Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Chế độ ăn cho người tiểu đường thừa cân

Giảm cân là cách hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường rất hiệu quả. Tuy nhiên việc giảm cân của người mắc bệnh tiểu đường cần tuân thủ theo một chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người mắc bệnh tiểu đường cần một chế độ ăn đặc biệt nhằm hạn chế thừa cân và tăng lượng đường trong máu. Ngoài việc tìm gặp bác sỹ dinh dưỡng để có được sự tư vấn đúng đắn, người bệnh cần chú ý tới những thực phẩm mình ăn hàng ngày.

1. Thực phẩm nên ăn:

Rau quả:
Bạn nên chọn những loại rau củ ít đường, rau tươi hoặc đông lạnh đều được. Đặc biệt, khổ qua, hay còn gọi là mướp đắng là một loại rau quả theo mùa giúp điều chỉnh mức đường trong máu và giữ cho cơ thể hoạt động bình thường. Khổ qua được sử dụng như một bài thuốc dân gian chữa bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khổ qua chứa một chất tựa như Insulin cực kì hữu dụng trong việc làm giảm lượng đường trong máu và rất tốt cho giảm cân.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng rau tươi hoặc rau đông lạnh, không nên sử dụng rau đóng hộp bởi chúng chứa lượng Natri cao. Ngoài ra, người bệnh cần hạn chế tối đa các loại rau củ sau: Dưa chua, nộm ngọt, rau có hàm lượng muối cao, rau ăn cùng nước chấm…

Về cách chế biến, luộc, nấu, hấp vẫn được coi là lựa chọn hợp lý nhất với người bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trong quá trình nấu ăn, bạn không nên cho đường, chất tạo ngọt hoặc các chất béo khác vào món ăn.

Trái cây tươi cũng là thực phẩm hữu hiệu trong việc ngăn ngừa những biến chứng ở mắt dẫn đến mất thị lực do bệnh đái tháo đường gây ra. Tuy nhiên bạn nên chọn các loại trái cây ít đường như dâu tây, dưa lưới, đào, cam và tránh xa chuối, xoài, nho…

Các loại đậu

Các loại đậu là thực phẩm tuyệt vời cho bệnh nhân tiểu đường. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn các thực phẩm nhiều chất xơ, đặc biệt là các loại đậu, giúp hạn chế việc tăng nồng độ đường trong máu sau bữa ăn và giảm lượng đường trong máu, từ đó giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định.

Sữa ít béo và các sản phẩm thay thế

Những người giảm cân nên sử dụng váng sữa hoặc sữa ít béo. Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường không nên dùng sữa có đường nhân tạo.

Thịt trắng

Người tiểu đường chỉ nên ăn một lượng thịt vừa phải và ăn những sản phẩm thịt trắng như thịt gà, cá... tránh các sản phẩm thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò…


2. Thực phẩm không nên ăn:


Đường và các sản phẩm nhiều đường:

Đối với bệnh nhân tiểu đường, kẹo là thực phẩm “cấm kỵ” hàng đầu, bởi chúng có quá nhiều đường. Thay vì dùng chất đường hấp thu nhanh, hãy sử dụng chất đường hấp thu chậm từ thực phẩm như củ cải, hành tây... khi chế biến thành món ăn.

Chất béo no

Chất béo nói chung, đặc biệt là chất béo no (thường có nguồn gốc từ động vật), cần được hạn chế nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường và thừa cân. Tốt nhất, hãy chọn những thực phẩm nướng bằng lò vi sóng, tránh các đồ ăn chiên xào.

Nước ngọt, nước có ga:

Việc sử dụng những đồ uống ngọt có ga làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tiểu đường và bệnh tim. Vì vậy, hãy thay thế chúng bằng các loại đồ uống không calo hoặc ít calo như: nước ép cam, nước ép cà rốt, nước lọc...

Các sản phẩm tinh bột
Các loại tinh bột như bánh mỳ trắng, bột mỳ và gạo được cơ thể chuyển hóa tương đối nhanh thành đường. Vì vậy bệnh nhân tiểu đường thừa cân không nên ăn nhiều các thực phẩm này. Ngô và khoai tây cũng là các nguồn tinh bột khá lớn và nên được thay thế bằng các loại rau, đậu.

Cắt cụt chi mới biết bị đái tháo đường

Sau khi xét nghiệm máu và được chỉ định tháo khớp ngón chân bà Nụ mới bàng hoàng hay tin mình bị đái tháo đường đã lâu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trường hợp của bà Nguyễn Thị Nụ (62 tuổi, TPHCM): bà đi khám do ngón chân cái đau, tê, mất cảm giác, nhiễm trùng lan rộng sau một lần cắt lẹm móng chân. Sau khi xét nghiệm máu và được chỉ định tháo khớp ngón chân bà mới bàng hoàng hay tin mình bị ĐTĐ đã lâu.
 
Những triệu chứng tê, mất cảm giác, nhiễm trùng là biến chứng do bệnh lâu ngày không được điều trị. Bà ngậm ngùi cho biết bản thân không thấy triệu chứng điển hình nào nên đã chủ quan với bệnh. Dù đã được chỉ định tháo khớp ngón cái nhưng những ngón còn lại của bà cũng rất khó giữ.
 
Theo một thông báo của WHO tháng 3/2005 cứ 6 người mắc ĐTĐ có 1 người bị loét bàn chân. Trên phạm vi toàn cầu cứ 30 giây lại có một người ĐTĐ có biến chứng bàn chân buộc phải cắt cụt chi. Vì thế, các chuyên gia y tế khuyên rằng, cần hết sức lưu ý với những triệu chứng của bệnh lý bàn chân ở người ĐTĐ như: đau cách hồi, đau về ban đêm, da bàn chân đỏ, bóng nhẫy, mất lông ngón chân, móng dày lên, xanh tái khi giơ chân lên… 

Trong đó triệu chứng đau cách hồi là triệu chứng điển hình nhất. Đau cách hồi đặc trưng bằng cơn đau âm ỉ hoặc đau co cứng lại như bị chuột rút, đa phần xảy ra ở bắp chân. Đau chỉ xảy ra khi đi bộ và hết khi người bệnh ngừng đi bộ mà không cần phải ngồi xuống.
 
Cách tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng bàn chân là kiểm tra đường huyết định kỳ 6 tháng/lần, phát hiện sớm bệnh và kiểm soát chặt chẽ chỉ số đường huyết và HbA1c (chỉ số phản ánh mức độ biến chứng của bệnh ĐTĐ), để phòng ngừa biến chứng. 

Người bệnh tiểu đường nhẹ ký chớ coi thường

Những người dư cân hoặc béo phì mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có nguy cao tử vong cao vì bệnh tim mạch là chuyện ai cũng biết

Thế nhưng người gầy ốm, không nặng ký mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 còn có nguy cơ tử vong vì bệnh tim và các bệnh hiểm nghèo khác cao hơn gấp đôi người dư cân và béo phì.
Đó là kết quả bất ngờ của một công trình nghiên cứu khoa học của bác sĩ Mercedes Carnethon, phó giáo sư khoa y tế dự phòng trường đại học y khoa Feinberg, đại học Northwest University ở Chicago, đăng trên chuyên san Journal of the American Medical Association số ra ngày 8/8. Trong nghiên cứu này, bệnh tiểu đường tuýp 2 có vẻ nguy hiểm hơn đối với những người cân nặng trung bình so với những người dư cân.

Bà Carnethon chia sẻ: “Chúng tôi bất ngờ với kết quả này vì số người chết mắc bệnh tiểu đường có tạng gầy ốm lại cao hơn gấp đôi số người dư cân mắc cùng chứng bệnh. Có vẻ như béo phì và dư cân có tác động tích cực ở giai đoạn cuối bệnh thận và bệnh tim mạch. Cái này gọi là mâu thuẫn béo phì”.

Tuy vậy, theo bác sĩ Carnethon, những người béo phì chớ có chủ quan. Dư cân vẫn là căn nguyên của bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và ung thư. Những người béo phì mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn có nguy cơ tai biến cao và một trong những cách chữa trị hữu hiệu là giảm cân.
Bác sĩ Carnethon đã phân tích dữ liệu của năm cuộc nghiên cứu dài hạn từ năm 1990 đến 2006. Đối tượng nghiên cứu gồm có 2.600 người trên 40 tuổi chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, trong đó nam giới chiếm 50%.


