Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Mắc bệnh tiểu đường lâu, tăng nguy cơ đột quỵ

Theo nghiên cứu được đăng trực tuyến trên tạp chí Stroke của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, bệnh nhân tiểu đường có thời gian mắc bệnh càng lâu thì càng tăng nguy cơ đột quỵ.

Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Y tế, Đại học Columbia đã theo dõi 3298 người (tuổi trung bình là 69) chưa từng bị đột quỵ. Gần 22% số đối tượng này bị tiểu đường týp 2 khi bắt đầu nghiên cứu. Sau thời gian theo dõi trung bình khoảng 9 năm, có tới 10% số đối tượng bị bệnh tiểu đường.
Sau khi tính đến các yếu tố khác như độ tuổi, tiền sử hút thuốc lá, hoạt động thể chất, tiền sử mắc bệnh tim, huyết áp và cholesterol, các nhà nghiên cứu kết luận rằng: So với những người không mắc bệnh tiểu đường, thì nguy cơ bị đột quỵ tăng khoảng 70% ở người mắc bệnh tiểu đường dưới 5 năm; 80% người bị tiểu đường từ 5-10 năm và cao hơn gấp 3 lần với người bị tiểu đường ≥ 10 năm.
Nhà nghiên cứu chính, ông Mitchell Elkind - phó Giám đốc Trung tâm y tế Đại học Columbia cho biết: “Phát hiện này nhấn mạnh tính mạn tính của tiểu đường và thực tế là bệnh phá hủy mạch máu theo thời gian”.
Các nhà khoa học cho biết: Có một số lý do giải thích cho hiện tượng tăng nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường, có thể là do mối liên quan giữa thời gian mắc bệnh tiểu đường lâu hơn và mảng bám dày hơn ở động mạch cổ và tình trạng cao huyết áp phổ biến hơn, gia tăng các biến chứng mạch máu và những bất thường về đông máu ở bệnh nhân tiểu đường.
(Theo Tiền phong)

10 dấu hiệu bạn bị tiểu đường tuýp 2


Mỗi năm, có hàng trăm triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này, nhưng chỉ một số ít người trong họ biết mình có bệnh.

Ảnh: Health.com

Tiểu đường thường được gọi là "tên sát nhân thầm lặng" chính bởi các triệu chứng dễ bỏ qua của nó.

Cách tốt nhất để biết mình có mắc bệnh không là xét nghiệm máu. Nhưng nếu bạn thấy mình có các triệu chứng dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ, theo lời khuyên của bác sĩ Maria Collazo-Clavell, từ Bệnh viện Mayo (Mỹ), trên Health:

1 - Tiểu nhiều, khát nhiều

Nếu bạn muốn đi tiểu thường xuyên - đặc biệt nếu bạn thường phải thức dậy giữa đêm để vào toilet, đó có thể là dấu hiệu của tiểu đường.

Những quả thận phải hoạt động mạnh để loại bỏ lượng đường dư thừa trong máu, vì thế nó sẽ thúc bạn thức dậy - có khi là vài lần - trong đêm. Còn khát nhiều nghĩa là cơ thể bạn đang cố gắng để bù lại lượng dịch đã mất đi.
Hai triệu chứng này luôn đi kèm với nhau, và "là cách mà cơ thể bạn cố gắng để kiểm soát tình trạng đường trong máu tăng cao".

2- Giảm cân

Việc có quá nhiều đường trong máu cũng đẩy nhanh quá trình giảm cân - có thể từ 5 đến 10 cân trong vòng 2-3 tháng - nhưng đây không phải là tín hiệu vui.

Bởi vì hoóc môn insulin không đưa được đường glucose vào trong tế bào - nơi nó sẽ được sử dụng làm năng lượng, vì thế cơ thể nghĩ rằng nó đang "đói" và bắt đầu phá hủy các protein của những bó cơ để làm nguyên liệu thay thế.
Hai quả thận của bạn khi đó cũng phải làm việc cật lực để loại bỏ lượng đường dư, và điều này lại cần đến rất nhiều năng lượng. "Những quá trình này đều tiêu hao nhiều năng lượng, vì thế bạn bị thiếu hụt calo".

3 - Đói

Những cơn đói dữ dội là một dấu hiệu khác của tiểu đường, có thể bắt nguồn từ việc đường máu quá cao hoặc quá thấp. Khi đường máu tụt dốc, cơ thể nghĩ rằng nó không được ăn, và nài xin thêm glucose để cần cho hoạt động tế bào.

4- Bệnh về da

Da ngứa - có lẽ là kết quả của việc da bị khô hoặc tuần hoàn kém - thường là dấu hiệu của tiểu đường, cùng với các bệnh về da khác như thâm da (quanh cổ hoặc hõm nách).
Những người có các dấu hiệu này chắc chắn đã có hiện tượng kháng insulin, dù cho đường máu của họ có thể chưa cao. Vì thế, khi thấy dấu hiệu này, bạn nên đi kiểm tra đường máu.

5 - Lâu lành vết thương

Nhiễm trùng, vết xước và các chỗ thâm tím không lành nhanh là một dấu hiệu điển hình khác của bệnh tiểu đường.
Điều này xảy ra do các mạch máu bị hư hại bởi có quá nhiều glucose di chuyển trong các tĩnh mạch, động mạch. Nó khiến cho máu khó lưu thông đến các vùng khác nhau của cơ thể - một điều cần thiết để vá lành vết thương.

6 - Nhiễm nấm

Tiểu đường khiến cho cơ thể rất nhạy cảm với các viêm nhiễm, phổ biến là nấm candida và các loại nấm khác. Nấm và vi khuẩn đều sinh sôi mạnh trong môi trường giàu đường.
Đặc biệt, phụ nữ cần cảnh giác khi nhiễm nấm candida âm đạo thường xuyên, bởi đó có thể là dấu hiệu bạn bị tiểu đường.

7 - Mệt mỏi và cáu gắt

Tiểu đường khiến bạn mệt mỏi do phải dậy đêm thường xuyên, và do cơ thể bạn phải vật lộn để bù lại lượng đường thiếu hụt. Khi đó bạn sẽ trở nên dễ nổi cáu.

8 - Nhìn mờ

Nhìn nhòe, thấy chớp sáng hoặc thấy vật bay qua là hậu quả trực tiếp của lượng đường trong máu tăng cao.
Đó là vì khi glucose máu cao, nó làm thay đổi hình thái của thủy tinh thể và mắt. Tin vui là triệu chứng này sẽ đảo ngược khi đường máu trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu để tình trạng đường máu cao không kiểm tra trong thời gian dài, glucose sẽ làm thay đổi tròng mắt vĩnh viễn, có thể gây mù, và không thể phục hồi.

9 - Ngứa ran hoặc tê bì

Hiện tượng ngứa ran và tê bì ở bàn tay, bàn chân, cùng với cơn đau nóng bỏng hoặc sưng, là các dấu hiệu cho thấy các dây thần kinh đang bị bệnh tiểu đường phá hoại.
"Nếu các triệu chứng đó mới xuất hiện, có thể sẽ đảo ngược được". Đó là lý do vì sao chúng ta phải cố gắng kiểm soát đường máu càng sớm càng tốt.

10- Xét nghiệm máu

Muốn kiểm tra tiểu đường, bạn cần làm vài xét nghiệm, trong đó có xét nghiệm đường máu vào buổi sáng khi chưa ăn gì. Nếu đường máu vượt quá 126 mg/dL trong hai lần, nghĩa là bạn đã bị tiểu đường. Nếu từ 100 đến 125 mg/dL, bạn bị coi là tiền tiểu đường. Nhỏ hơn 99mg/dL là bình thường.

(Theo Thuận An - VnExpress)

Tiểu đường và cách nhận biết

Có một số triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường, qua đó giúp mọi người sớm phát hiện bệnh để có cách điều trị hiệu quả.

