Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Mắc bệnh nội tiết không cấy que tránh thai

Que cấy tránh thai có chứa nội tiết nên những chị em mắc các bệnh liên quan đến nội tiết, huyết áp cao, tim mạch thì không được sử dụng.
Các bác sĩ cho biết, cấy que tránh thai là một biện pháp tránh thai hiệu quả, được dùng cho hầu hết những phụ nữ khỏe mạnh muốn tránh thai có thời hạn, sau này muốn có con trở lại. Que tránh thai cấy dưới cánh tay sẽ giúp chị em "an toàn" trong 3 - 5 năm. Đặc biệt, phụ nữ cho con bú vẫn có thể cấy.
Những phụ nữ mắc các bệnh liên quan đến nội tiết , huyết áp cao, tim mạch không được sử dụng que cấy tránh thai
Tuy nhiên, vì que cấy tránh thai là dạng que có chứa nội tiết cấy dưới da nên đòi hỏi phải thực hiện đúng kĩ thuật. Nếu không rất có thể sau khi cấy, que sẽ “lẩn” khỏi vị trí ban đầu gây khó khăn cho việc rút que khi muốn có con. Theo các bác sĩ, trường hợp này phải chờ đến khi que hết tác dụng (que có thời hạn 3 năm nhưng hết hoàn toàn tác dụng phải sau 4 - 5 năm) mới được phép lấy ra.
Hiện trên thị trường có bán loại 6 que cấy có tác dụng trong 5 năm và một que cấy tránh thai được trong 3 năm. Khi tháo que ra, vòng kinh sẽ trở về bình thường và khả năng có thai sẽ trở lại ngay.
Cần lưu ý là, que cấy tránh thai có chứa nội tiết nên những chị em mắc các bệnh liên quan đến nội tiết, huyết áp cao, tim mạch thì không được sử dụng
Đông Bích

Estrogen đối với tuổi xuân của phụ nữ

 Giữ mãi tuổi xuân là khát vọng của phụ nữ của mọi thời đại. Nếu chỉ có một điều duy nhất để ước, bạn sẽ ước gì: Tiền bạc, quyền lực hay tuổi trẻ? Chắc chắn không ít chị em sẽ không ngần ngại khi chọn tuổi trẻ.


Tuổi trẻ vô cùng quý giá, càng đặc biệt đối với phụ nữ. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, con người đã dùng biết bao trí tuệ và sức lực để đạt được khát vọng “ trường sinh bất lão” nhưng giữa ước mơ và hiện thực vẫn còn một khoảng cách.
Phải mất hàng nghìn năm khoa học mới khám phá ra rằng: Sự suy giảm hormone giới tính nữ Estrogen sau tuổi 30 là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến tuổi xuân của phụ nữ. Các nhà khoa học Đức và Chile đã nghiên cứu 100 phụ nữ tuổi từ 35-55 và đưa ra kết luận: phụ nữ có lượng Estrogen mức cân bằng trẻ hơn so với tuổi thực của họ là 8 năm.
Vai trò của estrogen
Estrogen được tiết ra từ buồng trứng, giúp hình thể người phụ nữ ngực nở, eo thon, làn da mịn màng. Estrogen quyết định sự phát triển những đặc điểm sinh dục nữ: phát triển vú, tử cung, âm đạo, duy trì ham muốn và khả năng tình dục. Thắp được lửa ấm chốn phòng the là điều vô giá mà người phụ nữ cần gìn giữ bởi nó không chỉ tạo nên hạnh phúc cho gia đình mà còn cho chính bản thân họ nữa.Nghiên cứu của ĐH Carlifornia cho thấy: Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và đảo ngược qúa trình lão hóa. Nếu việc sản xuất hormone này trục trặc hoặc ngưng trệ, nữ giới sẽ phải đối mặt với những rối loạn lớn không dễ khắc phục.
Dấu hiệu nhận biết sự suy giảm Estrogen
Vì một lý do nào đó như mắc các bệnh lý, sau sinh nở, do tuổi tác (sau tuổi 30), buồng trứng dần suy thoái dẫn đến lượng estrogen bị suy giảm gây ra những thay đổi trên cơ thể người phụ nữ. Những dấu hiệu của sự lão hóa, già nua bắt đầu xuất hiện: da khô, sần sùi, vết nám trên gò má, nếp nhăn xuất hiện ngày càng nhiều, tóc bạc sớm, mỡ tập trung nhiều ở vùng eo bụng, đùi, làm cơ thể sồ sề, ngực nhão, chảy sệ.
Thiếu hụt Estrogen làm thay đổi vận mạch khiến người phụ nữ có cảm giác lúc nóng, lúc lạnh, cơn bốc hỏa, mất ngủ. Những thay đổi của bộ phận sinh dục khiến ham muốn tình dục giảm dần, chất nhờn âm đạo để “bôi trơn” khi quan hệ giảm tiết gây khô và đau rát khi giao hợp, dễ bị viêm nhiễm phụ khoa, rối loạn kinh nguyệt… Ngoài ra còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch như huyết áp, loãng xương. Sau tuổi 30, rất ít phụ nữ còn giữ được sự trẻ trung như nam giới cùng tuổi. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, phụ nữ cảm thấy họ già đi ở tuổi 29 trong khi đó đàn ông luôn trẻ trung và tràn đầy sức sống cho tới 58 tuổi.
Gìn giữ tuổi xuân
“Trai 30 tuổi đang xuân, gái 30 tuổi đã toan về già”. Tạo hóa đã không công bằng khi ấn định sự “lão hóa” của phụ nữ bắt đầu ở tuổi 30. Sự giảm thiểu hormon sinh dục nữ Estrogen là cội nguồn của nhiều biến đổi về thể chất, tâm sinh lý và tinh thần của chị em. Chính vì vậy chị em luôn mong muốn làm sao vẫn giữ mãi được sự trẻ trung, đặc biệt không chênh lệch so với người bạn đời của mình. Chúng ta không thể đảo ngược được các quy luật của tạo hóa, nhưng cải thiện được nó là điều chúng ta làm được.
Y khoa đã thực hiện điều trị bổ sung estrogen tổng hợp (thuốc tân dược) để hạn chế các triệu chứng trên. Tuy nhiên, việc sử dụng liệu pháp này cần có sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sỹ do có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như ung thư vú, suy tim và đột quỵ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Washington cho thấy hợp chất isoflavones trong mầm đậu nành có tác dụng tương tự nội tiết tố nữ Estrogen - Là liệu pháp thiên nhiên rất an toàn cân bằng nội tiết tố nữ, tìm lại tuổi xuân cho nữ giới được các chuyên gia khuyên dùng
                                                                                                                                                                  GS.TS Nguyễn Đức Vy - BV Phụ sản TW