Trọng lượng đối tượng nghiên cứu tính theo chỉ số khối lượng cơ thể (BMI). Chỉ số BMI 18,5 đến 24,99 được coi là nặng bình thường. Từ BMI 25 trở lên là dư cân hoặc béo phì.

Trong số 2.000 người nói trên, có 450 người chết trong thời gian nghiên cứu, trong đó 178 người chết vì bệnh tim mạch và 253 người chết vì các bệnh khác. Có 18 trường hợp chết không rõ nguyên nhân.

Các phân tích tính đủ các yếu tố quan trọng như số đo vòng ngực, tình trạng hút thuốc lá, yếu tố dân số, hàm lượng cholesterol và số đo huyết áp. Kết quả phân tích cho thấy, tỉ lệ tử vong ở những người có chỉ số BMI thấp cao hơn những người có chỉ số BMI trên 25 đến 2,32 lần.

Bác sĩ Carnethon lưu ý rằng, hiện vẫn chưa rõ tại sao người gầy mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lại có nguy cơ tử vong cao hơn người béo mập. Theo ông, có thể do yếu tố gien phát triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2 giữa hai nhóm gầy và nhóm béo khác nhau. Cũng có thể do một số bác sĩ không tích cực chữa trị bệnh tiểu đường cho bệnh nhân gầy. Cũng không loại trừ nguyên nhân cùng một cách chữa trị nhưng hiệu quả giữa người gầy và người mập khác nhau.

Bướu cổ - Khi nào nên mổ?

Chế độ dinh dưỡng và nước uống là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bướu cổ do thiếu hoặc dư thừa Iode trong khẩu phần ăn hàng ngày.

Khi tuyến giáp to ra một phần hay toàn bộ do một nguyên nhân nào đó gây ra, sinh lý hoặc bệnh lý người ta thường gọi đó là bướu cổ hay bướu giáp.

Dấu hiệu nhận biết bệnh bướu cổ


PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam - Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Thể tích của tuyến giáp thay đổi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Giới tính, lứa tuổi, khí hậu, dinh dưỡng, số lượng máu lưu thông trong tuyến giáp và những biến đổi bên trong cơ thể như sự giao động về tinh thần, đời sống sinh lý… hay bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài cơ thể như nhiễm độc, nhiễm khuẩn…

Chúng ta có thể nhận biết bằng cách sờ cổ, nếu cổ bị cứng và bành ra thì tức là đã bị bướu lớn nhưng khi bướu chỉ mới phát sinh hoặc còn nhỏ thì hầu như không thể cảm nhận được. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết sự có mặt của nó qua các biểu hiện như: Cảm thấy đau cổ họng hoặc luôn cảm giác cổ họng bị ứ đầy, khó nuốt, khó thở; cảm thấy hồi hộp, có những cơn đau tim thoáng qua; đổ mồ hôi nhiều, sút cân nhanh; mệt hoặc căng thẳng, trí nhớ giảm sút; bị táo bón, da khô, cảm thấy lạnh…

Các trường hợp bướu cổ nên và không nên mổ

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, trên thực tế thì điều trị ngoại khoa là giai đoạn nối tiếp sau khi điều trị nội khoa không có kết quả. Trên cơ sở đó, việc điều trị bằng phẫu thuật được đề nghị trong một số trường hợp:

- Tất cả các loại bướu giáp có chỉ định điều trị ngoại khoa, nếu điều trị nội khoa bảo tồn và điều trị bằng Iode đồng vị phóng xạ không có kết quả.

- Bướu giáp thể nhân nhu mô cần cắt bỏ sớm vì dễ ung thư hóa, nhất là ở bệnh nhân nam trên 40 tuổi.

- Các loại bướu giáp thể nang to nhanh chứa đầy máu và các bướu chìm sau xương ức, có kèm theo các dấu hiệu chèn ép rõ rệt các cơ quan trong trung thất hoặc đe dọa vỡ.

- Các u độc tuyến giáp với các dấu hiệu rối loạn chức năng rõ rệt.

- Ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu…


Chống chỉ định phẫu thuật với các trường hợp như:


- Bướu giáp thể lan tỏa điều trị nội khoa bảo tồn có kết quả tốt được thể hiện qua việc thấy bướu nhỏ đi, các dấu hiệu chức năng mất dần.

- Ung thư tuyến giáp ở giai đoạn cuối đã có di căn.

- Bệnh basedow điều trị nội khoa hoặc bằng chất Iode đồng vị phóng xạ có kết quả tốt.

- Bệnh basedow trong giai đoạn chưa ổn định: mạch còn nhanh hơn 90 lần/phút, chuyển hóa cơ bản cao hơn 20%... Mổ ở giai đoạn này tỉ lệ tử vong cao do biến chứng cơn bão giáp trạng.

- Các loại bướu giáp sinh lý và viêm tuyến giáp trạng giả bướu loại Hashimoto hoặc Riedel cũng không nên phẫu thuật.

Phẫu thuật bướu cổ, các bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ các nhân hoặc nang bướu cùng với vỏ bọc bên ngoài để tránh sự tái phát của bướu và tránh để sót các tổ chức bướu bị thoái hóa. Gần đây còn áp dụng phương pháp cắt hoàn toàn thùy tuyến giáp có nhân hoặc nang, phương pháp này chủ yếu được áp dụng trong điều trị bệnh basedow hoặc bướu giáp basedow hóa. 

Ngoài ra, còn có phương pháp cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch cổ hai bên, được áp dụng cho những trường hợp như ung thư tuyến giáp. Sau mổ cần điều trị tiếp tục với hormone tuyến giáp và cận giáp kết hợp với xạ trị mặc dù xạ trị cho kết quả rất hạn chế trong ung thư tuyến giáp.

Phương pháp điều trị bằng thuốc và cách phòng tránh bệnh bướu cổ

BS Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết thêm, trường hợp bệnh nhân bị bướu cổ phải điều trị nội khoa bằng thuốc thì tùy theo loại bướu giáp và chức năng tuyến giáp mà có thời gian điều trị khác nhau. Với bướu giáp có kèm theo cường giáp thì thời gian điều trị với thuốc kháng giáp tổng hợp tối thiểu là 6 tháng; bướu giáp thông thường với chức năng tuyến giáp bình thường thì điều trị với hormone tuyến giáp khoảng 2 năm; với bướu giáp có thiểu năng tuyến giáp (suy giáp) thì thời gian điều trị với thuốc là hormone tuyến giáp phải kéo dài, có khi là suốt đời.

Tuy nhiên, điều trị nội khoa chỉ là bước đầu, sau đó phải điều trị bằng phẫu thuật hay bằng Iode đồng vị phóng xạ, nếu không tỷ lệ tái phát sẽ khá cao (lên đến 75% sau khi ngừng thuốc 2 năm).

Chế độ dinh dưỡng và nước uống là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh bướu cổ do thiếu hoặc dư thừa Iode trong khẩu phần ăn hàng ngày. Chính vì vậy, bệnh này có thể đề phòng bằng các biện pháp bổ sung muối Iode qua một số thực phẩm, nước uống… Trong đó, bổ sung i-ốt qua muối ăn được chứng minh là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu cung cấp quá nhiều Iode trong khẩu phần ăn hàng ngày một thời gian dài cũng đưa đến tính trạng gia tăng bướu cổ. Vì vậy, ở các thành phố lớn, các vùng ven biển… nơi mà trong bữa ăn hàng ngày của người dân đã đủ hàm lượng Iode thì không phải cho thêm Iode vào trong muối ăn.

5 cách ngăn ngừa bệnh tiểu đường

Tập thể dục

Giảm cân là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Chương trình Ngăn ngừa Bệnh tiểu đường quốc gia của Mỹ chỉ ra rằng rủi ro phát triển bệnh tiểu đường loại 2 có thể trì hoãn ở bệnh nhân bị tiền tiểu đường nếu bệnh nhân này giảm được từ 5-7% trọng lượng cơ thể.