Tiến sĩ Sanjiv Bhambani, một chuyên gia về bệnh tiểu đường, nội tiết thuộc Moolchand Medcity (Ấn Độ) cho biết có thể nhận ra bệnh tiểu đường thông qua 10 triệu chứng sau: 
Luôn thấy khát nước và đi tiểu nhiều: Đây là một trong những triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường. Do thận tiết nước nhiều nên cơ thể bị mất nước và bắt đầu cần nhiều nước để hoạt động thích hợp.
Đói nhiều: Vì hàm lượng insulin trong máu thiếu cân đối, tế bào trong cơ thể không nhận đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động hằng ngày. Vì thế, cơ thể có thể phản ứng bằng cách cố tìm thêm năng lượng, dẫn đến các cơn đói bất thường.
Giảm cân bất thường: Trọng lượng cơ thể thay đổi bất thường mà không có bất cứ nỗ lực nào như tập thể dục hoặc ăn kiêng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Do cơ thể không thể hấp thu glucose và đi tiểu thường xuyên, bệnh nhân (thường là tiểu đường dạng 1) sụt cân nhanh.
Mệt mỏi: Ở bệnh nhân tiểu đường, glucose không thể thâm nhập vào các tế bào của cơ thể và do năng lượng cho cơ thể giảm đi, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, khó chịu.
Nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng nghi tiểu đường, cần được chẩn đoán và điều trị sớm
 Ảnh: Shutterstock 
 
Vết thương chậm lành: Đối với bệnh nhân tiểu đường, ngay cả một vết trầy xước hoặc vết thương nhỏ phải mất một thời gian dài để lành do hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm. Ở phụ nữ, viêm bàng quang và viêm âm đạo đặc biệt phổ biến.
Mắt mờ : Hàm lượng glucose cao gây hại mạch máu và gây khô mắt, đồng thời ảnh hưởng thị lực và nếu các triệu chứng này không sớm được điều trị, chúng có thể gây mù.
Da khô: Khô hay ngứa có thể do bệnh lý thần kinh ngoại vi ảnh hưởng đến lưu thông và hoạt động của chức năng tuyến mồ hôi.
Tay, chân bị tê hoặc đau nhức: Lượng đường dư thừa trong máu gây hại các mạch máu và dây thần kinh. Điều này dẫn đến mất cảm giác ở bàn tay và bàn chân, cũng như cảm giác đau nhức trong cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân do mất sợi thần kinh vận động.
Da viêm hoặc nhiễm nấm: Hàm lượng glucose cao khiến tình trạng viêm nhiễm chậm hồi phục. Đặc biệt, phụ nữ mắc bệnh tiểu đường khó phục hồi từ viêm nhiễm bàng quang và âm đạo.
Đau nhức đầu: Bệnh nhân tiểu đường thường có những cơn nhức đầu bên cạnh đau nhức chân tay. “Tiểu đường là một dạng bệnh nghiêm trọng giết chết nhiều người hơn so với các bệnh khác gây chết người như AIDS và ung thư. Nếu các triệu chứng nêu trên được xác định sớm thì việc điều trị có thể được bắt đầu sớm. Vì vậy, mọi người nên có lối sống tích cực bao gồm tập thể dục hằng ngày và có thói quen ăn uống lành mạnh”, báo The Times of India dẫn lời tiến sĩ Sanjiv Bhambani cho biết.

Theo Thanh niên

Kim ngân hoa chữa tiểu đường

Kim ngân hoa 120g, sơn tra 120g, đường phèn 120g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia uống vài lần trong ngày.

Hoa kim ngân
 
Để phòng chống bệnh tiểu đường, ngoài việc sử dụng các thuốc y học hiện đại, việc dùng các bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng hạ đường huyết rất tốt, trong đó có phương thức trị liệu bằng hoa kim ngân.

Cao ngân hoa: Kim ngân hoa 500g, cúc hoa 500g, sơn tra 500g, mật ong 300g. Sơn tra rửa sạch, thái phiến; Kim ngân hoa và cúc hoa rửa sạch,
Tất cả đem sắc kỹ lấy nước bỏ bã rồi cho mật ong vào cô chung bằng lửa nhỏ cho tới khi thành dạng cao đặc, mật ong chuyển màu vàng đậm là được, để nguội rồi đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 30g.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, sinh tân nhuận táo, dùng thích hợp cho những người bị tiểu đường có biến chứng viêm nhiễm như ung thũng, mụn nhọt, viêm loét sưng nóng đỏ đau, viêm tắc động mạch đầu chi, môi khô miệng khát, tâm phiến bất an...
Gia vị ngân hoa thang: Kim ngân hoa 120g, sơn tra 120g, đường phèn 120g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia uống vài lần trong ngày.
Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, nhuận phế sinh tân, hoạt huyết hoá ứ, dùng thích hợp cho những người bị tiểu đường có biểu hiện bằng triệu chứng khát nhiều uống nhiều, môi khô họng táo, tiểu tiện nhiều lần, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch nhanh...   

Những yếu tố gây bệnh tiểu đường

Chuyên gia nhận định người mắc bệnh tiểu đường thể 2, dạng phổ biến và chiếm đến 90% số ca tiểu đường, có rủi ro bị nhồi máu cơ tim... tăng cao nếu không chữa trị.

Sau đây là một số yếu tố liên quan đến bệnh tiểu đường ít người biết tới.
Thân hình “trái táo”: Theo Tổ chức Diabetes UK (Anh), phụ nữ có vòng eo 80 cm và đàn ông có vòng bụng 90 cm có nguy cơ bị tiểu đường thể 2 tăng cao. Điều đó có nghĩa là những ai có thân hình mảnh dẻ nhưng vòng 2 “quá khổ” hoặc có tạng người hình “trái táo” có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn những người mập ở những vùng khác như mông hoặc đùi. Nguyên nhân là vì lượng mỡ tích tụ quanh các nội tạng trong bụng có thể sinh ra những chất gây mất cân bằng insulin và glucose, gây ra bệnh.
Ngủ không đủ giấc: Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Boston (Mỹ), những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với người ngủ 7-8 giờ. Các nhà khoa học cho rằng thiếu ngủ làm rối loạn đồng hồ sinh học, vốn có nhiệm vụ điều chỉnh chu kỳ thức - ngủ tự nhiên của cơ thể, làm tăng hàm lượng hormone gây stress là cortisol và gây mất cân bằng glucose trong cơ thể. 
Ngủ không đủ giấc sẽ gia tăng nguy cơ gây bệnh - Ảnh: Shutterstock 
 
Buồng trứng đa nang: Tình trạng này có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2, nhưng ít người nhận biết được nguy cơ đó do đa nang buồng trứng có liên quan đến tình trạng mất cân bằng insulin. Cùng với chức năng kiểm soát đường huyết, insulin cũng kích thích buồng trứng tạo ra nội tiết tố testosterone quá mức ở phụ nữ. Khi mức insulin bắt đầu tăng nhiều và gây tổn hại buồng trứng và tuyến tụy, người phụ nữ có thể mắc bệnh tiểu đường.
Ngáy ngủ: Những người mắc tật ngáy ngủ nặng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tăng thêm 50%. Đó là kết luận được các nhà khoa học thuộc Đại học Yale (Mỹ) rút ra sau khi theo dõi đường huyết và huyết áp của 1.200 bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Tật ngáy càng nặng, nguy cơ cao huyết áp càng lớn và đàn ông dễ mắc bệnh hơn phụ nữ.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngưng thở khi ngủ và bệnh tiểu đường loại 2 là thừa cân. Theo các chuyên gia, việc đường thở bị cản trở có thể khiến hàm lượng hormone cortisol tăng lên, thúc đẩy glucose tăng cao.
Bỏ bữa ăn sáng: Các chuyên gia Úc gần đây phát hiện những người thường bỏ qua bữa ăn sáng có thể bị hạ đường huyết đột ngột, khiến họ thèm ăn món ngọt. Việc giải tỏa cơn thèm sẽ làm đường huyết tăng đột ngột và kích thích sản sinh insulin quá mức, gây ra bệnh.
Giờ giấc công việc bất thường: Nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy người thường xuyên đổi ca làm việc giữa ngày và đêm trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thể 2 tăng 50%. Lý do là những người có giờ giấc làm việc không ổn định dẫn đến rối loạn nhịp sinh học, gây ra bệnh.
Theo Quyên Quân - Thanh niên

Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

Ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Tiểu đường là căn bệnh phổ biến trong xã hội hiện nay. Những biến chứng của chúng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Chắc hẳn bạn rất lo lắng khi phát hiện mình mắc phải căn bệnh tiểu đường. Đây là một bệnh mãn tính, và nếu không có chế độ ăn kiêng hợp lý suốt đời, nó có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các bệnh nhân bị tiểu đường, đều trải qua một giai đoạn “ tiền tiểu đường"- với rất ít các triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài. Vì vậy, việc chuẩn đoán sớm “tiền tiểu đường” có thể giúp người bệnh kìm hãm sự phát triển của bệnh.
Tại Mỹ, có hơn 50 triệu người đang ở giai đoạn “tiền tiểu đường”, với nồng độ đường trong máu khá cao. Thực tế, nếu bạn tăng cân nhanh, ít vận động, hoặc gia đình có tiền sử bệnh tiểu đường, thì nguy cơ mắc bệnh của bạn khá cao.
Trong 3 năm mắc chứng “tiền tiểu đường”, bạn có thể sẽ mắc bệnh tiểu đường – căn bệnh mà khi các tế bào không thể sử dụng isulin để chuyển hóa đường trong máu. Nếu không điều trị kịp thời, các cơ quan trong cơ thể sẽ bị phá hủy.
Vậy đâu là cách kìm hãm sự phát triển của bệnh tiểu đường? Bạn hãy tập luyện để giảm bớt số cân nặng của mình đi  7% trọng lượng cơ thể, điều chỉnh chế độ ăn, kiểm soát lượng calo béo vào cơ thể là 25% tổng lượng calo hàng ngày. Với những liệu pháp này, nguy cơ bệnh tiểu đường sẽ được giảm đi một cách đáng kể.
Theo H.Anh – VTC News/RedBook

Ăn quả việt quất hạn chế nguy cơ bệnh tim và tiểu đường

Ăn quả việt quất mỗi ngày trong vòng 8 tuần có thể làm giảm huyết áp của bạn từ 4-6%, hạn chế yếu tố nguy cơ bệnh tim và tiểu đường.