Lưu ý đặc biệt khi trị bệnh tuyến giáp bằng Iode phóng xạ

Hiện nay, Iode phóng xạ được sử dụng khá rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh tuyến giáp. Tuy nhiên có rất ít bệnh nhân (BN) hiểu thấu đáo về phương pháp này, dẫn đến sự lo lắng quá mức hoặc ngược lại không tuân thủ tốt các yêu cầu sau điều trị bằng Iode phóng xạ, gây hại cho chính họ và những người xung quanh.
Vai trò của Iode đối với tuyến giáp
Iode là nguyên liệu thiết yếu để tổng hợp hormon tuyến giáp. Mỗi ngày một người bình thường cần được cung cấp từ 150 - 300μg Iode. Tuyến giáp có khả năng bắt giữ và di chuyển các nguyên tử Iode vào tế bào để sử dụng cho việc tổng hợp hormon. Chính vì thế khi bị cường giáp, Iode sẽ tập trung nhanh và nhiều hơn tại tuyến giáp.
Iode phóng xạ là gì?
Từ Iode bình thường có thể sử dụng các máy gia tốc để chế biến thành 2 loại Iode có khả năng giải phóng các tia phóng xạ (radiation) được sử dụng cho mục đích y khoa: I-123 (vô hại với tế bào tuyến giáp, thường dùng để chẩn đoán) và I-131 (có thể phá hủy tế bào tuyến giáp, được sử dụng cho cả chẩn đoán và điều trị). Có thể sử dụng Iode phóng xạ an toàn cho những người có dị ứng với hải sản hoặc chất cản quang có chứa Iode vì thực ra người ta phản ứng với hợp chất chứa Iode chứ không phải Iode.
Iode phóng xạ được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh tuyến giáp như thế nào?
Xạ hình tuyến giáp
Sau khi cho uống (I-131) hoặc tiêm (I-123), Iode sẽ tập trung về tuyến giáp làm hiện hình tuyến giáp, được phát hiện qua một đầu ghi. Ngoài ra, Iode tập trung về tuyến giáp nhiều hay ít cũng còn phản ánh tuyến giáp hoạt động mạnh hay yếu. Do I-123 có thời gian bán hủy ngắn hơn nên an toàn hơn và được ưa dùng trong xạ hình tuyến giáp, kể cả cho phụ nữ đang nuôi con nhỏ. I-123 còn có ưu điểm khác là hoàn toàn không gây hại cho cơ thể và không cần lưu ý gì đặc biệt sau khi làm xạ hình tuyến giáp.
Xạ hình tuyến giáp thường được chỉ định trong chẩn đoán các bệnh bướu nhân tuyến giáp, chẩn đoán mô giáp còn sót lại sau phẫu thuật điều trị ung thư tuyến giáp  hoặc để chuẩn bị cho điều trị cường giáp...
Điều trị bệnh tuyến giáp
I-131 được sử dụng để diệt bớt mô tuyến giáp đang hoạt động quá mạnh (cường giáp) hoặc làm giảm kích thước tuyến giáp quá to. Những bệnh nhân (BN) này phải tuân thủ một số yêu cầu về an toàn phóng xạ. Lưu ý là có thể phải mất đến vài tháng thì phương pháp này mới đạt được hiệu quả.
Trong bệnh ung thư tuyến giáp, I-131 liều cao được sử dụng để diệt hết các tế bào tuyến giáp còn sót lại sau mổ. Do dùng liều cao nên các BN sẽ phải cách ly trong khoảng 24h tại bệnh viện để tránh ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là những trẻ em sống trong cùng gia đình. Thường thì sẽ bị viêm tuyến nước bọt do nằm gần tuyến giáp, với các biểu hiện như đau, sưng... để giảm thiểu thì nên uống nhiều nước hoặc phòng bằng súc miệng nước chanh
Phòng ngừa biến chứng khi điều trị bằng Iode phóng xạ I-131
Vì I-131 có khả năng phóng xạ nên các BN cần cố gắng để tránh tiếp xúc tia xạ với người khác, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Lượng tia xạ phơi nhiễm sẽ giảm đáng kể nếu khoảng cách từ BN đến người khác tăng lên. Các BN phải di chuyển bằng máy bay ngay sau khi uống I-131 nên mang theo bức thư của bác sĩ vì hệ thống cảnh báo phóng xạ ở các sân bay có thể phát hiện tia xạ từ cơ thể bạn (dù nó ở mức an toàn) và nhân viên an ninh có thể ngăn không cho bạn nên máy bay.
Những BN phải điều trị I-131 liều cao (Basedow, ung thư tuyến giáp...) cần phải ở trong phòng cách ly 3 - 7 ngày và chỉ có thể về nhà khi đã được đánh giá là an toàn.
Điều trị bệnh tuyến giáp bằng I-131 có thể có nguy cơ gì về lâu dài?
Nhìn chung, điều trị I-131 là phương pháp an toàn và có hiệu quả cao. Tuy có sự lo ngại nhưng các nghiên cứu theo dõi trong thời gian dài không thấy có hậu quả nghiêm trọng. Nguy cơ gây ung thư tuyến giáp và các nguy cơ khác vẫn còn sự tranh cãi và nếu có thì là rất thấp. Tuy nhiên các BN điều trị I-131 cần phải đi khám bệnh thường xuyên để phát hiện sớm các biến chứng, bao gồm cả ung thư. Biến chứng phổ biến nhất là suy giáp nhưng may mắn là rất dễ điều trị. Các biến chứng khác có thể gặp như khô miệng và mất vị giác do tuyến nước bọt bị phá hủy.
Các lưu ý đặc biệt
Cho phụ nữ:Không bao giờ được dùng Iode phóng xạ, dù là I-123 hay I-131 để chẩn đoán hay điều trị cho các phụ nữ có thai. Những phụ nữ muốn có con phải đợi ít nhất 6-12 tháng sau điều trị I-131, vì buồng trứng cũng có nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ. Cho đến nay không có bằng chứng nào về việc điều trị Iode phóng xạ có thể gây vô sinh, nhưng nó có thể gây mãn kinh sớm.
Cho nam giới:Các BN nam được điều trị Iode phóng xạ có thể bị giảm số lượng tinh trùng và bị vô sinh tạm thời trong khoảng 2 năm. Vì thế các BN phải điều trị Iode phóng xạ nhiều đợt (ví dụ ung thư tuyến giáp) thì nên gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng.
ThS.Nguyễn Quang Bảy (Khoa Nội tiết - BV Bạch Mai)