Giảm cân và hoạt động thể chất có thể giúp cơ thể tăng khả năng sản xuất chất insulin để xử lý lượng glucose trong cơ thể.

Một trong những cách tập thể dục được các bác sĩ chuyên ngành khuyến cáo là đi bộ, tốt nhất là vào giờ trưa, chọn đi thang nếu có thể và kéo dài ít nhất 30 phút mỗi ngày trong suốt cả tuần.

Chế độ ăn lành mạnh

Tiêu thụ thực phẩm ít chất béo, đường và natri. Chọn thức uống không hoặc ít calorie. Thay thế chất carbon hydrate trắng (bánh mì trắng, gạo trắng) bằng ngũ cốc hoặc gạo lứt.

Nếu chọn những thực phẩm không lành mạnh, hãy cố gắng ăn ít.

Thay thế khéo léo các thực phẩm khi nấu

Những thành phần ít chất béo và thấp calorie sẽ tạo ra sự khác biệt khá lớn cho sức khỏe của bạn.

Những thay thế đơn giản như sử dụng bơ không calorie, thay kem bằng sữa, chọn các sản phẩm ít chất béo hay không chất béo thay vì chọn các sản phẩm sữa nhiều chất béo, sử dụng nước sốt táo không đường thay vì dùng dầu hoặc bơ để nướng thức ăn.

Tốt nhất, bạn nên tránh dùng thực phẩm dạng chiên, thay vào đó hãy nướng chúng.

Kiểm soát huyết áp và cholesterol - Ảnh minh họa: Shutterstock

Kiểm tra huyết áp và cholesterol

Bệnh nhân tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2 tăng rủi ro cao huyết áp và cholesterol cao.

Nếu hàm lượng cholesterol cao, phải kiểm soát thường xuyên hàm lượng này. Cũng như yêu cầu trên là phải tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, chế độ ăn chất béo bão hòa và không hút thuốc.

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến cáo huyết áp nên duy trì ở mức thấp hơn 130/80mmHg để ngăn ngừa những biến chứng thường đi kèm bệnh tiểu đường.

Bỏ thuốc lá

Nếu đang hút thuốc, hãy bỏ ngay. Hoặc nếu không hút thuốc thì bạn cũng đừng tập thói quen xấu này.

Các biến chứng khi điều trị insulin trên người bệnh đái tháo đường

Các bệnh nhân gặp tình huống dưới đây thường rất sợ chích insulin và nếu bác sĩ không tư vấn kỹ, người bệnh sẽ không tuân thủ điều trị chích insulin...

Thỉnh thoảng khi điều trị cho các bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) đang sử dụng insulin chích, chúng tôi gặp một số thắc mắc của bệnh nhân về nguy cơ gây hạ đường huyết, độ an toàn, tình trạng dị ứng, chỗ tiêm insulin bị lõm xuống.

Hình ảnh loạn dưỡng mỡ (lõm xuống) tại chỗ tiêm insulin

Chỉ định điều trị bằng insulin

- Tất cả các loại insulin đều được dùng để điều trị cho tất cả thể đái tháo đường (ĐTĐ).

- Trong trường hợp cấp cứu, tiền hôn mê, hôn mê do ĐTĐ, hoặc trong tiền sử có hôn mê do tăng glucose máu.

- Người bệnh sút cân nhiều, suy dinh dưỡng có các bệnh nhiễm khuẩn kèm theo.

- Người bệnh có diễn tiến bệnh không ổn định, glucose máu luôn luôn dao động.

- Chuẩn bị và trong thời gian can thiệp phẫu thuật.

- Người bệnh có bệnh lý võng mạc mắt, rối loạn chức năng thận, có men gan cao (ALT > 3 lần chỉ số bình thường), có triệu chứng bệnh lý thần kinh do ĐTĐ, xơ vữa động mạch có biến chứng ở hai chi dưới.

- Người bệnh có thai.

Những biến chứng khi điều trị insulin

Hạ đường huyết: nguyên nhân do dùng quá liều insulin, đặc biệt ở các trường hợp sau: thể ĐTĐ nặng, bệnh diễn tiến không ổn định, khi thay đổi chế độ ăn, những lúc căng thẳng quá mức về thể lực và tình cảm, nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa. Những trường hợp này có thể làm thay đổi tình trạng bệnh nhân trong một thời gian rất ngắn, từ chỗ nồng độ glucose máu rất cao sang tình trạng hạ đường huyết nặng.

Triệu chứng hạ đường huyết: mệt mỏi, run, tăng tiết mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác đói, tê môi, tê đầu lưỡi, nhức đầu, nôn, lơ mơ, hôn mê.

Phòng ngừa: bệnh nhân cần được giải thích kỹ về các triệu chứng hạ đường huyết và phương pháp tự điều trị (ăn kẹo, uống nước đường, uống sữa, ăn cơm) khi có tình trạng này, sau đó đến khám lại bác sĩ điều trị cho mình ngay. Các bác sĩ sẽ điều chỉnh liều insulin cho phù hợp.

Hiện tượng kháng insulin khi điều trị bằng insulin: 
tình trạng tế bào, tổ chức cơ quan cần một lượng insulin cao hơn bình thường để đáp ứng yêu cầu của các tế bào, tổ chức, cơ quan đó. Nguyên nhân kháng insulin trong điều trị là do cơ chế miễn dịch, cơ thể sẽ sinh kháng thể kháng insulin, bình thường nồng độ kháng thể này rất thấp, nhưng có 1/1.000 bệnh nhân ĐTĐ có nồng độ kháng thể cao sẽ kết hợp insulin đưa từ ngoài vào, làm ức chế tác dụng của insulin gây nên tình trạng kháng insulin miễn dịch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người bệnh ĐTĐ có tình trạng kháng insulin, khi phải dùng từ 80 - 125 đơn vị/24 giờ (thể nhẹ), 125 - 200 đơn vị/24 giờ (thể vừa), trên 200 đơn vị/24 giờ (thể nặng).

Phòng ngừa tình trạng kháng insulin: người bệnh cần thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn, chọn insulin thích hợp để điều trị. Khi có tình trạng kháng insulin, các bác sĩ sẽ cho phối hợp insulin và sulphonylurea hoặc biguanid để hạn chế tình trạng này. Ngoài ra còn có phương pháp truyền nhỏ giọt tĩnh mạch insulin từ 20 - 40 đơn vị hoặc sử dụng glucocorticoid. Riêng việc sử dụng glucocorticoid, phải theo dõi sát tác dụng phụ gây tăng đường huyết hay tác dụng phụ khác của glucocorticoid.

Loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm insulin: một trong những biến chứng nặng khi điều trị bằng insulin, hay gặp ở trẻ em cũng như phụ nữ. Thường gặp là teo tổ chức mỡ dưới da chỗ tiêm. Nguyên nhân là có thể là do rối loạn dinh dưỡng thần kinh ở vùng tiêm do kích thích cơ học, lý sinh, nhiệt và do thủ thuật tiêm, hiện nay cũng chưa rõ cơ chế gây ra.

Loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm có thể xuất hiện từ 1 - 6 tháng sau khi tiêm. Tại chỗ tiêm, xuất hiện một vùng da lõm xuống, nặng hơn có thể mất hoàn toàn tổ chức mỡ dưới da ở một diện tích rộng.

Phòng ngừa: do chưa rõ cơ chế, nên cũng chưa có biện pháp điều trị kết quả. Tuy nhiên, khuyến cáo nên luân phiên thay đổ chỗ tiêm và biện pháp chính. Khi có loạn dưỡng mỡ tại chỗ tiêm, có thể điện phân tại chỗ bằng lidase.

Dị ứng với insulin: dị ứng nhanh: xuất hiện 15 - 30 phút sau khi tiêm insulin, tại chỗ tiêm xuất hiện quầng màu hồng nhạt nổi mẩn mày đay.

Dị ứng chậm: xuất hiện sau 1 ngày, có khi lâu hơn với các triệu chứng thâm nhiễm chỗ tiêm.

Sốc phản vệ, nổi mề đay toàn thân ít gặp.

Nếu không có những dị ứng trên, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng như: mệt mỏi, sốt nhẹ, ngứa, đau trong khớp, rối loạn tiêu hóa.