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh kết luận, quả việt quất không chỉ chứa hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh rất hiệu quả. Ăn quả việt quất mỗi ngày trong vòng 8 tuần có thể làm giảm huyết áp của bạn từ 4-6%, hạn chế yếu tố nguy cơ bệnh tim và tiểu đường.
Ngoài ra, quả việt quất còn giảm lượng cholesterol, kích hoạt một số gien trong các tế bào gan giúp đào thải cholesterol xấu. Dùng quả việt quất giúp giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tạo lá chắn cho não bộ chống lại bệnh Alzheimer, ngăn ngừa lão hóa sớm.
Theo Vân Di - Thanh niên

10 hoa quả dành cho người tiểu đường

Hoa quả là thực phẩm bổ dưỡng nhưng với người tiểu đường lại không thể ăn tùy thích, loại quả nào cũng có thể ăn.

Dưới đây là những loại quả bổ dưỡng nhất và lượng ăn phù hợp nhất dành cho người bị tiểu đường.

1. Dưa hấu


Một miếng dưa hấu sẽ không gây hại cho đường huyết, 220g chỉ cung cấp 15g cacbon-hydrate. Nhưng nên thận trọng với nước dưa hấu: nó không chỉ nhiều cacbon-hydrate mà còn sức tải đường huyết (GL) sẽ tăng cao.

2. Dâu tây

Không có gì tốt hơn là món dâu tây mỗi tối. Với một 1/4 cốc dâu dây, lượng cacbon-hydrate chỉ là 15g và có thể thay thế cho món kem hay sữa chua tráng miệng.

3. Dưa lưới

Một cốc dưa lưới cắt miếng sẽ giúp bạn có một buổi sáng dễ chịu.

4. Quả bơ

Bơ cho món nướng, sa lát là món mà người tiểu đường có thể ăn được mỗi ngày.

5. Dưa lê

Làm món tráng miệng buổi tối hay là một phần trong bữa ăn sáng sẽ là tốt nhất. Lưu ý là chỉ nên ăn 1 cốc nhỏ dưa đã cắt miếng.

6. Đào

Một quả đào cỡ vừa (170g) là một nguồn cacbon-hydrate vừa đủ đối với người bị tiểu đường.

7. Chery

Khoảng 12 quả chery cho 1 bữa phụ trong ngày là vừa đủ đối với người có chỉ số đường huyết cao.

8. Bưởi

Một nửa quả bưởi lớn sẽ đáp ứng nhu cầu cacbon-hydrat vào buổi sáng.

9. Cam

Một quả cam nhỏ chứa đầy vitamin C nhưng lượng cacbon-hydrate lại không quá cao. Vì thế bạn có thể để sẵn loại quả này trong nhà.

10. Đu đủ

2 miếng đu đủ cung cấp 1 khẩu phần cacbon-hydrate, thêm 1 hũ sữa chua không đường cùng một món ăn chính là đủ cho bữa sáng lý tưởng.

Theo Nhân Hà - Dân trí/Health24

Tránh họa “rụng” chân cho người tiểu đường

Nếu kiểm soát tốt đường huyết và biết cách chăm sóc bàn chân, người bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa được các biến chứng xấu cho chân.

Ở người bệnh tiểu đường, bàn chân rất dễ viêm nhiễm. Các vết thương nhỏ có thể trở thành trầm trọng, thậm chí phải cắt bỏ chân. Một trong những nguyên nhân là các mạch máu nhỏ bị tắc nghẽn và các dây thần kinh bị tổn thương. Nhiễm khuẩn bàn chân rất hay gặp ở người bệnh tiểu đường týp 2 và dễ dẫn đến những tàn phế nặng nề.


Làm sao biết chân tổn thương?

Trong số những người mắc bệnh tiểu đường, đàn ông hay bị tổn thương chân hơn phụ nữ, có thể do phụ nữ chăm chút vệ sinh chân tốt hơn. Có không ít trường hợp bàn chân tổn thương do tiểu đường bất ngờ đứt lìa khi đang đi đứng, nằm ngủ… do người bệnh không phát hiện và điều trị kịp thời. Về nguyên tắc, có thể nhận diện được những tổn thương này qua những dấu hiệu sau:

Giảm hoặc mất hoàn toàn cảm giác đau: ngón chân bị tê, lạnh; đau các khối cơ khi vận động nhiều (chạy bộ, đi bộ nhiều); bàn chân biến dạng, các ngón chân quặp lại, đầu xương ngón chân cụp xuống; tư thế bàn chân trở nên không khớp với giày dép thông thường.

Xuất hiện các cục chai, cứng: ở gót chân, phía ngoài cạnh ngón út hoặc phía trong cạnh ngón cái. Lưu lượng máu ở bàn chân bị tổn thương gia tăng, mạch ở những nơi này đập mạnh, khi nằm các tĩnh mạch nổi phồng lên.

Loét lòng bàn chân: diễn biến thường từ giảm cảm giác đau, giảm khả năng chịu lực. Kế đó da ở vùng chịu sức ép tiếp xúc dày lên, hình thành bọng nước tại các điểm chịu sức ép. Các bọng nước này khi vỡ ra dễ bị viêm, dẫn đến phá huỷ mô xung quanh, gây hoại tử và làm các vết loét nhiễm khuẩn.

Bàn chân của người bệnh tiểu đường còn có thể bị sưng phù do suy hệ tĩnh mạch và suy tim, làm viêm loét nặng thêm.

Chăm sóc bàn chân đúng cách

Không tuỳ tiện mang giày dép, vớ: Người bệnh tiểu đường không được đi chân không, bất kể trong nhà hay ngoài đường. Nên thay đổi giày dép thường xuyên để làm giảm các vùng chịu lực. Đối với giày mới mua, mỗi ngày chỉ nên đi một ít để quen chân. Mang giày đế bằng, tránh mũi nhọn hay cao gót hoặc có đế cao hơn 2,5cm. Ngoài ra khi mang giày, bắt buộc phải mang vớ, nếu không chính đôi giày sẽ lại gây tổn thương. Nên dùng loại vớ vừa chân, bằng cotton hoặc sợi tổng hợp (không dùng vớ nilông hay loại bằng thun co dãn). Tuyệt đối không đi các loại vớ quá chật, bó sát chân. Luôn đi vớ dài hơn ngón chân dài nhất từ 1 – 2cm để tránh ép chặt bàn chân, gây giảm tuần hoàn máu. Phải luôn đi vớ nếu bàn chân bị lạnh.

Kiểm tra hàng ngày: thường xuyên kiểm tra bề mặt da để phát hiện sớm bất kỳ tổn thương nào ở bàn chân như các vết thương tấy đỏ, sưng phồng; các vết đứt hoặc trầy xước, vết rách da, bầm tím, phỏng rộp, vết loét, cục chai, mắt cá, mụn cóc, móng quặp, phồng nước... Không chích, lể nếu không đảm bảo vô trùng. Không tự ý cắt các cục chai. Nếu thấy có vết thương cần đi khám ngay.

Giữ da sạch và khô: rửa chân hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng nhẹ, không ngâm chân lâu quá năm phút. Dùng xà phòng rửa chân loại nhẹ ít chất xút, nhiều chất giữ ẩm da, ít mùi thơm và ít bọt. Xả nước thật sạch để tránh đọng xà phòng gây kích ứng da. Lau khô nhẹ nhàng, không cọ xát mạnh. Chú ý lau kỹ những nơi dễ đọng nước như kẽ ngón chân, móng chân. Không nên tắm nước nóng lâu vì có thể gây bỏng do cảm giác da của người bệnh tiểu đường đã suy giảm (nên tắm nước ấm không quá 35ºC). Khi bị lạnh ban đêm cần mang vớ trước khi đi ngủ. Nếu bàn chân dễ đổ mồ hôi, có thể giữ khô chân bằng các loại phấn thông thường trước khi mang vớ, giày.

Vệ sinh móng chân, vết thương: không cắt móng chân sát thịt quá, không lấy khoé. Với các móng chân dày và biến dạng, cẩn thận khi cắt tỉa. Không tự loại bỏ các nốt chai sần ở chân mà không có bác sĩ giám sát. Khi bị trầy xước da (kể cả lúc cắt móng chân, tay), cần rửa chân sạch bằng xà phòng, thoa dung dịch sát trùng Povidone Iodine, rồi băng lại bằng băng cá nhân hay gạc vô trùng.

Ngoài những cách chăm sóc bàn chân trên, người bệnh tiểu đường nên uống nhiều nước. Cần uống hơn 1,5 lít nước/ngày để bù đắp lượng nước thiếu hụt và giúp da luôn khoẻ mạnh. Không nên hút thuốc lá, vì sẽ làm teo hẹp thêm các mạch máu ở chân vốn đã bị hẹp và xơ cứng lại trong bệnh tiểu đường.

Theo TS.BS Võ Thành Nhân - Sài Gòn tiếp thị

Kiểm soát bệnh tiểu đường mùa tiệc tùng

Những bữa tiệc dồn dập nhân dịp lễ tết có thể khiến chế độ ăn chống bệnh tiểu đường trở nên mất hiệu lực.