Bảng hướng dẫn thời gian cách ly sau điều trị I-131
Hoạt động
Nghỉ làm
Hạn chế xuất hiện ở nơi công cộng
Không nên đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng
Không nên đi lại trên các phương tiện giao thông lâu cùng với người khác
Duy trì khoảng cách an toàn với người khác > 1m
Uống nhiều nước
Nấu ăn cho người khác
Sử dụng utensil với người khác
Xả toa lét 2 - 3 lần sau khi đi đại, tiểu tiện
Ngủ ở giường cách ly, cách giường khác > 2m
Tránh tiếp xúc lâu với trẻ em và phụ nữ có thai

Bệnh tuyến giáp dễ gây nguy hiểm khi mang thai?

Theo các nghiên cứu tại Mỹ, có khoảng 3 - 4% các phụ nữ mang thai bị rối loạn chức năng tuyến giáp, chủ yếu là suy chức năng tuyến giáp. Do nằm trong vùng bị thiếu iốt nên các thai phụ ở Việt Nam có nguy cơ bị mắc bệnh tuyến giáp cao hơn.
Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi.
Phụ nữ có thai bị bệnh tuyến giáp có nguy cơ gì?
Trong vòng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormon tuyến giáp của người mẹ cung cấp qua rau thai. Đây chính là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan nên nếu bị thiếu hormon trong thời gian này thì biến chứng rất nặng nề. Tại Mỹ, khoảng 2,5% phụ nữ có thai bị suy giáp. Hậu quả của suy giáp ở người mẹ là tăng huyết áp, còn với thai nhi thường là sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, rau bong non và đặc biệt là trẻ đẻ ra bị đần độn, chậm phát triển trí tuệ. Cường chức năng tuyến giáp ở các thai phụ tuy ít gặp hơn, khoảng 1,7% phụ nữ có thai bị bệnh này, nhưng cũng có thể gây ra các biến chứng như sảy thai, thai nhẹ cân, tiền sản giật, đẻ non... và nguy hiểm nhất là cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ với tỷ lệ tử vong cả mẹ và con lên đến gần 100%.
Việc tầm soát nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong ở cả mẹ và con thì nó đảm bảo những đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất và có trí tuệ tốt... Điều trị càng sớm thì nguy cơ bị biến chứng ở cả mẹ và con sẽ càng thấp.
Rau bong non dễ gặp ở bà mẹ mắc bệnh tuyến giáp.
 
 
Mẹ suy tuyến giáp khi mang thai, nếu không được điều trị, sinh con sẽ kém thông minh- (ảnh minh họa)
Những ai cần được sàng lọc bệnh tuyến giáp trong thời gian mang thai?
Các thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp nếu: đã được chẩn đoán bệnh tuyến giáp từ trước như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp;... Có tiền sử trong gia đình có người thân (bố, mẹ, chị em...) bị bệnh tuyến giáp; Đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần có thai trước; Có tiền sử sản khoa xấu như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, đẻ con bị dị tật bẩm sinh;... Người bệnh đái tháo đường týp 1; Có mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, luput...
Làm cách nào để phát hiện bệnh tuyến giáp trong thời gian mang thai?
Những người nghi ngờ bị bệnh hoặc có nguy cơ cao bị bệnh tuyến giáp cần đi khám tại các khoa nội tiết ngay khi biết mình có thai, bao gồm: Khám lâm sàng kiểm tra xem có bướu cổ không; và được làm xét nghiệm cần thiết.
Những thai phụ được chẩn đoán rõ có bệnh tuyến giáp sẽ được điều trị ngay để đưa nồng độ hormon giáp về bình thường càng nhanh càng tốt. Những trường hợp nghi ngờ sẽ được kiểm tra lại sau vài tuần để xác định chắc chắn. Một điều may mắn là các thuốc điều trị bệnh tuyến giáp (cả cường và suy giáp) đều không đắt, dùng đường uống được và an toàn cho thai nhi.
Theo suckhoedoisong.vn

Bệnh nhân đái tháo đường tự chăm sóc sức khỏe như thế nào?