Khi gặp dị ứng insulin, phải ngừng thuốc, thay bằng thuốc khác, cho uống chống dị ứng. Trong trường hợp bắt buộc dùng insulin, các bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ tiến hành giải mẫn cảm bằng insulin liều rất nhỏ rồi tăng dần, nếu giải mẫn cảm không thành công thì phải ngưng thuốc chích hoàn toàn

Việc bác sĩ chỉ định sử dụng insulin cho người bệnh ĐTĐ đều tuân thủ theo phác đồ điều trị ĐTĐ cũng như những chỉ định đúng của việc sử dụng insulin. Khi chỉ định insulin chích cho người bệnh, bác sĩ sẽ giải thích lợi ích, cách tiêm, cách bảo quản thuốc, những biến chứng của insulin, nhằm giúp người bệnh an tâm điều trị và không bỏ thuốc.

Hiểu đúng về bướu cổ

“Bướu cổ” chỉ triệu chứng chứ không phải một bệnh cụ thể. Đó là hiện tượng to ra của tuyến giáp do nhiều loại bệnh, gọi nôm na là bệnh bướu cổ hay bướu giáp.

Có thể tự nhận biết bị bướu cổ
Bướu cổ là triệu chứng đại diện cho rất nhiều loại bệnh của tuyến giáp (phình giáp đơn, phình giáp có rối loạn nội tiết, u tuyến giáp) nên bệnh nhân cần được định bệnh chính xác bằng cách khám chuyên khoa và làm các biện pháp cận lâm sàng thích hợp. Siêu âm tuyến giáp và xét nghiệm FT4 và TSH trong máu là cận lâm sàng thông dụng nhất và khá hữu ích trong định bệnh. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp điện toán (CT scan), xạ hình tuyến giáp, chọc hút tế bào...
Bệnh nhân có thể nhận biết mình bị bướu cổ hay không qua một số biểu hiện: luôn có cảm giác bị đau hoặc ứ đầy ở vùng cổ họng; cơ thể đổ mồ hôi nhiều, khó thở, giảm cân bất chợt, giảm sút trí nhớ, khó nuốt, hay mệt mỏi. Nếu kèm theo bướu sưng to trong cổ, giọng nói trở nên khàn đặc, bướu phát triển nhanh... thì ngay lập tức đến bệnh viện vì đó rất có thể là bướu độc.
Cho đến giờ, thiếu muối iốt là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh bướu cổ, do iốt là yếu tố quan trọng cho việc sản xuất hormone tuyến giáp. Khi tuyến giáp trạng không nhận được đầy đủ hàm lượng iốt, sẽ tạo kích thích tố giáp trạng, làm cho sự bài tiết bị sụt giảm. Lúc đó, tuyến giáp trạng phải tăng thêm kích thước để sản xuất hormone, sưng to, tạo thành bướu cổ. Tuy nhiên, việc khuyến khích người dân dùng muối iốt đại trà để phòng bệnh bướu cổ chỉ đúng trong chừng mực nào đó (như ở các cộng đồng thiếu iốt), lại nguy hiểm cho các bệnh nhân cường giáp vì bệnh nhân này dùng muối iốt thì giống như... đổ dầu vào lửa.
Trong thời kỳ mang thai và cho con bú, phụ nữ cũng dễ bị bướu cổ do thường xuyên bị kích thích thần kinh. Bên cạnh đó, một số thuốc điều trị các bệnh về rối loạn thể chất, điều trị tim mạch cũng có thể gây bướu cổ hoặc thúc đẩy bướu phát triển nhanh hơn.
  
 
Nhiều bước tiến trong điều trị
 
Để điều trị bướu cổ, cần cả hai lĩnh vực: nội khoa do các chuyên gia nội tiết đảm nhiệm, ngoại khoa do các chuyên gia ngoại tổng quát đảm nhiệm. Việc hội chẩn giữa các nhà nội khoa và ngoại khoa là rất cần thiết trong chọn lựa chỉ định điều trị phù hợp nhất cho từng trường hợp. Với các loại phình giáp đơn và không có nhân, đa số đều đáp ứng tốt với điều trị nội khoa (dùng thuốc).
 
Trường hợp phình giáp đơn có nhân hay đa nhân, cần tham khảo thêm ý kiến của các nhà phẫu thuật, đặc biệt lưu ý đến khả năng u ác tính. Trường hợp phình giáp, cường giáp lúc nào cũng khởi đầu bằng điều trị nội khoa. Tuỳ đáp ứng với điều trị nội và khả năng tái phát sau điều trị nội mà bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ hội chẩn với bác sĩ phẫu thuật về chỉ định mổ.
 
Trường hợp u tuyến giáp, đặc biệt có những yếu tố nghi ngờ ác tính (u cứng, có dấu hiệu cảnh báo trên chẩn đoán hình ảnh) hoặc tìm thấy tế bào ác tính trên mẫu chọc hút tế bào thì nhất thiết phải được điều trị bởi các nhà phẫu thuật và ung thư học.
Để phòng ngừa bướu cổ
Việc phòng ngừa bướu cổ hiện nay chủ yếu dựa vào bổ sung đầy đủ lượng iốt trong khẩu phần ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, với những bệnh nhân đã mắc bệnh bướu cường giáp thì tuyệt đối không nên dùng thức ăn chứa iốt. Cũng cần lưu ý không dùng quá nhiều thực phẩm chứa chất flavon: chất này khi hấp thụ vào đường ruột sẽ bị vi khuẩn phân giải thành các loại axít ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
Tuỳ theo bệnh lý, phẫu thuật bướu cổ có thể thực hiện theo nhiều cách: lấy trọn một nhân đơn độc, các bán phần một thuỳ hoặc hai thuỳ tuyến giáp, cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo vét hạch cổ… Phẫu thuật mở kinh điển đi qua một đường mổ dài 6 – 10cm ngang trước cổ để tiến vào khối bướu của tuyến giáp, bác sĩ thực hiện các thao tác phẫu thuật cắt bướu và kiểm soát cầm máu.
 
Các phương tiện đốt điện cao tần, dao cắt đốt siêu âm có thể sử dụng để hỗ trợ phẫu thuật thuận lợi hơn. Phẫu thuật nội soi đi qua ba vết rạch nhỏ 0,5 – 1cm ở vùng ngực – nách, những vị trí có thể che giấu sẹo, bác sĩ phẫu thuật thực hiện thao tác cắt tuyến giáp và cầm máu bằng dao siêu âm dưới quan sát camera có hình ảnh sắc nét và phóng đại nhiều lần.
 
Hiện đã có nhiều bước tiến trong phẫu thuật tuyến giáp nhờ tiến bộ của thiết bị hỗ trợ phẫu thuật như đốt điện cao tần, dao cắt đốt siêu âm, thiết bị phẫu thuật nội soi… Phẫu thuật nội soi nói chung có nhiều ưu điểm như: ít chấn thương; ít mất máu; ít đau sau mổ, tiêu hoá, vận động, và sức khoẻ chung đều hồi phục sớm hơn; giảm thời gian và theo đó giảm chi phí nằm viện, ít biến chứng nhiễm trùng vết mổ, sẹo mổ đẹp hoặc không sẹo.
 
Riêng trong điều trị bướu cổ, ưu điểm nổi bật của nội soi là có thể nhận dạng rõ các cấu trúc quan trọng nhờ hệ thống hình ảnh sắc nét và phóng đại nên giảm nguy cơ tổn thương thần kinh gây mất tiếng nói, tổn thương tuyến cận giáp gây co quắp tay chân do hạ canxi.
 
Do sẹo nhỏ nên ít đau, hồi phục nhanh, không cần dùng kháng sinh, nằm viện ngắn (hai ngày). Chi phí phẫu thuật có cao hơn mổ mở khoảng vài triệu đồng nhưng giảm chi phí thuốc men và nằm viện, nên tổng chi phí cũng không chênh lệch nhiều.
 