Theo healthday.com, Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Mỹ đưa ra những gợi ý sau giúp người tiểu đường cảm thấy thoải mái với tiệc tùng cuối năm:

1. Dùng bữa ăn nhẹ tốt cho sức khỏe trước khi đến dự tiệc, hoặc mang theo thức ăn nhẹ lành mạnh đó.
2. Nếu dự tiệc buffet thì hãy ngồi thật xa bàn trưng bày thức ăn và chỉ nên lấy ít thức ăn.
3. Chỉ nên dùng thức uống chứa ít calo, và hạn chế rượu bia hết mức có thể.
4. Ăn thịt gà thì hãy loại bỏ da, tránh nước sốt, các món ăn phụ chứa nhiều kem.
5. Nên chọn các món ăn nhẹ làm từ rau, đặc biệt là rau quả tươi.
6. Tráng miệng bằng trái cây tươi thay vì bánh ngọt.
Theo Mai Duyên - Thanh Niên

Cải xoong giúp phòng chống bướu cổ

Cây cải xoong có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và đặc biệt là hoạt chất senevol, iốt có tác dụng phòng chống bướu cổ.

Cải xoong chống bệnh bướu cổ
Cây cải xoong có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và đặc biệt là hoạt chất senevol, iốt chữa được bệnh. Cải xoong không những có một loại rau ăn ngon mà còn góp phần phòng chống bướu cổ vì cải xoong là nguồn cung cấp iốt cho cơ thể. Món cải xoong trộn dầu giấm ăn sống không chỉ là một món ăn ngon được nhiều người ưa thích, mà còn là một bài thuốc chữa ho, chảy máu chân răng và phòng bệnh bướu cổ tốt.
Thực phẩm gây bướu cổ
Trong một số loại thức ăn như khoai mì, hạt kê, các loại rau họ cải như bắp cải, sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ… luôn tồn tại các tác nhân gây bướu cổ. Các loại rong tảo biển, mặc dù nằm trong nhón thực phẩm có iốt nhưng do chứa quá nhiều nên cũng gây nên tình trạng quá tải iốt và cũng làm cho bệnh nhân bị bướu cổ. 
Ở một số vùng do người dân sử dụng nước ở các mạch nước ngầm có chứa nhiều chất disulfure để uống cũng có thể bị bướu cổ, do chất disulfure ức chế sự hữu cơ hóa trong quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp và làm tăng thể tích tuyến giáp.
Thiếu hay thừa iốt đều nguy hiểm
Thiếu iốt, ngoài việc gây ra bướu cổ còn gây nên tình trạng đần độn ở trẻ em. Tuy nhiên nếu cung cấp quá nhiều iốt trong khẩu phần ăn trong một thời gian dài cũng đưa đến tình trạng gia tăng bướu cổ. Chính vì vậy ở các thành phố lớn, các vùng ven biển… nơi mà trong bữa ăn hàng ngày của người dân đã có hàm lượng iốt đủ cho hoạt động sinh tổng hợp hormon của tuyến giáp thì không cần cho thêm iốt vào muối ăn nữa vì lợi bất cập hại. Kinh nghiệm này đã được chứng minh từ các dân chài của Nhật Bản.
Theo Eva.vn

Tiêm insullin an toàn bằng cách nào?

Hầu hết người bệnh đái tháo đường, khi được bác sĩ thông báo cần phải điều trị bằng tiêm insulin thì cảm thấy lo lắng.

Nhiều người, do không hiểu biết và không được hướng dẫn kỹ nên bị một số biến chứng của tiêm insulin, một số khác thì do tiêm không đúng nên không làm giảm được đường huyết. Nhưng ngược lại, có nhiều bệnh nhân, sau khi được hướng dẫn cụ thể và hiểu rõ về cách thức tiêm thì đã phát biểu rằng tiêm insulin không quá khó và điều trị bằng tiêm insulin là một phương pháp hiệu quả.

Nếu bạn là bệnh nhân đái tháo đường và đang phải tiêm insulin nhưng lại không hiểu rõ về phương pháp điều trị này thì sau đây là các cách giúp bạn cải thiện kỹ năng tiêm và phòng ngừa các biến chứng hay xảy ra khi tiêm insulin.


Kỹ thuật tự tiêm insulin

- Khi kê đơn điều trị insulin, thường thì các bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh đái tháo đường phải tự học tiêm insulin. Phương pháp phổ biến nhất hiện nay là tiêm insulin bằng bơm (loại 1 hoặc ½ ml) và kim tiêm. Đầu tiên bạn phải rút insulin khỏi lọ thuốc, sau đó tiêm dưới da, và insulin sẽ được hấp thu vào máu.

- Vị trí tiêm tốt nhất là vùng bụng vì đó là vị trí mà insulin được hấp thu nhanh và ổn định. Lưu ý là phải tránh tiêm vào vùng cách rốn chừng 2cm vì insulin sẽ không được hấp thu tốt. Bạn cũng cần quay vòng vị trí tiêm để tránh các mũi tiêm quá gần nhau trong thời gian ngắn có thể gây loạn dưỡng tại chỗ tiêm. Ngoài ra, các vị trí khác có thể là mặt sau cánh tay, đùi hoặc mông.

Các hiện tượng kích ứng da tại chỗ tiêm

- Đặc biệt là ở những lần tiêm đầu tiên, bạn có thể thấy da tại chỗ tiêm bị đỏ và sưng nề nhẹ. Nguyên nhân có thể là do insulin không tinh khiết hoặc do khi tiêm, kim tiêm đã đẩy một lượng cồn nhỏ vào mô dưới da. Để tránh hiện tượng này cần sát trùng bằng cồn trước, đợi khô rồi mới tiêm.

- Nếu chỗ da bị kích ứng kéo dài trên 2 tuần hoặc bạn thấy khó chịu, đau thì phải báo ngay cho thầy thuốc.

- Một hiện tượng khác là sau khi tiêm bạn thấy đau buốt tại vùng tiêm. Để giảm thiểu hiện tượng này, bạn hãy:

+ Lấy lọ insulin ra khỏi tủ lạnh trước 15-20 phút, xoa nhẹ bằng 2 lòng bàn tay trong vài phút trước khi tiêm để lọ thuốc có nhiệt độ ngang bằng nhiệt độ phòng.

+ Thả lỏng các cơ tại vùng tiêm.

+ Đâm kim nhanh qua da.

+ Đâm thẳng kim, không đổi hướng kim sau khi đã chọc qua da.

- Sau một thời gian điều trị, một số người phát hiện thấy vùng tiêm insulin bị lồi lõm, hoặc dày lên hoặc nổi cục. Đó có thể là các biến chứng tại chỗ tiêm như teo đét hoặc phì đại tổ chức mỡ dưới da, thường là hậu quả của tiêm không đúng kỹ thuật. Khi đó không nên tiêm vào các vùng này vì insulin sẽ không được hấp thu tốt. Để tránh hoặc hạn chế hiện tượng này, các bạn cần tuân thủ hướng dẫn quay vòng vị trí tiêm theo chiều kim đồng hồ hoặc đổi chỗ tiêm giữa bụng - đùi - cánh tay...

Ngăn ngừa các vấn đề khác hay xảy ra khi tiêm insulin

Tiêm insulin đã quá hạn hoặc insulin bị nhiễm bẩn có thể làm đường máu tăng cao hoặc gây nhiễm trùng tại vị trí tiêm. Để giảm thiểu nguy cơ của tiêm insulin các bạn cần:

- Duy trì tiêm insulin của cùng một nhà sản xuất trừ khi thầy thuốc khuyên bạn nên đổi. Điều này giúp bạn có được insulin cùng nguồn gốc, cùng chủng loại và nồng độ. Phải nhớ kiểm tra hạn dùng và luôn có sẵn một lọ dự trữ.

- Cất giữ insulin trong tủ lạnh cho tới khi đem ra dùng. Trước khi tiêm phải làm ấm lọ insulin lên ngang nhiệt độ phòng ở vì tiêm insulin lạnh sẽ gây đau tại chỗ tiêm. Lọ insulin, sau khi đã mở nắp, có thể giữ được trong nhiệt độ phòng trong khoảng 6 tuần. Nên vứt bỏ các lọ insulin quá hạn hoặc lọ insulin đã để ngoài tủ lạnh trên 6 tuần.

- Tránh nhiệt độ quá nóng. Không nên để lọ insulin trong môi trường quá nóng hoặc cho tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. 

- Quan sát mọi sự thay đổi của lọ thuốc. Cũng nên vứt ngay các lọ insulin bị đổi màu hoặc có các vẩn đục.

- Đánh dấu bằng cách viết hoặc đeo một cái vòng vào các lọ insulin đang dùng. Ngoài ra bạn cũng nên có một cuốn sổ nhỏ ghi rõ tên và điện thoại của bác sĩ điều trị cùng tên tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, bao gồm cả các loại insulin. Mục đích là để phòng khi bạn bị hạ đường huyết thì các thầy thuốc và người nhà bạn biết cách xử trí nhanh và phù hợp nhất.