(thaythuocvietnam) -  - Người quan trọng nhất quan tâm đến việc chăm sóc cho người bệnh đái tháo đường chính là bản thân người bệnh, sau đó mới đến người thân, các tổ chức y tế, các tổ chức chính trị - xã hội trong cộng đồng nhân sinh của người bệnh.
Khi bàn đến bệnh đái tháo đường, các nhà y học thường đề cập đến các lĩnh vực: sinh lý bệnh, phân loại bệnh, chẩn đoán, điều trị. Những đề tài muôn thuở này vẫn luôn được trình bày với rất nhiều thông tin mới lạ, hấp dẫn. Bởi vậy, thời gian gần đây, chúng tôi muốn lưu tâm đến những gì cụ thể, thiết thực nhất trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường. Người quan trọng nhất quan tâm đến việc chăm sóc cho người bệnh đái tháo đường chính là bản thân người bệnh, sau đó mới đến người thân, các tổ chức y tế, các tổ chức chính trị - xã hội trong cộng đồng nhân sinh của người bệnh.
Để kiểm soát tốt đường huyết (giữ mức đường huyết như người bình thường) thì người bệnh phải cần đến 5 biện pháp thiết yếu, đó là:
- Giáo dục sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường.
- Chế độ dinh dưỡng.
- Tập luyện.
- Thuốc men.
- Các xét nghiệm kiểm tra.
Giáo dục sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường.
Đây là biện pháp cơ bản nhất trong công tác chăm sóc người bệnh đái tháo đường. Giáo dục ở đây có nghĩa là người bệnh phải học cách tự chăm sóc cho mình. Tất cả mọi thông tin tiến bộ về bệnh đái tháo đường đều mang lại lợi ích cho người bệnh. Người bệnh cần phải học cách tự kiểm tra đường huyết, cách rèn luyện thể lực, cách ăn uống như thế nào cho phù hợp với tình trạng bệnh lý trong những thời điểm khác nhau. Có rất nhiều cách để người bệnh có được những thông tin chính xác và đầy đủ, góp phần nâng cao việc chăm sóc sức khỏe cho chính mình. Đọc sách là cách đơn giản nhất và thu nhập được nhiều thông tin chính xác nhất. Xem phim, nghe nhạc lại là cách hợp thời hơn. Ngoài ra người bệnh còn có thể tham dự các lớp học đái tháo đường hoặc đến các cơ sở tư vấn để tìm hiểu một cách cụ thể về diễn biến các chứng bệnh của mình. Gần đây nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã thành lập các câu lạc bộ đái tháo đường. Đây là nơi để bệnh nhân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm quý báu trong việc tự chăm sóc sức khỏe cho mình. Tuy nhiên, muốn có những thông tin chọn lọc, thích hợp với từng đối tượng thì cần phải có các nhà giáo dục về bệnh đái tháo đường. Nhà giáo dục đái tháo đường có thể là: bác sỹ, y tá, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm lý… Các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp người bệnh lập kế hoạch dinh dưỡng riêng cho họ. Một số nước trên thế giới đã tổ chức những khóa học “Kiến thức chuyên biệt bệnh đái tháo đường” cho các nhà giáo dục bệnh đái tháo đường. Sau khóa học là một cuộc thi sát hạch để cấp chứng chỉ với chức danh “Nhà giáo dục đái tháo đường”. Muốn có hiểu biết để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, bệnh nhân đái tháo đường phải lựa chọn những thông tin luôn luôn biến đổi theo thời gian mới tìm được những nhu cầu đích thực và những gì cần làm, cần tuân thủ theo. Nhờ có được những kiến thức cơ bản trong giáo dục đái tháo đường, người bệnh có thể thích ứng để không ngừng nâng cao sức khỏe cho chính mình và có đủ bản lĩnh chung sống với bệnh đái tháo đường.
Bệnh nhân đái tháo đường cần chủ động kiểm tra đường huyết thường xuyên- (ảnh minh họa)
 
Dinh dưỡng
Mỗi người bệnh phải được lập một chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, đảm bảo năng lượng cần thiết cho họ thực hiện những công việc khác nhau. Chẳng hạn, khi đang dùng insulin, bệnh nhân phải có đủ khối lượng, chất lượng thức ăn và thời gian ăn phù hợp với liều lượng cũng như thời lượng tiêm của từng loại insulin.
Chế độ ăn là vấn đề đáng quan tâm nhất cho người bệnh đái tháo đường typ 2 trong việc kiểm soát đường huyết và trọng lượng của cơ thể. Người bệnh có thể dùng chế độ ăn để đạt được những yêu cầu như: giữ đường huyết, mỡ máu, huyết áp, cân nặng… ở mức như người bình thường hoặc gần như người bình thường, đảm bảo đầy đủ vitamin và khoáng chất.
Tập luyện
Khi ăn, đường huyết của người bệnh đái tháo đường sẽ tăng lên, nhưng khi được dùng thuốc đái tháo đường hoặc khi hoạt động thể lực thì đường huyết được hạ thấp xuống. Tập luyện phải thực sự thường xuyên, cũng như chế độ ăn uống và sử dụng thuốc men để duy trì tốt đường huyết như người bình thường. Chế độ tập luyện cho người bệnh đái tháo đường nhằm mục đích:
- Tiêu hao lượng đường trong máu, đốt cháy chất béo dư thừa trong cơ thể và loại bỏ chúng.
- Cải thiện sức lực của cơ bắp, lưu thông tuần hoàn và ổn định chức năng hoạt động của các cơ quan trong cơ thể (tim, phổi…).
- Tạo nên một hình thể, vóc dáng khỏe mạnh, tinh thần thoải mái, sống động, thích nghi với môi trường và đối phó với những stress được tốt hơn. Cần lưu ý rằng, chế độ tập luyện thể lực phải phù hợp với chế độ dinh dưỡng và liều lượng thuốc men trong từng thời gian cụ thể.
Thuốc men
Thuốc điều trị bệnh đái tháo đường hiện nay thường dùng là thuốc tiêm (insulin) hoặc thuốc uống (sulfamid hạ đường huyết), có thể dùng phối hợp cả 2 loại đó. Một số bệnh nhân đái tháo đường typ 2 không cần dùng thuốc nếu duy trì được thường xuyên đường huyết trong giới hạn bình thường bằng chế độ ăn và hoạt động thể lực.
Các thông số kiểm tra
Kiểm tra đường huyết: người bệnh đái tháo đường phải tự kiểm tra đường huyết thường xuyên theo thời gian biểu đã định. Tuy nhiên, có những khi đường huyết thất thường thì sự kiểm tra này phải thay đổi thời gian để hiệu chỉnh lại đường huyết – vấn đề này nhiều khi cần có sự can thiệp của thầy thuốc.
Kiểm tra ceton niệu: các thể ceton là những chất độc được tạo ra trong cơ thể khi có quá ít insulin. Nếu bệnh nhân bị đái tháo đường typ 1 hoặc đái tháo đường typ 2 khi có bệnh cấp tính kèm theo (sốt, nhiễm trùng, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim…) thì cần phải kiểm tra ceton trong nước tiểu. Phát hiện ceton trong nước tiểu nhằm đưa ra những biện pháp để ngăn chặn kịp thời một biến chứng cấp tính nguy hiểm của bệnh đái tháo đường – nhiễm toan ceton.
Kiểm tra HbA1C: có một loại hemoglobin gắn glucose được coi là hemoglobin A1C (HbA1C). Thông qua việc kiểm tra nồng độ HbA1C, có thể đánh giá tình trạng kiểm soát chung về bệnh đái tháo đường. Chế độ kiểm tra này được làm 3 – 6 tháng một lần để theo dõi xu hướng của việc quản lý đường huyết qua từng thời gian điều trị.
Như vậy, mỗi một biện pháp kiểm soát đái tháo đường đều có chung một mục đích là nâng cao sức khỏe cho người bệnh đái tháo đường. Biện pháp nào cũng đóng một vai trò quan trọng. Quan trọng hơn chăng, đó chính là bạn – bệnh nhân của bệnh đái tháo đường.
 
