 40 tuổi, béo phì và không tập thể dục.
Tiền tiểu đường xảy ra trước khi bị tiểu đường type 2. Chẩn đoán và điều trị loại này giúp bạn không bị tiểu đường type 2.
Tiểu đường có thể diễn ra âm thầm không triệu chứng. Phát hiện và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng
4. Những dấu hiệu cảnh báo đau tim:
- Khó chịu ở ngực. Thường diễn ra trên vài phút hay biến mất rồi bị lại, cảm giác giống như đè ép, nặng ngực hay đau.
- Khó chịu ở nửa trên thân người. Có thể đau hay khó chịu ở một hay hai tay hay ở lưng, cổ, hàm hay vùng bao tử
- Thở gấp.Thường đi kèm với khó chịu ở ngực nhưng cũng có thể xảy ra trước đó
- Các triệu chứng khác. Bao gồm vã mồ hôi lạnh, buồn ói hay đầu óc quay cuồng
Triệu chứng thường gặp nhất ở cả nam lẫn nữ là đau hay khó chịu ở ngực... Nhưng phụ nữ thường có thêm các dấu hiệu khác như thở gấp, buồn ói,ói và đau lưng hay đau hàm
Nếu có dấu hiệu cảnh báo đau tim, nên đi cấp cứu ngay
5. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:
- Đột ngột bị tê hay yếu ở mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một bên người
- Đột nhiên bị lẫn lộn, khó nói chuyện hay nói bậy bạ vô nghĩa
- Đột ngột khó nhìn ở một hay hai mắt
- Đột ngột khó đi, chóng mặt, mất thăng bằng hay không phối hợp được
- Đột ngột nhức đầu dữ dội không rõ nguyên nhân
Nếu có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nên đi cấp cứu ngay
Xét nghiệm
18-40 tuổi
40-50 tuổi
Trên 50 tuổi
Khám răng
Mỗi 6-12 tháng
Khám sức khỏe
Mỗi 5 năm
Mỗi 2-4 năm (mỗi 1-2 năm nếu trên 65 tuổi)
Đo huyết áp
Mỗi lần đi khám bệnh. Ít nhất mỗi 2 năm
Khám thị lực
Mỗi 5 năm
Mỗi 2-4 năm (mỗi 1-2 năm nếu trên 65 tuổi)
Đo cholesterol
XN máu
Bắt đầu từ 35 tuổi (nam);45 tuổi (nữ) mỗi 5 năm hay theo yêu cầu
XN Pap
P
H
N
Mỗi 1-3 năm cho đến 65 tuổi
Nhũ ảnh

Mỗi 1-2 năm
Tự khám vú
Mỗi tháng hay theo yêu cầu
Khám lâm sàng tuyến vú(Nhân viên y tế khám)
Mỗi 3 năm
Mỗi năm
Tầm soát loãng xương
Bắt đầu từ 65 tuổi  (60 nếu nhiều nguy cơ gãy xương)
Tự khám tinh hoàn
N
A
M
Mỗi tháng hay theo yêu cầu
Tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

Hỏi BS
Tầm soát ung thư đại trực tràng

Hỏi BS
Đây là hướng dẫn chung. Nếu bạn có nhiều nguy cơ bệnh tật, các xét nghiệm nên làm sớm hơn. Các xét nghiệm phụ trợ như tầm soát tiểu đường hay tăng nhãn áp cũng có thể cần thiết. Nên theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Mặc dù hiếm, đàn ông vẫn có thể bị ung thư vú và nếu thấy một cục trong vú nên đi gặp bác sĩ.

AloBacsi.vnBS CK2 Huỳnh Hồng Hạnh (Theo Major illness warning signs)
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