- Khi đi khám bệnh khác, phải thông báo với các thầy thuốc, nha sĩ hoặc dược sĩ rằng bạn đang phải tiêm insulin. Mục đích là để các thầy thuốc không kê cho bạn dùng những loại thuốc có tương tác hoặc ảnh hưởng đến tác dụng của insulin.

- Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, các tác dụng phụ hoặc cảnh báo. Nếu bạn phát hiện có khuyến cáo là không nên dùng các thuốc này cho người bệnh đái tháo đường thì nên xin ý kiến của bác sĩ điều trị.

- Cảnh giác với dị ứng thuốc. Mặc dù rất hiếm xảy ra nhưng insulin có thể gây ra phản ứng dị ứng, nguy hiểm nhất là sốc phản vệ giống như tất các các loại thuốc khác. Các biểu hiện thường gặp là mệt và khó thở, đau ngực... nhưng ít khi gây tử vong. Trong những trường hợp này cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc bảo người nhà đưa đến khoa cấp cứu ngay lập tức.

Tóm lại, nếu tuân thủ đứng những chỉ dẫn của thầy thuốc thì bạn sẽ thấy tiêm insulin không quá khó và cũng chẳng hề phiền toái chút nào.

Theo ThS Nguyễn Quang Bảy - Sức khỏe & Đời sống

Ngăn chặn biến chứng trong bệnh tiểu đường

Thuốc hạ đường huyết đang lưu hành có tác dụng nhanh, kéo dài và ít phản ứng phụ. Nhưng nếu nhờ đó đã “cầm chân” căn bệnh quái ác này thì lầm.

Không cần nói đến chuyện xa xưa, nếu so sánh với thập niên trước thì thầy thuốc điều trị bệnh tiểu đường rõ ràng đang có kỹ thuật chẩn đoán chính xác và phương tiện điều trị hiệu quả hơn trước rất nhiều.
Có thể hiểu được mức độ nguy hại của bệnh tiểu đường ở nước ta như thế nào khi cả nước chỉ có hơn 200 bác sĩ chuyên khoa, khi thông tin về căn bệnh này vẫn còn quá thiếu.
Thống kê liên tục trong 5 năm vừa qua của các hãng bảo hiểm y tế ở CHLB Đức cho thấy:
- Phía sau của không dưới 60 trường hợp tai biến mạch máu não là bàn tay phá hoại của bệnh tiểu đường.
- Tỷ lệ tử vong vì nhồi máu cơ tim cao gần gấp đôi ở nhóm bệnh nhân tiểu đường.
- Số bệnh nhân tuy được điều trị đúng bài bản nhưng mù mắt vì thoái hóa võng mạc tiếp tục tăng 5 -10%.
- Số nạn nhân phải đoạn chi vì hoại tử đầu chi do thuyên tắc mạch máu tăng 20%.
Thực trạng đó cho thấy viên thuốc hạ đường huyết dù hiệu quả thế nào, vẫn chỉ là giải pháp “chữa cháy”.
Bằng nhiều kinh nghiệm thực tiễn, các thầy thuốc đều biết rõ di chứng khó tránh trong bệnh tiểu đường như cao huyết áp, đục thủy tinh thể, suy thận, viêm da, hoại tử mô mềm... tùy thuộc vào mức độ dao động của lượng đường trong máu. Người tuy có đường huyết hơi cao hơn định mức bình thường nhưng nếu ổn định vẫn ít bị biến chứng hơn người có lượng đường trong máu tuy không thất cao nhưng trồi sụt quá thường trong ngày.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy người thiếu testosterone dễ bị biến chứng. Nhiều thầy thuốc vì thế tán dương việc bổ sung testosterone cho người bệnh tiểu đường như biện pháp dự phòng nhiều di chứng nghiêm trọng bên cạnh chuyện liệt dương.
Đúng là không nên thiếu testosterone nhưng không thể vì thế mà nhắm mắt tiếp sức để rồi trả giá bằng phản ứng phụ khó lường. Thay vì liệu pháp đau đâu chữa đó, thiếu gì bù nấy, việc áp dụng các phương tiện sinh học, như hoạt chất trong cây thuốc chọn lọc, để cung cấp cho cơ thể các chất có công năng hưng phấn tiến trình tổng hợp nội tiết tố, đồng thời giải quyết gút mắc trong khâu thần kinh - nội tiết - biến dưỡng, chính là đáp án để người bệnh tiểu đường vẫn có được cuộc sống chất lượng như mong muốn.
 
Không lạ gì nếu thầy thuốc khắp nơi đang đánh giá cao những cây thuốc có công năng đa dạng như Eurycoma longifolia - một thảo dược quý đã được xác minh tác dụng ổn định đường huyết qua nghiên cứu thực nghiệm cũng như lâm sàng.
Từ nhận thức đó, nhiều thầy thuốc ở châu Âu đã từ lâu kết hợp dược thảo trong phác đồ điều trị để vừa hỗ trợ cho tác dụng của thuốc đặc hiệu, vừa bọc lót các nhược điểm trong bệnh tiểu đường như mạch máu, thận, mắt, não, da. Trở về với thiên nhiên rõ ràng là con đường an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe.
Theo BS Lương Lễ Hoàng - Thanh Niên

Vì sao người bị tiểu đường nên ăn ít calo?

Chế độ dinh dưỡng ít calo không chỉ cải thiện béo phì đối với những bệnh nhân mắc tiểu đường týp 2 mà còn giúp hạn chế việc sử dụng insulin.


Theo một nghiên cứu mới đây tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội X-quang Bắc Mỹ, một chế độ hạn chế calo trong vòng bốn tháng cho phép những bệnh nhân tiểu đường, béo phì có thể chấm dứt việc sử dụng insulin. Tiêu thụ ít calo còn cải thiện đáng kể chức năng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

Trên thực tế thì có đến 75% số bệnh nhân mắc tiểu đường có thể duy trì việc không sử dụng insulin cho hơn một năm, dù quay trở lại chế độ ăn thông thường của họ.

Trong một bài báo nghiên cứu của TS. Sebastiaan Hammer thuộc TT Y tế ĐH Leiden, Hà Lan cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng sau 16 tuần hạn chế calo đã cải thiện chức năng tim ở những bệnh nhân này”. Họ đã đo chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) của 15 bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 và béo phì, sau đó chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá chức năng tim và mỡ màng ngoài tim của mỗi người. (Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng có mối liên quan giữa mỡ màng ngoài tim và chức năng tim, đặc biệt ở những người có bệnh về trao đổi chất).

Những bệnh nhân tham gia nghiên cứu bao gồm 7 người đàn ông và 8 phụ nữ, chế độ dinh dưỡng khoảng 500 calo/ngày và kéo dài trong khoảng 4 tháng. Khi bắt đầu chế độ ăn uống, mức độ đường trong máu của bệnh nhân cải thiện đáng kể.

TS Hammer lưu ý rằng những bệnh nhân có thể ngừng sử dụng insulin trong ngày đầu tiên của chế độ ăn kiêng do đã giảm tải được cacbon hydrate. Đối với những ngày đầu tiên, việc cắt giảm insulin có ảnh hưởng đến chế độ ăn nhưng sau đó nó có tác dụng giảm cân.

Sau 4 tháng, những bệnh nhân này được đo lại chỉ BMI và MRI. Kết quả cho thấy, trung bình lượng mỡ ở ngoài tim giảm từ 39ml đến 31ml và BMI giảm từ 35,3 xuống còn 27,5. (Mức độ béo phì là khi chỉ số cơ thể BMI từ 30 trở lên). Ngoài ra chức năng tim tâm trương cũng giảm về mức tiêu chuẩn hơn. Nếu chức năng tâm trương kém, trong đó có đo cả nhịp đập của tim khi tâm thất đang bơm máu có thể dẫn đến suy tim sung huyết.

Những lợi ích sức khoẻ về tim mạch được tiếp tục duy trì sau 14 tháng theo dõi. Những bệnh nhân tham gia nghiên cứu này cũng đã quay lại chế độ ăn uống bình thường thì chỉ số BMI cũng chỉ tăng lên 31,7 và mỡ ở màng ngoài tim cũng chỉ tăng lên 32ml. Chỉ có 4 người trong số các bệnh nhân phải sử dụng insulin vào cuối giai đoạn nghiên cứu 18 tháng.

TS Hammer cũng cho biết thêm rằng mặc dù kết quả nghiên cứu chỉ ra một chế độ ăn uống cực kỳ hạn chế calo trong thời gian ngắn có thể mang lại lợi ích sức khoẻ tim mạch đối với bệnh nhân tiểu đường hơn so với thuốc nhưng những người béo phì không được khuyên nên cố gắng thay đổi chế độ ăn như vậy mà không có giám sát của bác sĩ. Ông cũng cảnh bảo rằng, chế độ ăn hạn chế calo không nên áp dụng cho những người mắc bệnh về thận, bệnh tim mạch hoặc các rối loạn khác.
                                                           
Theo Minh Anh - Dân trí/HN

Giải mã những hiểu lầm về bệnh tiểu đường

Có phải ăn nhiều độ ngọt là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường như chúng ta vẫn tưởng? Người gầy có bao giồ mắc bệnh này không?