Ngoài ra, còn ưu điểm về mặt thẩm mỹ: mổ mở sẽ để lại vết sẹo lớn ngang trước cổ, trong khi mổ nội soi chỉ để lại các vết sẹo rất nhỏ ở những nơi khó nhận thấy, và gần như sẹo sẽ biến mất theo thời gian. Phẫu thuật nội soi có thể chỉ định cho trường hợp phình giáp đơn, cường giáp, các u lành, ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm. Tuy nhiên, phẫu thuật nội soi chỉ thực hiện được khi bướu không quá to (4 – 6 cm, tuỳ kinh nghiệm của phẫu thuật viên).

Đái tháo đường vì... bỏ bữa sáng

Nếu muốn giảm nguy cơ mắc ĐTĐ tuýp 2 các quý ông nên ăn sáng đầy đủ. Bởi bỏ bữa sáng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ ở nam giới tới 20%.

Một kết luận mới đây của các nhà nghiên cứu ĐH Y tế Cộng đồng (thuộc ĐH Harvard, Mỹ) khi họ thực hiện khảo sát gồm 30.000 nam giới trong suốt 16 năm. Các đối tượng khi bắt đầu tham gia nghiên cứu đều không mắc ĐTĐ. 

Tuy nhiên, sau 16 năm, nhóm nam giới hầu như không ăn sáng có nguy cơ mắc ĐTĐ cao hơn 21% so với nhóm ăn sáng đầy đủ. Ở nhóm nam giới chỉ ăn 1-2 bữa/ngày, nguy cơ ĐTĐ cao hơn 25% so với nhóm ăn đủ 3 bữa/ngày. Điều này cho thấy, nam giới dù không bị béo phì và có chế độ ăn uống lành mạnh vẫn có nguy cơ mắc ĐTĐ nếu bỏ bữa sáng.


Theo các nhà khoa học, có hai lý do làm tăng đường trong máu của những người đàn ông bỏ bữa sáng:

• Bữa ăn sáng giúp làm giảm mức độ lipoprotein mật độ thấp, cholesterol xấu (LDL) một trong những nguyên nhân chịu trách nhiệm trong việc làm tắc nghễn động mạch quanh tim và liên quan đến bệnh ĐTĐ.

• Bữa ăn sáng điều độ giúp cơ thể nhận được sự trao đổi chất có thể khuyến khích sự phân hủy cholesterol xấu như lipoprotein mật độ thấp.

Mặc dù nghiên cứu này chỉ được thực hiện trên nam giới, nhưng các nhà khoa học tinrằng một liên kết tương tự cũng có thể được tìm thấy giữa việc phụ nữ bỏ bữa ăn sáng và phát triển bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, vì đàn ông dễ bị ĐTĐ tuýp 2 hơn phụ nữ, bởi họ có xu hướng lưu trữ chất béo xung quanh các cơ quan quan trọng trong cơ thể (không giống như phụ nữ, chất béo được lưu trữ trong các bộ phận như bắp đùi). Bởi vậy nếu có nghiên cứu về chế độ ăn uống của phụ nữ với bệnh ĐTĐ có thể cung cấp kết luận khác so với đàn ông.

Trước đó trong nghiên cứu được công bố trong tạp chí Qmerican Jounal of Clinical Nutrition, các nhà nghiên cứu Úc đã phát hiện ra rằng, bỏ qua bữa ăn sáng gây ra sự giảm đột ngột lượng đường trong máu, và tạo ra cảm giác thèm đồ ngọt. Việc giải tỏa cơn thèm sau đó gây ra một sự tăng đột ngột lượng đường trong máu và kích thích sản sinh insulin quá mức, gây ra bệnh ĐTĐ.

Người Việt Nam thường có thói quen xem nhẹ bữa ăn sáng thường bỏ qua và nhịn cho đến bữa trưa luôn. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến nguy cơ mắc ĐTĐ tăng cao. Hãy duy trì lượng đường bình thường trong máu bằng cách bắt đầu bữa ăn đầu tiên trong ngày giống như thiết lập một giai điệu tốt đẹp cho phần còn lại của mỗi ngày. Và điều quan trọng nữa là có bữa ăn sáng cân bằng thích hợp giữa protein, chất béo và carbohydrate.

Người ĐTĐ nên chia nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Có thể ăn 3 bữa chính và 1-3 bữa phụ, sao cho phù hợp với chế độ sinh hoạt và các loại thuốc đang dùng. Đừng bao giờ bỏ bữa ăn, dù có bận bịu hay mệt mỏi cũng nên ăn một ít thức ăn thay thế vào giờ những bữa ăn hàng ngày.

Người bị tiểu đường mắc thiên đầu thống cao gấp 1,4 lần

Bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ bị thiên đầu thống cao gấp 1,4 lần người bình thường. Nguy cơ này sẽ tăng lên ở những bệnh nhân tuổi cao và có thời gian bị bệnh dài.

Bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) thường gặp có nguy cơ gặp các bệnh về mắt cao hơn người bình thường từ 1,5 - 1,8 lần. Những biến chứng mắt do đái tháo đường (ĐTĐ) gồm những biến chứng như đục thủy tinh thể, thiên đầu thống, bệnh võng mạc... Để điều trị thiên đầu thống cần phải phẫu thuật làm giảm áp lực trong mắt.
Để phòng ngừa biến chứng về mắt nói chung và thiên đầu thống mắt thì quan trọng nhất là luôn luôn giữ đường máu của bạn trong vùng an toàn.
 
Người bệnh cần khống chế huyết áp của bạn thường xuyên ở mức < 130/80mmHg. Đặc biệt, bạn cần đi khám bác sĩ mắt thường xuyên, ít nhất là 1 lần mỗi năm. Nếu có những dấu hiệu như nhìn mờ, khó đọc sánh báo, nhìn đôi, đau một hoặc cả hai bên mắt, mắt đỏ hoặc căng tức, nhìn có hình ảnh ruồi bay... thì cần kiểm tra tại các bác sĩ chuyên khoa mắt sớm

Chăm sóc chân bệnh nhân tiểu đường ngày hè

Dưới đây là những mẹo nhỏ bảo vệ chân ngày hè cho các bệnh nhân tiểu đường được Hiệp hội tiểu đường Mỹ cung cấp.
 
Duy trì mức glucose thích hợp
Theo ADA, nên cố gắng duy trì hàm lượng đường trong máu ở mức 70-130mg/dl trước bữa ăn và ít nhất 180mg/dL 2 giờ sau khi ăn xong với mức hemoglobin A1C ít hơn 7%.
Để duy trì ở mức độ này, bạn nên tập thể dục thường xuyên, điều độ. Lưu ý đến chế độ ăn uống hợp lý, loại thực phẩm nên tiêu thụ, uống thuốc theo yêu cầu của bác sỹ… Nên tham khảo ý kiến các chuyên gia dinh dưỡng và bác sỹ chuyên khoa để có chế độ ăn thích hợp theo nhu cầu cá nhân và lối sống. 
Không được đi chân trần 
 
Khi đi dạo trên biển, vỏ sò, mảnh kính hay các mãnh vỡ có thể đâm vào da và gây ra viêm nhiễm nguy hiểm. Đi bộ bằng chân trần trên vỉa hè có thể dẫn đến cháy da và nhiễm trùng. 
 
Mua giày dép đúng loại 
 
Giày dép nên đi loại kích cỡ phù hợp. Giày dép quá rộng hay quá bé có thể gây ra mụn nước hoặc vết chai. Chân của người già thường thay đổi kích cỡ 4 hoặc 5 lần trong đời, và sự thay đổi về cân nặng, thời tiết và dòng máu lưu thông lém cũng có thể làm thay đổi kích cỡ và hình dáng bàn chân. Do vậy, cần đi chính xác kích cỡ chân để mua loại dép phù hợp. 
 
Rửa sạch và kiểm tra chân hằng ngày 
 
Kiểm tra chân mỗi ngày trước khi xỏ giày và sau khi tháo bỏ. Sử dụng gương phóng để nhìn dưới bàn chân nếu không nhìn rõ. Kiểm tra giữa các ngón chân và gót chân. Trước khi đi giày, kiểm tra xem có mảnh vỡ nào bên trong giày có thể gây trầy xước da hay không. Thậm chí những hạt cát bé đều có thể dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm. 
 