Ths. BS. Hồ Khải Hoàn – Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Những bệnh tuyến giáp trạng thường gặp

Tuyến giáp trạng là một tuyến nội tiết quan trọng điều hòa nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Khi rối loạn chức năng tuyến giáp có thể gây ra các bệnh cường tuyến giáp trạng, suy tuyến giáp trạng, bướu lành tuyến giáp trạng và ung thư tuyến giáp trạng rất nguy hiểm.

 Cơ chế hoạt động của tuyến giáp trong cơ thể
Bướu tuyến giáp to đều.
Giáp trạng (thyroid) là một tuyến nội tiết hình móng ngựa, nằm ở trước cổ, tiết ra chất nội tiết tố thyroxin (T4) có vai trò điều hòa sự phát triển của các cơ quan, thúc đẩy sự hoạt động, trưởng thành của mọi tế bào. Sự hoạt động của tuyến giáp được điều hòa bởi tuyến yên theo cơ chế như sau: tuyến yên tiết ra chất TSH (thyroid stimulating hormon), thúc đẩy tuyến giáp trạng tiết ra T4. Khi nồng độ T4 trong máu giảm, tuyến yên lại tiết thêm TSH, thúc đẩy tuyến giáp tiết đủ lượng T4 cần thiết. Ngược lại nếu nồng độ T4 trong máu đã đủ hoặc cao thì tuyến yên tiết ít TSH đi, theo đó tuyến giáp sẽ tiết ít T4 phù hợp với nhu cầu cơ thể. Do đó khi có rối loạn về thần kinh và thể dịch, sẽ dẫn đến các bệnh của tuyến giáp. Dưới đây xin đề cập tới các bệnh thường gặp của tuyến giáp.
Thiểu năng hay là suy tuyến giáp trạng (hypothyroidism).
Vì một lý do nào đó, tuyến giáp trạng bị suy, không thể tiết đủ T4, mặc dù tuyến yên có tiết thật nhiều TSH, khi đó xét nghiệm máu sẽ thấy kết quả là T4 thấp và TSH tăng cao. Bệnh xảy ra tự nhiên, hoặc sau phẫu thuật cắt một phần tuyến giáp... Biểu hiện suy giáp trạng khởi phát với các dấu hiệu rất mơ hồ: bệnh nhân thấy mệt mỏi, buồn ngủ, trí nhớ giảm sút, táo bón, nhức mỏi bắp thịt, khan tiếng, phụ nữ thấy chảy máu ở âm đạo bất thường; phù nhẹ mặt và mắt, da khô, bủng; Sau khoảng vài tháng thấy mọi hoạt động thể lực và tinh thần trì trệ hẳn; ăn uống mất ngon; tóc khô và rụng nhiều; đặc biệt bệnh nhân có thể bị hôn mê đột ngột; tuyến giáp có thể to lên hoặc không to. Điều trị suy giáp trạng bệnh nhân cần phải kiên trì uống thuốc thyroxin theo chỉ định của bác sĩ, sau khoảng vài tuần, bệnh nhân sẽ bình phục, song có thể phải điều trị kéo dài suốt đời.
Cường tuyến giáp trạng (hyperthyroidism): là do tuyến tiết ra quá nhiều chất T4, với các dấu hiệu: bệnh nhân thấy tinh thần luôn căng thẳng, mất ngủ, tính tình thất thường, lúc nóng nảy hung đồ, khi thì thờ ơ lãnh đạm; tay chân run rẩy, chịu đựng thời tiết nóng kém, hay vã mồ hôi; ăn nhiều mà vẫn sút cân, suy nhược cơ thể, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, ở phụ nữ thấy kinh ra ít; mắt to và lồi dần; có khi bệnh nhân chỉ gặp các triệu chứng như sút cân, yếu mệt, buồn sầu; một số bệnh nhân khác lại thấy những triệu chứng về tim nổi trội như: loạn nhịp tim, suy tim..., tuyến giáp có thể phì to hoặc không to; xét nghiệm thấy T4, TSH trong máu tăng; chụp tuyến giáp với iod phóng xạ thấy tuyến giáp hấp thụ chất iodine nhiều hơn bình thường...
Có nhiều phương pháp điều trị cường tuyến giáp như sau:
- Nội khoa: dùng thuốc có tác dụng ức chế sự tiết chất T4 của tuyến giáp với thời gian dài từ 1-2 năm. Kết quả khoảng 30%-50% số bệnh nhân khỏi bệnh; số còn lại thường tái phát trong vòng 6 tháng kể từ sau khi ngưng thuốc. Uống iod phóng xạ: thường sử dụng cho bệnh nhân cao tuổi, hay bệnh nhân đã chữa bằng thuốc uống nhưng bị tái phát. Iod phóng xạ có tác dụng ngăn sự tổng hợp chất T4 trong tuyến giáp trạng, ức chế các tế bào của tuyến giáp không thể sản sinh T4 như bình thường. Nhưng sau khi điều trị với chất phóng xạ iod, tuyến giáp sẽ bị suy, nên có khi phải dùng chất T4 để điều trị suốt đời.
- Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp trạng: chỉ dùng cho những bệnh nhân uống thuốc không hiệu quả, hay ngại điều trị bằng chất phóng xạ iod.
       Hình thể ngoài của tuyến giáp (X)- (ảnh internet)
 