Đồ ngọt là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường? 
Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học, mặc dù vậy, vẫn có rất nhiều người tin vào giả thiết không đúng này. Quả thật bệnh tiểu đường có liên quan ít nhiều tới những người mắc bệnh béo phì và quá thụ động trong cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng không phải loại đồ ngọt nào cũng khiến bạn béo phì. Nếu tập luyện đều đặn hoặc không quá thụ động, bạn vẫn có thể thưởng thức đồ ngọt mà không lo mắc bệnh.
Người bệnh tiểu đường không nên tập thể thao?
Chỉ trừ một số trường hợp có chỉ định của bác sĩ, còn lại hầu hết bệnh nhân tiểu đường thường được các nhà khoa học và các chuyên gia y tế khuyên nên năng động và tập thể thao thường xuyên. Bởi lẽ, chính các động tác thể thao, chính thời gian tập luyện sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn để chống lại bệnh tật.
Tiểu đường tuýp 1 không xuất hiện ở người lớn tuổi?

Các nhà nghiên cứu cho biết, tuy tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện ở những người trẻ tuổi do lối sống hiện đại lười vận động, thừa cân béo phì nhưng không có nghĩa là nó không tấn công người lớn tuổi. Bệnh tiểu đường tuýp 1 không loại trừ những bệnh nhân dù họ ở bất kỳ độ tuổi nào.

Nếu bạn thừa cân và trong gia đình có người mắc bệnh thì bạn chắc chắn bị tiểu đường?
Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh, rất có thể bạn mang trong mình gen có nguy cơ cao hơn những người khác. Thế nhưng chính lối sống mới là nguyên nhân chính quyết định việc bạn có mắc bệnh hay không. Để bảo vệ sức khỏe của mình, tốt nhất bạn nên chăm chỉ vận động, ăn nhiều trái cây và rau xanh.
Người gầy thì không bị tiểu đường?
Đây là quan niệm sai lầm nhưng không hiểu sao lại hết sức phổ biến. Những người gầy chưa chắc đã thoát khỏi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường nếu họ ăn uống không hợp lý, ít tập luyện, bởi có rất nhiều gầy do gene chứ không phải do luyện tập đều đặn. Người gầy thường mắc bệnh tiểu đường tuýp 1.
Trẻ em mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 không được ăn đồ ngọt?
Đúng là việc ăn đồ ngọt ở trẻ mắc bệnh cần hết sức thận trọng, nhưng với y học hiện đại ngày nay, nếu các bé dùng thuốc và tham gia điều trì đúng, với thể trạng khỏe mạnh, các bé vẫn được thưởng thức một lát bánh sinh nhật hoặc vài viên kẹo vào dịp lễ mà không lo bất kỳ phản ứng bất lợi nào.
 
Theo N.Diệp - aFamily

Chữa tiểu đường từ quả ổi

Các bộ phận của cây ổi như vỏ rễ, vỏ thân, lá non, búp, quả đều được dùng làm thuốc.

Dịch chiết từ các bộ phận của cây ổi có tác dụng kháng khuẩn, làm se niêm mạc và cầm đi tiêu chảy. Tuy vậy, những người đang bị táo bón, bị tả lỵ có tích trệ không được dùng.
Có rất nhiều vị thuốc hay từ cây ổi. Ảnh minh họa
Chữa chứng tiêu chảy: vỏ dộp ổi hoặc búp ổi 20g, búp hoặc nụ sim, búp vối, búp chè, gừng tươi, hạt cau già, mỗi thứ 12g. Rốn chuối tiêu 20g. Mang tất cả các vị trên sắc đặc uống. Hoặc vỏ dộp ổi 8g, búp ổi 12g, tô mộc 8g, gừng tươi 2g, sắc với 200ml nước còn 100ml. Trẻ từ 2-5 tuổi uống 5-10ml, cách 2 giờ uống một lần. Người lớn uống 20-30ml, mỗi ngày 2-3 lần.
Chữa chứng lỵ mãn tính: lá ổi tươi 30-60g sắc uống. Hoặc quả ổi khô 2-3 quả thái lát sắc uống.
Chữa chứng tiêu hóa không tốt ở trẻ em: lá ổi 30g, tây thảo 30g, hồng trà 12g, gạo tẻ sao thơm 15-30g, sắc với 1000ml cô còn 500ml. uống mỗi ngày: trẻ từ 1-6 tháng tuổi uống 250ml, từ 1 tuổi trở lên uống 500ml, chia uống làm nhiều lần.
Chữa chứng thổ tả: dùng lá ổi, lá vối, lá sim, hoắc hương lượng bằng nhau sắc uống.
Chữa chứng sa trực tràng: lấy một lượng vừa đủ lá ổi tươi sắc kỹ ngâm hậu môn.
Chữa chứng băng huyết: dùng quả ổi sao cháy tồn tính tán bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 9g với nước ấm.
Chữa tiểu đường: lá ổi khô 15-20g sắc uống hàng ngày. Hoặc ăn vài quả ổi chừng 200g.
Chữa mụn nhọt mới phát: lá ổi non, lá đào lượng vừa đủ, đem giã nát rồi đắp lên chỗ sưng đau.
Theo BS Thành Đức - Tiền Phong

Tập luyện nhanh, tích cực cũng giúp hạ đường huyết

Tập luyện tích cực trong thời gian ngắn vài lần một tuần có thể giúp giảm nồng độ đường huyết.

Thiếu thời gian là một lý do mà mọi người thường đưa ra để giải thích cho việc không tập thể dục, tuy nhiên một nghiên cứu mới đây cho thấy tập luyện tích cực trong thời gian ngắn vài lần một tuần có thể giúp giảm nồng độ đường huyết tương tự như tập luyện đều đặn trong thời gian lâu hơn.
Nghiên cứu nhỏ này cho thấy tập luyện với cường độ cao 30 phút/tuần có thể làm giảm nồng độ đường huyết trong 24 tiếng sau tập luyện và giúp phòng ngừa tăng đường huyết sau ăn ở những người bị tiểu đường týp 2.
Tiến sĩ Joel Zonszein, giám đốc Trung tâm tiểu đường thuộc Trung tâm Y khoa Montefiore ở New York đồng ý rằng tập luyện trong thời gian ngắn có thể giúp cơ thể sử dụng glucose tốt hơn song tập luyện thường xuyên mang lại nhiều lợi ích hơn.
Theo Quỳnh Chi - An ninh Thủ đô/ MNT

Cá diếc chữa đái tháo đường

Ngoài việc hỗ trợ chữa tiểu đường, cá diếc còn có tác dụng tốt với những người bị xơ gan, viêm loét dạ dày, viêm thận...

Tiểu đường: Cá diếc một con khoảng 250 gr, 50 gr hạt tía tô. Cá diếc làm sạch, bỏ nội tạng. Hạt tía tô tán nhỏ, cho vào bụng cá, hấp cách thủy. Ăn ngày một lần, 15 ngày là một đợt điều trị. Cần ăn 3 - 4 đợt, sẽ cho kết quả tốt.
Hay buồn nôn, nôn mửa: Cá diếc một con khoảng 250 gr, làm sạch. Sa nhân, gừng tươi, hạt tiêu mỗi vị 3 gr đã phơi khô, tán nhỏ. Trộn thịt cá diếc với bột trên rồi cho vào nồi, đổ 400 ml nước đun đến khi còn 100 ml thì chia làm hai lần uống trong ngày.
Viêm thận mãn tính: Cá diếc một con khoảng 300 gr, 15 gr chu sa, 15 gr phèn chua. Cá diếc làm sạch, bỏ nội tạng, phèn chua tán bột mịn cho vào bụng cá cùng với chu sa. Lấy lá chuối bọc cá lại, sau đó lấy đấy sét bọc kín cá đem nướng trên than hồng. Khi đất khô đỏ thì lấy cá ra, tán bột mịn, chia uống ba lần trong ngày cùng 100 ml nước sôi để nguội pha cùng 50 ml rượu.
Xơ gan: Cá diếc hai con khoảng 350 gr, 10 gr hồng hoa. Cá diếc làm sạch, hồng hoa cho vào túi vải mỏng. Cho tất cả vào nồi cùng 400 ml nước, đun nhỏ lửa đến khi chín rồi ăn cá, uống hết nước. Ăn liền trong 15 ngày, mỗi ngày một lần.
Hen suyễn: Cá diếc ba con  khoảng 300 gr, 100 gr bán hạ chế, 70 gr gừng khô. Cá diếc làm sạch, bỏ nội tạng, cho vào nồi đất sấy khô, tán bột mịn cùng bán hạ chế, gừng khô. Mỗi lần uống 4 - 5 gr cùng nước sôi để nguội đã pha thêm lượng rượu bằng 20% lượng nước. Uống ngày ba lần, điều trị nhiều ngày sẽ cho kết quả tốt.
Viêm loét dạ dày: Bong bong cá diếc rửa sạch, gián ròn bằng dầu vừng rồi tán thành bột. Uống mỗi lần 5 - 6 gr, ngày uống hai lần. 
 