Sử dụng kem dưỡng da để giữ làn da mịn màng 
 
Thoa lớp mỏng kem dưỡng lên đỉnh và lòng bàn chân, tránh bôi vào kẽ chân. 
 
Cắt móng chân cẩn thận 
Cắt thẳng và tỉa các cạnh cẩn thận. 
 
Gặp bác sỹ thường xuyên
 
Trong cả mùa hè, chân của bạn có thể bị nguy cơ nhiễm trùng nấm do thời tiết nóng và độ ẩm tăng. Bàn chân cũng có thể bị vết chai do thay đổi kích cỡ dày dép mùa hè. Các bác sỹ chuyên khoa chân sẽ giúp chăm sóc tốt bàn chân, tránh những vết xước nhiễm trùng nhỏ và không gây ra biến chứng nguy hiểm.

Phụ nữ đái tháo đường ít khoái cảm tình dục

Khảo sát mới đây của các nhà khoa học Mỹ tại Đại học California cho thấy phụ nữ trung niên và cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường thường ít có khoái cảm trong tình dục.

Cuộc khảo sát tiến hành với 2.300 phụ nữ trên 40 tuổi bị bệnh đái tháo đường đã phát hiện rằng hầu hết họ vẫn quan tâm đến sinh hoạt tình dục nhưng ít có khoái cảm hơn so với phụ nữ lành mạnh. 
Trong số này, khoảng 40% phụ nữ không được chữa trị bằng insulin cho biết họ ít đạt khoái cảm, trong khi nhóm có dùng thuốc insulin thì khoái cảm chỉ đạt chưa bằng một nửa so với phụ nữ bình thường.
Ảnh minh họa của dlcerama.fr
Ảnh minh họa của dlcerama.fr
 
Số phụ nữ bị đái tháo đường có chữa trị bằng insulin gặp khó khăn về độ trơn khi quan hệ tình dục cao gấp đôi so với phụ nữ bình thường và có đến 80% phụ nữ đái tháo đường cho biết họ khó khăn để đạt cực khoái. Gần 64% người dùng insulin xác nhận từng quan hệ tình dục trong 3 tháng qua.
 
Bệnh đái tháo đường lâu nay đã được xác nhận là yếu tố nguy cơ gây rối loạn cương dương cho nam giới. Lần này, các nhà khoa học khảo sát số liệu về ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đối với chức năng tình dục ở nữ giới. Họ khuyến cáo thầy thuốc nên xem xét những rắc rối về tình dục ở những phụ nữ bị đái tháo đường, nhất là những bệnh nhân được chữa trị bằng insulin.

Trong khảo sát này, các nhà khoa học không phân biệt dạng đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 nhưng có vẻ như hầu hết là đái tháo đường tuýp 2, căn cứ vào độ tuổi bệnh nhân. 
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Obstetrics và Gynecology, phát hành vào tháng 8. 

Biến chứng của đái tháo đường

Giảm thị lực, tàn phế do cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não, tim mạch… là những nguy hiểm mà người bệnh phải đối mặt nếu không có các biện pháp phòng tránh.

Số người mắc đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Nếu năm 2010 trên thế giới có 285 triệu người và thì năm 2030 con số này sẽ tăng lên 438 triệu. Trong đó, 80% người bệnh đang sống ở các nước đang phát triển do sự gia tăng nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động và sự đô thị hóa. Người bệnh đái tháo đường cần lưu ý nếu bệnh không được điều trị tốt sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…

 
Tim mạch là một trong những biến chứng thường thấy của bệnh đái tháo đường
Kiểm soát tốt đường huyết (bao gồm đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn) có vai trò quan trọng trong phòng ngừa biến chứng. Nghiên cứu cho thấy nếu đường huyết ổn định trong thời gian trung bình 8 năm sẽ giảm được 30% biến chứng mạch máu nhỏ (biến chứng mắt, thận và thần kinh ngoại biên) và 15% biến chứng mạch máu lớn (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và viêm tắc động mạch chi dưới).
Ở người đái tháo đường, biến chứng tim mạch cao hơn 3-5 lần so với người bình thường. Đây là những biến chứng đe dọa tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, đột quỵ. Để ngăn ngừa các biến chứng tim mạch, ngoài kiểm soát đường huyết, người bệnhcần điều trị các yếu tố nguy cơ như mỡ máu, huyết áp và kiểm soát cân nặng ở người quá cân, béo phì.
Kiểm soát cân nặng hợp lý ở người đái tháo đường bị quá cân, béo phì có vai trò rất quan trọng. Người béo phì, đặc biệt béo bụng là nguyên nhân chủ yếu gây kháng insulin, mỡ máu cao còn gây độc làm chết tế bào bê ta của tụy và làm suy giảm chức năng tiết insulin của tụy.
Người béo phì có rối loạn mỡ máu, cao huyết áp… tăng nguy cơ bị dái tháo đường typ 2 từ 2 đến 5 lần so với cộng đồng. Trên thế giới, khoảng 70-80% người bị đái tháo đường typ 2 là người béo phì. Người đái tháo đường béo phì ngoài việc khó khăn trong kiểm soát đường huyết (do kháng insulin) còn làm tăng nguy cơ bi các bệnh khác như tim mạch, tổn thương các khớp (đặc biệt khớp gối), rối loạn hô hấp do sự thâm nhiễm mỡ các cơ hô hấp… Do vậy, điều trị hiệu quả bệnh đái tháo đường týp 2, người đái tháo đường béo phì cần phải giảm cân, béo bụng.
Điều trị tiểu đường là sự kết hợp chặt chẽ giữa chế độ dinh dưỡng, tập luyện và thuốc; trong đó chế độ dinh dưỡng là nền tảng của điều trị. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp người bệnh kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu, huyết áp và giảm cân ở những người bệnh béo phì.
Chế độ dinh dưỡng tăng cường sử dụng các loại thực phẩm ít gây tăng đường huyết, co nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả tươi không ngọt, các sản phẩm họ đậu… giúp hạ đường huyết, giảm rối loạn mỡ máu và insulin sau ăn. Chế độ ăn nhiều chất xơ còn làm tăng cảm giác no của dạ dày, giảm năng lượng đưa vào cơ thể nên giúp cho người bệnh béo phì giảm cân.
Thực phẩm có hệ thống phóng thích chậm với sự hiện diện của hệ thống đường đặc biệt với sucromalt, fibersol, chromium picolinate, không gây tăng đột biến chỉ số đường huyết. Đồng thời, người bệnh vẫn được cung cấp đủ năng lượng thiết yếu. Chế độ ăn hạn chế chất béo, nội tạng động vật (nhiều cholesterol) và tăng cường các axít béo không no có trong dầu thực vật, mỡ cá như MUFA, Omega 3… làm hạn chế quá trình xơ vữa mạch, có tác dụng phòng và điệu trị bệnh lý tim mạch, hạn chế sự tăng cân.
Dinh dưỡng điều trị luôn có vai trò quan trọng trong điều trị tiểu đường, có tác dụng phòng ngừa biến chứng và nếu biến chứng đã xuất hiện thì dinh dưỡng đúng sẽ giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Nguyên nhân hạ đường huyết

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đường huyết bị hạ thấp: bị lả do đói; người ốm nặng, lâu ngày không ăn được; mắc các bệnh ung thư, bệnh đường ruột, bệnh gan, bệnh nội tiết... Những bệnh nhân bị u tụy tạng có triệu chứng rất nặng, thường xảy ra cơn hôn mê, co giật. Bệnh nhân phải ăn luôn miệng nên bị chứng béo phì. Bệnh của một số tuyến nội tiết khác như giảm năng thùy trước tuyến yên, giảm năng tuyến thượng thận.  Do tăng insulin đột ngột: ở người sau cắt dạ dày (hội chứng Dumping), sau gắng sức, sau cho con bú.  
 Ảnh minh họa (nguồn Internet) 
Người đang điều trị bệnh tiểu đường, bị hạ đường huyết xuất hiện 1-2 giờ sau khi tiêm insulin.  Các trường hợp không biết được nguyên nhân (chiếm khoảng 70%), triệu chứng thường nhẹ. 