Ung thư tuyến giáp: Là bệnh ác tính của tuyến giáp với biểu hiện tuyến giáp to nhanh trong thời gian ngắn và có các hạch nổi lên bất thường vùng xung quanh; bệnh nhân kém chịu nóng, hay vã mồ hôi, luôn luôn trong trạng thái tinh thần căng thẳng, mất ngủ, tính khí thất thường; tay chân run rẩy yếu đuối; ăn nhiều mà vẫn sút cân; hoạt động mau bị mệt, hồi hộp, khó thở; phụ nữ thấy kinh ra ít. Tùy theo thể loại ung thư mà có cách điều trị khác biệt: mổ cắt bỏ khối ung thư, xạ trị, chạy điện hoặc sử dụng thuốc chống ung thư.
Bướu lành tuyến giáp: Là loại bệnh của tuyến giáp gặp nhiều nhất; tuyến giáp to lên hoặc nổi u nổi cục, nhưng bệnh nhân vẫn làm việc bình thường, không có dấu hiệu gì của bệnh cường hay suy tuyến giáp. Xét nghiệm máu thấy lượng T4 và TSH ở trị số bình thường. Có khi tuyến giáp cứ ngày một lớn lên rồi chèn ép các cơ quan chung quanh làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu ở cổ, khó thở, khó nuốt, hay ho. Có thể gặp các trường hợp bướu tuyến giáp như sau:
- Tuyến giáp to đều, không đau; tuyến to nhiều mất thẩm mỹ hoặc chèn ép khiến bệnh nhân khó thở, ho, cần phải uống thuốc thyroxine để tuyến nhỏ lại, thường sau 3-6 tháng có kết quả; song có thể phải dùng thuốc trong một thời gian dài hoặc suốt đời để tuyến không lớn lên. Nếu dùng thuốc không kết quả cần phải phẫu thuật cắt bỏ phần lớn tuyến, chỉ chừa lại một phần nhỏ để duy trì sản xuất chất thyroxine.
- Tuyến to kiểu lổn nhổn: bệnh nhân thường không có triệu chứng, không cần điều trị.
- Tuyến chỉ có một vị trí to tròn lên, còn lại cả tuyến giáp bình thường. Trường hợp này cần theo dõi và sinh thiết xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện sớm dấu hiệu ác tính của khối u để xử lý kịp thời.

BS. Trần Phương Thu Hằng
Theo suckhoedoisong.vn

Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường

 Tiểu đường là một bệnh mạn tính nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm làm giảm chất lượng sống và đe doạ tính mạng người bệnh. Hậu quả của những biến chứng này có thể gây tàn phế và tử vong cho những bệnh nhân mắc phải.

I. CÁC BIẾN CHỨNG THƯỜNG XUYÊN CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG
1. Tổn thương thần kinh
Loét nặng ở bàn chân bệnh nhân tiểu đường -(ảnh internet_
 Do lượng đường trong máu quá cao, làm tổn thương các mạch máu nhỏ nuôi dây thần kinh. Bệnh nhân có thể bị tổn thương thần kinh ngoại vi, làm thay đổi cảm giác, giảm cảm giác, tê bì hoặc kim châm, yếu cơ. Các dấu hiệu này thường hay xảy ra ở bàn chân nên bàn chân dễ bị tổn thương gây loét có thể làm nhiễm trùng, hoại tử và phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.
2. Tổn thương thận
Do hàm lượng đường trong máu luôn cao gây tổn thương hàng triệu vi mạch tại thận dẫn đến suy giảm các chức năng quan trọng lọc, bài tiết của thận, nặng hơn nữa có thể dẫn đến suy thận không hồi phục.
3. Tổn thương mắt
Những mạch máu nhỏ tại võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ trong lòng mắt gây ra tổn thương dẫn đến các bệnh lý về võng mạc. Mặt khác, tiểu đường cũng có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, gây mù loà.
4. Bệnh lý mạch máu và tim
Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim – (Ảnh internet)
 Biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường là cực kỳ nguy hiểm và rất thường gặp. Bệnh nhân rất dễ bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây bại liệt hoặc tử vong. Theo các số liệu thống kê cho thấy 65 % tỉ lệ tử vong ở bệnh tiểu đường là do tai biến mạch máu.
 5. Nhiễm trùng
Bệnh nhân tiểu đường cũng rất dễ bị nhiễm trùng và có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ bộ phận nào điển hình như: răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiểu bàng quang, thận…
Biến chứng của tiểu đường thực sự rất nguy hiểm nhưng chúng ta có thể hoàn toàn giảm thiểu và ngăn chặn các biến chứng trên nếu kiểm soát tốt hàm lượng đường trong máu.
II. GIẢI PHÁP AN TOÀN PHÒNG NGỪA BIẾN CHỨNG TIỂU ĐƯỜNG
Hiện nay, số lượng người mắc tiểu đường ngày càng cao và gây những biến chứng khủng khiếp là một gánh nặng trong điều trị. Ngoài các biện pháp kiểm soát chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc Tây Y thì xu hướng sử dụng các loại thảo dược trong y học cổ truyền để điều trị tiểu đường ngày càng được quan tâm. Đặc biệt, Dây thìa canh - một loại thảo dược quý hiếm được đánh giá qua hàng trăm nghiên cứu trên thế giới cho tác dụng hạ đường huyết tốt, an toàn, ổn định đường huyết, không tác dụng phụ khi dùng lâu dài đã được các nhà khoa học trường Đại học Dược Hà nội tìm thấy và nghiên cứu tại Việt Nam. Đây thực sự là một giải pháp tối ưu đáng tin cậy để ngăn ngừa các biến chứng cho bệnh nhân tiểu đường.
Để sống vui vẻ và tự tin với bệnh tiểu đường, người bệnh hãy biết kiểm soát duy trì ổn định hàm lượng đường huyết trong máu mình ở mức độ an toàn. Việc làm này rất cần thiết và có thể nói quan trọng nhất trong các nguyên tắc điều trị bệnh. Vì vậy bạn hãy lựa chọn cho mình một giải pháp thật an toàn hiệu quả bền lâu để một cuộc sống khỏe mạnh.
TS. Trần Văn Ơn
Chủ nhiệm bộ môn Thực vật
Trường Đại học Dược Hà Nội