Theo BS Nguyễn Thị Nhân - Báo Đất Việt

Lá nguyệt quế trị đau dạ dày, tiểu đường

Lá cây dùng làm gia vị, làm thuốc; Quả có mùi thơm có tác dụng trợ tiêu hóa, chữa táo bón hay tiêu chảy.

Nguyệt quế có tên khoa học Laurus nobilis L., thuộc họ long não. Là loài cây thân gỗ hoặc cây bụi lớn với lá thường xanh, có mùi thơm, cao tới 10 - 18m.

Lá nguyệt quế dài khoảng 6 - 12cm và rộng khoảng 2 - 4cm, với mép lá nhăn và có khía răng cưa đều đặn. Nước ta nguyệt quế được trồng làm cảnh.

Người ta đã phân tích thành phần hóa học chứa trong nguyệt quế như hạt chứa 30% dầu; Lá chứa tinh dầu mà thành phần chủ  yếu là ceniol, geraniol, pinen. Quả nguyệt quế  cũng thấy chứa tinh dầu


Nguyệt quế là nguồn cung cấp một loại gia vị trong ẩm thực từ lá, được dùng để tạo hương vị trong nấu ăn. Nó cũng là nguồn để làm vòng nguyệt quế của người Hy Lạp cổ đại.

Đây cũng là loại cây được sử dụng trong y học như làm thuốc giảm đau và chống viêm, chống oxy hóa, chống co giật trong động kinh. Quả nguyệt quế có tác dụng điều kinh, trị tiêu chảy, bạch đới, phù thũng; Lá cây dùng làm gia vị, làm thuốc; Quả có mùi thơm có tác dụng trợ tiêu hóa, chữa táo bón hay tiêu chảy.

Để tham khảo, dưới đây là vài gợi ý sử dụng nguyệt quế trong trị liệu một số bệnh chứng.

- Trị khó tiêu ở dạ dày: Dùng lá nguyệt hãm lấy nước uống trong ngày.

- Chữa da bị kích thích: Lấy bột lá và quả nguyệt quế trộn cùng Vaseline rồi bôi lên vùng da bị kích thích.

- Trị tiểu đường: Dùng dưới dạng cà ri nấu ăn hoặc uống bột, mỗi lần 5g, uống với nước sôi để nguội.

Theo BS Tuấn Long - Khoa học & Đời sống

Tăng đường máu vì... thuốc

Dùng nhiều thuốc cùng lúc có thể làm gia tăng các tương tác thuốc với nhau và làm tăng các tác dụng phụ của chúng.

Một trong các tác dụng phụ đáng ngại là chúng có thể làm tăng đường máu, một biến cố đi ngược lại với nỗ lực điều trị...
Với đái tháo đường týp 2, người ta có thể sử dụng thuốc chống đái tháo đường để hạ đường máu. Và, trên thực tế người bệnh đái tháo đường týp 2 bị mắc cùng lúc nhiều bệnh nên phải dùng đồng thời nhiều loại thuốc. Song điều đáng quan tâm ở đây là dùng nhiều thuốc cùng lúc có thể làm gia tăng các tương tác thuốc với nhau và làm gia tăng các tác dụng phụ của chúng, trong đó có làm tăng đường máu. 
 
Các thuốc cần chú ý
Thuốc lợi tiểu loại thiazide
Một trong các lợi ích rõ ràng của thuốc là có thể làm hạ huyết áp một cách công hiệu. Nhưng bên cạnh đó, nó còn có một số tác dụng phụ trợ khác mà nhiều khi chính vì có những tác dụng phụ trợ này mà nó lại được ưa thích kết hợp trong điều trị. Song gần đây người ta chỉ ra rằng, thiazide không phải là thuốc an toàn cho người đái tháo đường, do làm giảm khả năng dung nạp đường ở trên cả hai đối tượng: người bình thường và người bệnh. 
 
Điều đó có nghĩa là đường mà chúng ta ăn vào không được hấp thụ, cứ tồn tại trong máu rồi bị đào thải ra ngoài. Bằng những nghiên cứu thống kê, người ta thấy có khoảng 30% số bệnh nhân tăng huyết áp có sử dụng thiazide trở nên “kháng” lại với đường. Nếu cứ đà này thì có một lượng bệnh nhân như thế sẽ tiến triển thành bệnh đái tháo đường và một tỷ lệ tương đương số bệnh nhân đái tháo đường týp 2 sẽ trở thành kháng trị.
 
Thuốc chẹn can xi
Thuốc chẹn canxi cũng là một thuốc phổ dụng trong các thuốc điều trị tăng huyết áp, điển hình như nifedipin, verapamin, diltiazem...
Việc bài tiết ra insulin phụ thuộc rất nhiều vào canxi nội bào. Nếu thiếu canxi thì insulin của tuyến tụy không được tiết ra đầy đủ, mặc dù tế bào tụy không bị tổn thương. Do đó mà thuốc chẹn canxi có thể làm cho thuyên giảm hàm lượng insulin cần thiết và như thế nó có thể làm tăng đái tháo đường. Thực tế, thuốc này đã được sử dụng như là một thuốc để điều trị những khối u tụy có tăng tiết insulin. 
Cần kiểm tra đường máu thường xuyên
 
Thêm vào đó, một vài công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thuốc chẹn canxi hoàn toàn có thể làm tăng nồng độ đường máu trên người. Tác động có hại trên hệ chuyển hoá đường phụ thuộc rất lớn vào liều lượng và loại thuốc được kê đơn. Nifedipin và verapamil là hai thuốc cần phải lưu ý nhất, mặc dù khả năng tăng đường máu chưa đến ngưỡng nguy hiểm.
 
Thuốc chống viêm corticoid
 
Thuốc chống viêm corticoid là một thuốc công hiệu mạnh trong tác dụng chống viêm với cơ thể. Tác dụng chống viêm của nó mạnh đến nỗi nó có thể bất hoạt và ngừng tất cả mọi phản ứng viêm mà không quan tâm đó là do nguyên nhân gì và mức độ ra sao. Nó có tác dụng ngay từ liều đầu tiên và có thể duy trì tác dụng sau đó nhiều ngày dừng điều trị. Nhưng sự ưa thích của nó không đủ khả năng để che hết những khuyết điểm không thể bỏ qua. 
 
Một trong các khuyết điểm rõ rệt của nó là làm tăng nồng độ đường máu. Với một người bình thường không bị đái tháo đường, nếu nồng độ đường máu ở ngưỡng bình thường thấp, tức là ngưỡng 4,6mmol/l thì thuốc có thể làm tăng đường máu lên tận ngưỡng giới hạn cao, thậm chí là sang hẳn ngưỡng bệnh lý, tức là vượt xa giá trị 6mmol/l.
 
Nguy cơ này lại càng trầm trọng ở người đái tháo đường. Người ta đã chỉ ra rằng, thuốc có thể làm tăng nồng độ đường máu của người bệnh ngay cả khi đang dùng thuốc điều trị. Nó có thể kéo dài thời gian tăng đường máu và trì hoãn lại quá trình hồi phục.

Tác hại này của thuốc được giải thích theo một cơ chế đa chiều. Thứ nhất, thuốc làm tăng phân huỷ đường trong gan và cơ nên nó làm tăng đường máu. Thứ hai, thuốc làm giảm tiết insulin nên nó làm giảm đáng kể chất này trong tiến trình điều hoà đường. Thứ ba, thuốc có thể làm tăng đề kháng với insulin cả trước receptor và sau receptor.
Vì những biến cố tai hại người ta mệnh danh corticoid là những thuốc có tác dụng gây ra bệnh đái tháo đường do thuốc. Các thuốc điển hình gây ra biến chứng này là hydrocortison, prednison và prednisolon.
Ba cách giảm nguy cơ
Cách tốt nhất là tránh không dùng những thuốc đó nếu giá trị đường máu của người bệnh đang cao hoặc khó kiểm soát. Tuy nhiên, điều này là khó áp dụng vì một khi đã tính đến chuyện dùng thuốc với những đối tượng này thì gần như là không có cơ hội “thoát” nên biện pháp này khó khả thi.
Cách thứ hai là lựa chọn những thuốc cùng nhóm nhưng ít tai hại với giá trị đường máu hơn. Đây là một biện pháp được cho là khả thi vì mỗi một nhóm thuốc có rất nhiều thuốc và chúng ta có thể cân nhắc đến những thuốc không hoặc ít làm ảnh hưởng đến bệnh đái tháo đường. Cách thứ ba mà chúng ta có thể áp dụng là dùng liều thấp.
 
Thông thường những tác hại với bệnh đái tháo đường thường liên quan đến liều. Càng dùng liều cao thì tác hại gây ra với nồng độ đường càng lớn. Thế nên chỉ định dùng liều nhỏ nhất được khuyến cáo. Những thuốc hormon giáp, thuốc chống động kinh có thể áp dụng biện pháp này.
Một biện pháp muôn thuở và lành mạnh nhất làm thế nào đó giảm được nguy cơ mắc các bệnh phối hợp. Điều này sẽ giúp chúng ta không phải dùng nhiều thuốc và không phải lo ngại biến chứng đái tháo đường.
Theo BS.Nguyễn Nam Phong - Sức khỏe & Đời sống

Nhồi máu cơ tim không đau ở người bệnh tiểu đường

Theo ước tính, có khoảng 30% bệnh nhân vào viện vì nhồi máu cơ tim mắc tiểu đường, trong khi tần suất người mắc bệnh tiểu đường khoảng 5-6%.