Chọn thức ăn cho bệnh nhân tiểu đường: Xanh ăn, đỏ bỏ

Bệnh nhân tiểu đường có thể dựa vào bảng màu phân loại thực phẩm do các nhà dinh dưỡng thiết kế để chọn thức ăn tốt với bệnh của mình.

Đồng thời cần dựa vào chỉ số đường huyết của thức ăn mà lựa chọn loại phù hợp cho mỗi bệnh nhân.
Theo bảng màu phân loại thực phẩm để chọn thức ăn
Các chuyên gia về dinh dưỡng đã dùng ba màu cơ bản: xanh, vàng và đỏ để phân loại thực phẩm, giúp bệnh nhân tiểu đường dễ lựa chọn thức ăn.
Bảng màu xanh là các loại thức ăn tốt cho bệnh nhân tiểu đường, gồm các loại thức ăn sau đây: các loại bánh mỳ không trộn phụ gia; gạo và các chế phẩm như mỳ, bún, phở, bánh cuốn, bánh đa…; sữa nhạt đã loại bớt chất béo, sữa chua, pho mát không bơ; lòng trắng trứng gà, vịt, ngan ngỗng, chim cút...; các loại thịt nạc: lợn, bò, bê, gà, chim... nên hạn chế dùng thịt ngan, vịt vì thủy cầm thường nhiều mỡ; các loại cá nước ngọt, nước mặn và thủy hải sản.
Bảng màu vàng là thức ăn chỉ nên ăn ít, cần hạn chế: bánh mỳ trắng, bánh mỳ ngọt, khoai tây; bánh bột gạo ngọt có nhân hoa quả; bơ thực vật; các loại nước hoa quả đậm đặc; dầu thực vật; các loại rau quả đóng hộp; các loại nước uống, nước khoáng có đường.
Bảng màu đỏ là thức ăn cần phải kiêng gồm: tất cả các loại đường ngọt; các loại bánh, kẹo, sản phẩm có đường ngọt; các loại trái cây ngọt sấy khô, ngâm đường; bơ, mỡ động vật; lòng đỏ trứng gà, vịt, chim cút...; các loại cá nhiều mỡ như cá tra, ba sa, cá dầu; các loại thức uống có cồn...

 Kẹo thuộc bảng màu đỏ - người tiểu đường không nên ăn
Chọn thức ăn theo phân loại chỉ số đường huyết
 
Tùy theo loại thức ăn mà khả năng làm tăng đường huyết nhanh hay chậm có khác nhau. Đánh giá khả năng làm tăng đường huyết của một loại thực phẩm người ta dùng khái niệm chỉ số đường máu (glycemic index- GI). Theo đó, loại thức ăn nào có chỉ số GI càng cao, nghĩa là thức ăn đó được tiêu hóa, hấp thu nhanh và làm tăng đường huyết càng nhanh. Trái lại, thực phẩm có GI thấp sẽ được hấp thu chậm và làm tăng đường huyết chậm. Như vậy, bệnh nhân tiểu đường cần ăn thực phẩm có GI càng thấp càng tốt. Nếu lấy đường glucose với GI chuẩn là 100, các nhà dinh dưỡng xếp một số thức ăn dựa theo chỉ số đường huyết GI thành ba nhóm như sau:
Nhóm thức ăn có GI ≤ 55, chỉ số đường thấp, gồm một số thức ăn sau: nước táo (không pha đường), đậu trắng, đậu nành, lạc (đậu phộng), cà rốt, đường fructose, có nhiều trong trái cây chín, ít ngọt như: nho, táo, bưởi, xoài, đu đủ…
Nhóm thức ăn có GI từ 56-69, chỉ số đường trung bình gồm: khoai tây nướng, bánh nướng, dứa chín (thơm), mỳ sợi, cam, sữa chua…
Nhóm thức ăn có GI ≥ 70, chỉ số đường cao: kẹo mạch nha, mật ong, nước mía, chuối, bánh quy ngọt, bánh bột gạo trắng, bánh mỳ trắng…   

 Theo ThS.Phạm Phương Hồng - Sức khỏe & Đời sống

Biến chứng hạ đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường: Nguy hiểm!

Hạ ĐM là khi nồng độ đường glucose trong máu giảm xuống quá thấp < 4mmol/l không đủ cho cơ thể hoạt động.

Đường glucose là nguồn năng lượng chính cho hoạt động của cơ thể, nó được sản xuất từ các loại thức ăn có nhiều carbonhydrate như gạo, bánh mỳ, khoai tây, sữa và một số loại hoa quả ngọt, bánh kẹo... Trong một số trường hợp, cơ thể có khả năng sản xuất glucose từ chất mỡ.
Hạ ĐM là khi nồng độ đường glucose trong máu giảm xuống quá thấp < 4mmol/l không đủ cho cơ thể hoạt động. Hạ ĐM hiếm gặp ở những người bình thường nhưng khá phổ biến ở những bệnh nhân ĐTĐ, chủ yếu là do biến chứng của điều trị.

Sự nguy hiểm của hạ ĐM
Khi bị hạ ĐM, các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Đặc biệt là não và hồng cầu là hai cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose. Vì thế, hạ ĐM nặng hoặc kéo dài có thể gây tổn thương não nặng, thậm chí gây tử vong. Do vậy, việc phát hiện và điều trị hạ ĐM phải càng nhanh càng tốt.
Tổn thương não do hạ đường máu
Triệu chứng của hạ ĐM
- Triệu chứng của một người bị hạ ĐM cũng gần giống như khi ta bị đói vậy nhưng nặng hơn nhiều.
Giai đoạn đầu, bệnh nhân có cảm giác đói, vã mồ hôi, run chân tay, hồi hộp đánh trống ngực và lo sợ... Đa số các bệnh nhân bị hạ ĐM nhận biết và tự điều trị ở giai đoạn này.
Giai đoạn sau, lúc này nổi bật là các triệu chứng của thiếu glucose cho não, bệnh nhân có cảm giác yếu, mệt, đau đầu, nhìn mờ và lơ mơ.
Giai đoạn cuối, một số ít bệnh nhân sẽ đi vào hôn mê, có thể bị co giật.
Đối với bệnh nhân đã có nhiều biến chứng và bị hạ ĐM nhiều lần thì các triệu chứng trên rất mờ nhạt, thậm chí có thể không có bất cứ triệu chứng nào.
Hạ ĐM ở bệnh nhân ĐTĐ
Những bệnh nhân ĐTĐ có thể bị hạ ĐM khi sử dụng các thuốc để điều trị tăng ĐM. Hạ ĐM thường xảy ra trong những trường hợp sau:
- Ăn quá ít, bỏ bữa ăn hoặc ăn chậm sau khi uống/tiêm thuốc điều trị ĐTĐ.
- Uống/tiêm liều quá cao các thuốc điều trị ĐTĐ.
- Tập luyện hoặc lao động quá nặng, quá lâu so với bình thường.
Cần lưu ý một số nguyên nhân gây hạ ĐM ít được để ý như:
- Một số thuốc có tương tác, làm tăng tác dụng của các thuốc điều trị ĐTĐ, gây hạ ĐM như các thuốc chống viêm giảm đau mobic, voltaren, aspirin... một số thuốc điều trị nấm hoặc kháng sinh như biseptol...
- Uống rượu quá nhiều sẽ ức chế gan sản sinh glucose từ glucogen.
- Bị các bệnh gan, thận, tim nặng hoặc bị bệnh viêm nhiễm nặng. Ví dụ, các bệnh nhân vừa bị ĐTĐ, vừa bị suy giáp hoặc suy thượng thận thì rất dễ bị hạ ĐM.
 (Theo Sức khỏe & Đời sống)

Cái chết không báo trước ở người bệnh tiểu đường

Đái tháo đường vốn được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó âm thầm phá huỷ hàng loạt các bộ phận trên cơ thể người bệnh như tim mạch, thận, mắt, chân tay…

Tuy nhiên nó cũng có thể dẫn tới những cái chết không báo trước nếu biến chứng là đột quỵ (tai biến mạch máu não) hay nhồi máu cơ tim.
60% bệnh nhân đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch
Dưới sự chủ trì của BS. Lâm Đình Phúc và PGS.TS. Đỗ Trung Quân, ngày 30/06 vừa qua, CLB người mắc bệnh Đái tháo đường Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt quý 2/2012 với chủ đề “Tổn thương mạch máu và thần kinh ở người đái tháo đường”.
Theo các chuyên gia, có tới 60% bệnh nhân đái tháo đường tử vong do nguyên nhân tim mạch. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ (tai biến mạch máu não) lên 1,8 đến 2 lần, làm nguy cơ tử vong tăng lên 6 lần ở người có thêm bệnh mạch vành. Thời gian mắc tiểu đường càng lâu, nguy cơ bị tai biến càng cao.
Huyết khối (cục máu đông) là một trong những nguyên nhân dẫn đến
đột quỵ - nhồi máu cơ tim
 
Vì sao bệnh đái tháo đường lại dẫn đến những tai biến này? Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường đều có tăng huyết áp. Thêm vào đó, đái tháo đường làm phá huỷ toàn bộ hệ thống mạch máu của cơ thể. Nó làm giảm quá trình tổng hợp PGI2 (yếu tố giãn mạch) khiến mạch máu bị co hẹp, đồng thời gây ra các rối loạn chuyển hoá như làm tăng triglyceride, tăng LDL (tăng mỡ máu), giảm HDL, làm đẩy nhanh tiến trình xơ vữa động mạch.
 
Mạch máu bị tổn thương cũng dẫn đến sự hình thành huyết khối (cục máu đông) trong lòng mạch, làm cho mạch máu bị tắc, máu không thể lưu thông. Nếu động mạch vành (mạch máu nuôi tim) bị tắc sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, mạch máu não bị tắc sẽ gây ra nhồi máu não (tai biến mạch máu não). Đó chính là nguyên nhân khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều tai biến tim mạch. Trong đó tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim là hai biến chứng nguy hiểm nhất, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở người tiểu đường.
Hãy phòng bệnh ngay hôm nay
Các chuyên gia cho biết, bản thân bệnh đái tháo đường đã là một yếu tố nguy cơ cao khiến người bệnh có thể bị đột quỵ hay nhồi máu cơ tim bất cứ lúc nào. Vì vậy phải phòng bệnh càng sớm càng tốt.
Ngoài việc thay đổi lối sống và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như huyết áp, đường huyết, HbA1c, cholesterol (mỡ máu)... một việc làm hết sức quan trọng, đó là phải ngăn ngừa được huyết khối (cục máu đông).
 
Hiện nay, các thuốc chống huyết khối như aspirin, clopidogrel… mới chỉ được dùng trong điều trị và phòng bệnh cấp 2 (ngăng ngừa tái phát ở người đã bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim), chứ chưa được sử dụng lâu dài trong phòng bệnh cấp 1 (phòng ngừa để không bị mắc bệnh), vì nhóm thuốc này có nguy cơ gây xuất huyết tiêu hoá (chảy máu dạ dày – tá tràng).

Cẩn thận với hạ đường huyết trên bệnh nhân Đái tháo đường

Do đường huyết tăng cao, bệnh nhân Đái tháo đường thường phải dùng nhiều loại thuốc để hạ chỉ số này.

Và khi sự phối hợp các thuốc không hợp lý hay ăn uống kiêng khem quá mức bệnh nhân rất dễ bị hạ đường huyết, có thể đột ngột đi vào hôn mê.

Hạ đường máu rất dễ xảy ra
Bác Thạnh (Thạch Thất, Hà Tây) bị ĐTĐ một năm nay. Ban đầu mức đường máu của bác là 15mmol/l sau khi đi điều trị ở bệnh viện về, hiện tại bác vẫn tiếp tục uống thuốc như của bệnh viện kê, tuy nhiên dạo gần đây bác liên tục bị những cơn chóng mặt, run rẩy, toát mồ hôi…
Những triệu chứng này thuyên giảm đi khi bác ăn một miếng bánh hay uống một cốc sữa đậu nành. Bác đã được tư vấn giảm dần liều thuốc tuy nhiên hiện tượng này vẫn tiếp diễn khiến bác và gia đình hết sức lo lắng.
Bởi khi bị hạ đường huyết, các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Đặc biệt là não và hồng cầu là hai cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose. Vì thế hạ đường huyết kéo dài có thể gây tổn thương não, thậm chí hôn mê gây tử vong.
Khắc phục cách nào?
Hiểu rõ được nguyên nhân cũng có nghĩa là sẽ tìm ra cách khắc phục phù hợp.
Cụ thể, hạ đường huyết thường xảy ra trong những trường hợp sau:
-  Ăn quá ít, bỏ bữa ăn hoặc ăn chậm sau khi uống hoặc tiêm thuốc điều trị đái táo đường. Uống hoặc tiêm liều quá cao các thuốc tây điều trị ĐTĐ.
- Tập luyện hoặc lao động quá nặng, quá lâu so với bình thường.
-Hay do một số tương tác của các nhóm thuốc bệnh nhân dùng để điều trị các bệnh khác như các thuốc chống viêm giảmđau, một số thuốc điều trị nấm hoặc kháng sinh.
- Ngoài ra uống rượu quá nhiều sẽ ức chế gan tổng hợp glucose từ glucogen. Nếu bệnh nhân bị các bệnh gan, thận, tim nặng hoặc bị bệnh viêm nhiễm nặng, ví dụ như bị suy giáp hoặc suy thượng thận thì rất dễ bị hạ đường huyết.

Phòng ngừa biến chứng loét bàn chân và tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ

Bệnh nhân ĐTĐ cần cẩn thận khi sử dụng thuốc và phải tái khám theo chỉ định của bác sĩ, tránh sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

ĐTĐ thường gây biến chứng loét bàn chân và tim mạch. Các biến chứng này khá nặng nề, làm giảm chất lượng sống, thậm chí có thể dẫn đến tử vong ở người bệnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong và tàn phế đối với bệnh nhân ĐTĐ, trong đó, loét bàn chân là biến chứng mạn tính thường gặp, nguy hiểm vì dẫn đến phải đoạn chi và tử vong khi bệnh ở giai đoạn nặng. Vậy nhưng, có thể phòng ngừa được bằng cách kiểm tra bàn chân hàng ngày.
 
Nên tập thói quen này với ít nhất 1 lần trong ngày. Các vết nứt trên da, các vết phồng rộp, vết thâm, các nốt chai sần và những chỗ đau trên da đều cần được quan sát kỹ ở bệnh nhân ĐTĐ nhằm điều trị sớm. Nên cắt móng chân mỗi tuần hoặc khi thấy dài, nhưng không lấy khóe, tránh làm trầy xước các ngón chân.
 
Luôn giữ chân ở tư thế ngang khi ngồi, không đi tất chân, giày dép chật, không nên để chân không ngay cả khi ở nhà. Tập cử động các ngón chân trong khoảng 5 đến 10 phút và tập vài lần mỗi ngày. Đi bộ, bơi lội, đạp xe là những bài tập thể dục tốt để bàn chân vận động, lưu thông mạch máu. Luôn giữ sạch chân với nước ấm và xà bông trung tính. Tuy nhiên, không nên ngâm chân trong nước quá nóng (trên 37 độ C) hoặc ngâm quá lâu.
 
Riêng đối với biến chứng tim mạch, thống kê cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân ĐTĐ tử vong do biến chứng tim mạch. ĐTĐ thường làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh động mạch vành mãn tính. Các biến chứng tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ thường gặp là biến chứng vi mạch, dẫn đến các bệnh võng mạc, bệnh thận, thần kinh; Biến chứng mạch máu với bệnh động mạch vành, mạch máu não, mạch máu ngoại vi, suy tim; Loạn nhịp tim như rung nhĩ và đột tử.
 
Để ngăn ngừa biến chứng tim mạch cần có các giải pháp như thay đổi lối sống, kiểm soát tốt đường huyết, kiểm soát tốt huyết áp, đưa lipid máu đến mức cần thiết. Bệnh nhân ĐTĐ cần giảm cân, tăng vận động (tối thiểu 30 phút/ngày), thay đổi khẩu phần ăn, không hút thuốc lá, không uống rượu bia, điều trị bằng các loại thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ./.
 
(Theo Bà Rịa Vũng Tàu online)