Điều này nói lên rằng người mắc bệnh tiểu đường dễ bị nhồi máu cơ tim hơn những người không mắc bệnh tiểu đường từ 2-4 lần tùy theo giới (phụ nữ mắc nhiều hơn, tuy chưa biết rõ lý do).

Khi bị nhồi máu cơ tim, triệu chứng đầu tiên rất có giá trị gợi ý cho chẩn đoán là những cơn đau điển hình vùng ngực trái, đau lan lên vai, lan ra cách tay kèm theo các triệu chứng mệt nhọc, khó thở, vã mồ hôi

Tuy nhiên, có một số người vì lý do này nọ, khi bị nhồi máu cơ tim lại không có triệu chứng đau khiến cho việc chẩn đoán khó khăn và điều trị có phần kém hiệu quả vì được chẩn đoán muộn hơn.

Do vậy, bệnh nhân và bác sĩ cần cảnh giác và cần nghĩ đến bệnh nhồi máu cơ tim một cách hệ thống trước một bệnh nhân tiểu đường có các triệu chứng xảy ra đột ngột và không giải thích được như:
 
- Rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị.

- Khó thở khi gắng sức.

- Mệt mỏi, nhất là khi có gắng sức.

- Rối loạn nhịp tim, nhồi máu phổi.

- Đường máu tăng không rõ lý do.

- Tụt huyết áp.

Trong mọi trường hợp, làm điện tim là cách đơn giản nhất giúp chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim (vấn đề là nghĩ đến nó trước tiên). Sau nữa, có thể siêu âm tim gắng sức, chụp mạch vành, chụp CT scan.

Chẩn đoán càng sớm, càng giúp cho tiên lượng bệnh được tốt. Nhưng có một thực tế là bệnh nhân tiểu đường sau khi bị nhồi máu cơ tim vẫn có nhiều khả năng tử vong hơn rất nhiều so với người không bị bệnh tiểu đường (20% so với 3,5% sau 7 năm).

Do vậy, tốt nhất là đừng mắc bệnh tiểu đường, điều trị tăng huyết áp, điều trị rối loạn chuyển hóa mỡ, tập thể dục, không hút thuốc lá, ăn uống điều độ là những biện pháp cơ bản nhất để giữ được sức khỏe dài lâu.

Theo ThS. BS Nguyễn Huy Cường - Daithaoduong.vn

Phân biệt bệnh tiểu đường týp 1 và týp 2

Nhận biết và phân biệt được hai loại tiểu đường sẽ giúp bạn có khả năng phòng tránh và ngăn ngừa căn bệnh này hiệu quả.

Có hai loại bệnh tiểu đường chính, gọi là tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. 
Phân biệt bệnh tiểu đường type 1 và type 2
Tiểu đường type 1 
Còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin hay tiểu đường ở người trẻ. Trong bệnh tiểu đường type 1, là do cơ chế tự miễn, tức tuyến tuỵ bị tấn công và phá hủy bởi chính cơ thể, làm cho tuyến tuỵ không còn khả năng sản xuất insulin nữa.
Kháng thể bất thường này được thành lập ngay trong cơ thể người bệnh tiểu đường type 1. Kháng thể này bản chất là protein trong máu, một phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Bệnh nhân bị tiểu đường type 1 muốn sống được cần phải chích insulin mỗi ngày.
Gen gây bệnh tiểu đường type 1 có nhiễm sắc thể số 11 giống nhau ( nhiễm sắc thể là nơi lưu trữ mọi thông tin di truyền bằng các nucleotic trong tế bào). Tiếp xúc, nhiễm một số virus như quai bị, Coxakies virus hay các độc chất trong môi trường có thể khởi phát đáp ứng kháng thể một cách bất thường, là nguyên nhân làm hư tổn tế bào tuỵ tiết insulin.
Tiểu đường type 1 có xu hướng xảy ra ở người trẻ, thường dưới 30 tuổi. Tuy nhiên ở bệnh nhân trẻ còn có dạng tiểu đường do cơ hội. Tiểu đường type 1 chiếm khoảng 10%, còn tiểu đường type 2 chiếm 90%.
Tiểu đường type 2
Còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin hay tiểu đường ở người trưởng thành. Trong tiểu đường type 2, tuỵ người bệnh vẫn còn khả năng sản xuất insulin, nhưng không đủ. 
Trong một số trường hợp,sau khi ăn tuỵ sản xuất một lượng insulin nhiều hơn bình thường. Ða số bệnh nhân tiểu đường type 2, tế bào cơ thể vẫn còn nhạy cảm với insulin ( đặc biệt là tế bào mỡ và tế bào cơ), lượng lớn insulin được sản xuất được tế bào nhận diện.
Tóm lại vấn đề tăng kháng insulin, sự phóng thích insulin từ tuỵ cũng có thể bị thiếu, gây ra tình trạng tăng glucose máu. Hầu hết tiểu đường type 2 xảy ra ở người trên 30 tuổi, và tỷ lệ tiểu đường tăng theo tuổi. 
Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong bệnh tiểu đường type 2. Một số yếu tố khác như mập phì cũng là nguy cơ bị tiểu đường. Có mối liên quan trực tiếp giữa béo phì và tiểu đường type 2.
Tiểu đường có thể xảy ra thoáng qua trong quá trình thai kỳ
Sự thay đổi đáng kể về hormone trong quá trình mang thai thường làm tăng mức đường trong máu ở một số người. Trong trường hợp này người ta gọi là tiểu đường do thai kỳ. Tiểu đường do thai kỳ sẽ khỏi sau khi sanh. Tuy nhiên, có khoảng 40-50% phụ nữ tiểu đường do thai kỳ sẽ bị tiểu đường thật sự sau này.
Ðặc biệt những người cần insulin trong suốt thai kỳ và những người này quá trọng. Ở bệnh nhân tiểu đường do thai kỳ cần phải làm test dung nạp glucose 6 tuần sau khi sanh nhằm xem sau này họ có thể bị tiểu đường hay không.
Tiểu đường cũng có thể do rối loạn các chất nội tiết tố khác như việc bài tiết quá nhiều hormon tăng trưởng ( bệnh to đầu chi) và hội chứng Cushing. 
Trong bệnh to đầu chi là do u tuyến yên nằm ở đáy não sản xuất quá nhiều hormon tăng trưởng, đưa đến tăng đường huyết. Trong hội chứng Cushing, tuyến thượng thận sản xuất ra quá nhiều cortisol, làm khởi phát sự tăng đường huyết. 
Nói tóm lại, một số loại thuốc có thể giúp kiểm soát đường huyết hay không che đậy bệnh tiểu đường tìm ẩn. Tiểu đường do thuốc thường gặp nhất khi dùng thuốc corticoid ( như prednisone ).
Ăn uống khi bị tiểu đường
Người bị tiểu đường thường phải kiêng ăn nhiều thứ, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn hàng ngày. Những thông tin dưới đây giúp bạn ăn kiêng một cách dễ dàng.
Hạn chế dùng đường
Người bị tiểu đường nên hạn chế ăn đường, chỉ sử dụng trong ăn uống khi nấu các món như canh chua, pha nước chấm. 
Nên dùng các loại thịt nạc
Các loại thịt như heo, bò, cá, gà, vịt… chỉ sử dụng phần nạc trong khi nấu ăn. Bạn cũng  có thể thay đổi các loại thịt này bằng lươn, chim, tép tươi, ếch, tàu hũ, trứng… để bữa ăn thêm phong phú. Khi chế biến thức ăn nên chọn dầu đậu phộng, dầu mè.
Ăn nhiều rau xanh
Rau xanh là thực phẩm cần thiết trong mỗi bữa ăn. Các loại rau như rau muống, bồ ngót, mồng tơi, rau dền, rau cải, cà tím, cà rốt, mướp, khổ qua, dưa leo, củ cải trắng, đậu bắp đều phù hợp với người tiểu đường.
Trái cây
Những loại trái cây có độ ngọt ít như: dưa hấu, dâu tây, dưa lê, quả bơ, đào, bưởi, cam, đu đủ, ổi, mận, táo, thanh long… đều có thể ép nước, làm sa lát ăn trước, trong, hoặc sau mỗi bữa ăn.
Bỏ các thói quen
Nên từ bỏ những thói quen bất lợi cho người bị tiểu đường như: thích ăn đồ ngọt, món xào, uống rượu, hút thuốc lá.
Tập thể dục 
Với các hoạt động vừa phải hàng ngày như làm việc nhà, đi bộ, chạy xe đạp, bơi lội cũng giúp hỗ trợ đáng kể trong việc điều trị bệnh tiểu đường.
Alobacsi.vn tổng hợp