Tuyến giáp bị ảnh hưởng khi nhiễm xạ

Tuyến giáp có thể bị ảnh hưởng khi nhiễm xạ. Nhiễm xạ có thể xảy ra do quá trình điều trị bệnh bằng tia xạ hoặc khi có tình trạng rò rỉ iod phóng xạ (I-131) sau các sự cố hạt nhân.
Thời điểm phát bệnh
Nhiễm xạ gây ra nhiều bệnh lý khác nhau trên tuyến giáp, bao gồm suy giáp, nhân giáp và ung thư tuyến giáp. Tuyến giáp trẻ em đặc biệt nhạy cảm với tia xạ hơn tuyến giáp người lớn. Khi nhiễm xạ, nạn nhân dễ mắc bệnh tuyến giáp, nếu: tuổi càng trẻ (tuy nhiên, nhiễm xạ sau tuổi 20, nguy cơ mắc bệnh tương tự nhau ở mọi lứa tuổi), mức độ nhiễm xạ càng nhiều. Thời gian mắc bệnh tuỳ loại:
Suy giáp: có thể xuất hiện vài tháng hay vài năm sau quá trình xạ trị. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp đều xảy ra sau 2-3 năm sau xạ trị.
Bướu giáp nhân: các nhân giáp xuất hiện khi các tế bào tuyến giáp tăng trưởng dạng cục trong tuyến giáp. Nhân giáp thường phát hiện sau vài năm (thông thường là 8 đến 12 năm sau xạ trị), khi bác sĩ thăm khám vùng cổ và vùng tuyến giáp, hoặc sau khi siêu âm vùng này.
 Ung thư tuyến giáp: ung thư tuyến giáp có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên tuyến giáp trong vòng 5 đến 20 năm sau xạ trị, thông thường là mười năm. Khoảng 90% người bệnh vẫn sống khi mắc ung thư tuyến giáp.
Vì bệnh lý tuyến giáp có thể xảy ra nhiều năm sau nhiễm xạ nên bệnh nhân cần theo dõi suốt đời. Nạn nhân phơi nhiễm iod phóng xạ sau thảm hoạ hạt nhân mà không bị ung thư tuyến giáp, vẫn có nguy cơ mắc bệnh và phải tiếp tục theo dõi.
Làm sao phát hiện bệnh?
 
Suy giáp có thể phát hiện bằng xét nghiệm máu. Người bệnh có thể có hoặc không có triệu chứng suy giáp. Bướu giáp nhân cũng có thể phát hiện khi khám vùng cổ hoặc phát hiện dưới siêu âm. Ung thư tuyến giáp gặp trong 15 - 35% các nhân giáp xuất hiện sau giai đoạn xạ trị hay nhiễm xạ lúc nhỏ. Ung thư tuyến giáp có thể được xác định bằng chọc hút tế bào tuyến giáp bằng kim nhỏ trên nhân giáp.
Suy giáp dễ điều trị bằng nội tiết tố tuyến giáp giống như điều trị suy giáp do nguyên nhân khác. Cần theo dõi kỹ những người nhiễm xạ có nhân giáp. Nên xét nghiệm tế bào qua chọc hút bằng kim nhỏ vào các nhân giáp để loại trừ ung thư tuyến giáp. Rất ít khi phải dùng thuốc có nội tiết tố tuyến giáp để ngăn nhân giáp phát triển. Và cho dù dùng thuốc, người bệnh vẫn cần theo dõi định kỳ. Khi đã xác định ung thư trên một nhân giáp người nhiễm xạ trước đây, cách điều trị cũng giống
như ở người bệnh ung thư tuyến giáp khác. Thường phẫu thuật cắt tuyến giáp, sau đó tuỳ trường hợp, có thể phối hợp với thuốc có chứa iod phóng xạ và nội tiết tố tuyến giáp.
Không phải tất cả trường hợp nhiễm phóng xạ có iod đều gây ung thư tuyến giáp. Nguy cơ này sẽ giảm thấp khi qua độ tuổi 40.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao nhất
Tuyến giáp hấp thu iod từ dòng máu, cần iod để tạo nội tiết tố tuyến điều hoà năng lượng và chuyển hoá trong cơ thể. Tuyến giáp không thể phân biệt iod bền vững (iod thường) với iod phóng xạ nên sẽ hấp thu cả hai loại này. Hầu hết các vụ nổ hạt nhân đều phóng thích phóng xạ. Khi tế bào tuyến giáp hấp thu quá mức iod phóng xạ, có thể tạo ra ung thư tuyến giáp. Đây có lẽ là loại ung thư duy nhất có tỷ lệ mắc bệnh gia tăng theo sau sự cố rò rỉ iod phóng xạ.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao nhất. Nguy cơ này giảm thấp khi qua độ tuổi 40.
Có thể sử dụng chất Potassium iod (viết tắt KI) để bảo vệ tuyến giáp chống lại sự nhiễm iod phóng xạ. Sau thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1985, những hướng gió khác nhau thổi những đám mây phóng xạ đi khắp châu Âu. Có khoảng 3.000 người nhiễm phóng xạ bị ung thư tuyến giáp. Nạn nhân hầu hết là nhũ nhi và trẻ nhỏ sống ở Ukraine, Belarus, Nga. Lúc đó, Ba Lan (tiếp giáp với Belarus và Ukraine) đã dùng KI cho mọi người dân và không thấy gia tăng tỷ lệ mắc bệnh này.
Khi có sự cố rò rỉ phóng xạ, cơ quan chuyên trách địa phương thường khuyến cáo mọi người nên rời khỏi khu vực có sự cố hạt nhân càng sớm càng tốt. Ngoài cách ly, di cư, không ăn thức ăn, không uống sữa cũng như nước... cần dùng thêm KI để hỗ trợ tuyến giáp tránh bị nhiễm iod phóng xạ. Do sự phóng thích hạt nhân không thể kiểm soát được và tình trạng ách tắc giao thông sẽ làm chậm trễ việc cách ly phóng xạ, nên mọi người cần uống KI trước khi di cư, theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương. Việc phân phối KI nên giới hạn trong khoảng cách từ 16-32km.
Không ai đoán được các đám mây iod phóng xạ đi xa đến đâu và một sự cố hạt nhân sẽ xa bao nhiêu. Sau vụ Chernobyl, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn dự đoán và ở xa hơn 300km so với trung tâm sự cố hạt nhân. Hiện ở nhiều nước người ta không chỉ dự trữ mà còn phân phối sẵn KI cho cộng đồng. Trong thảm hoạ hạt nhân bất ngờ, lợi ích của KI được chấp nhận vượt xa nguy cơ khi dùng.
Lưu ý, không phải tất cả trường hợp nhiễm phóng xạ có iod đều gây ung thư tuyến giáp. Chỉ có cơ quan y tế mới có thể xác định các loại đồng vị phóng xạ phóng thích ra trong vụ nổ hạt nhân và nếu iod phóng xạ phóng thích, thì khi nào nên uống KI, uống trong thời gian bao lâu. Vậy nên mọi người cần tránh tùy tiện sử dụng chất này.
 
GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung
Theo Sài Gòn tiếp thị

Những điều cần biết về tiểu đường thai kỳ

Một số bà bầu thường phát triển một hình thức của tiểu đường trong giai đoạn bầu bí và được gọi chung là tiểu đường thai kỳ. Không như các dạng tiểu đường khác, tiểu đường thai kỳ thường tự động biến mất sau khi bé chào đời.
Tại sao tôi cần kiểm tra đường huyết?
Tiểu đường là do tuyến tuỵ không sản xuất đủ hormon insulin. Insulin điều chỉnh lượng đường trong máu và tích trữ đường khi cơ thể chưa sử dụng hết.
Cơ thể có thể sản xuất lượng insulin nhiều hơn nhu cầu của cơ thể để đáp ứng nhu cầu của thai nhi trong giai đoạn mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn tháng thứ 5, khi thai đang phát triển rất nhanh. Nếu cơ thể người mẹ “theo guồng”, đáp ứng vượt cả nhu cầu của thai nhi sẽ dẫn tới mắc chứng tiểu đường thai kỳ.
 
Cơ thể cần đường dưới dạng glucose để phát triển nhưng quá nhiều sẽ làm thai nhi phát triển vượt mức. Nếu thai lớn sẽ khiến cho quá trình chuyển dạ của người mẹ gặp nhiều khó khăn. Với những thai nhi quá lớn sẽ buộc phải chỉ định sinh mổ và điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh vàng da và các bệnh hô hấp ở trẻ sau sinh.
Chỉ khoảng 2 - 5% thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ. Trong hầu hết các trường hợp, các bà bầu có thể duy trì đường huyết trong mức cho phép thông qua chế độ ăn hợp lý và tập luyện. Trong một số trường hợp, thai phụ sẽ phải tiêm bổ sung insulin.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ gồm những gì?
Bạn sẽ cần phải nhịn ăn trong ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm. Lúc đó, y tá sẽ lấy mẫu máu. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy nhờ một người thân đứng bên cạnh. Mẫu máu đầu tiên sẽ được dùng để đo mức đường huyết trong máu khi bạn đang nhịn ăn và được gọi là test cơ bản.
Sau đó, bạn sẽ được uống một cốc nước đường, khi đường ngấm vào máu, bạn sẽ được lấy máu lần 2 để đo mức đường huyết rồi so sánh với mức đường huyết trong mẫu máu lần 1.
Bạn cũng đừng quá lo lắng nếu thấy kiến “quan tâm” tới đáy quần lót vì thai phụ nào cũng có chút đường trong máu dù đường huyết hoàn toàn bình thường.
Những ai có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ?
Những phụ nữ có nguy cơ cao nhất là những người đang mắc bệnh tiểu đường hoặc đã từng mắc tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước đó hay những người sinh 1 hay nhiều con có trọng lượng “đáng nể” khi mới chào đời. Những phụ nữ thừa cân và những phụ nữ từng sẩy thai hay tiền sản giật cũng có nguy cơ cao.
Ngoài ra, những nhóm phụ nữ sau cũng có nguy cơ:
 - Những bà mẹ lớn tuổi (có khuynh hướng phát triển bệnh tiểu đường do tuổi tác)
 - Những phụ nữ mắc bệnh huyết áp cao.
 - Những phụ nữ mà từng có trọng lượng “khủng” sau sinh (nặng hơn 4kg)
 - Những phụ nữ mà có cha/mẹ hay anh/chị em ruột mà từng phải tiêm insulin bổ sung.
Làm gì khi mắc tiểu đường thai kỳ?
Hầu hết phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ trong giai đoạn mang thai đều sinh con bình thường, khoẻ mạnh. Tuy nhiên, 50% phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ khi mang thai sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường thực thụ trong khoảng 20 năm sau.
Để giảm thiểu nguy cơ này, bạn cần có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong giai đoạn mang thai và sau này.
 (Theo dantri)

Người bệnh đái tháo đường nên có thiết bị y tế gì trong nhà?

Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh mạn tính và cần được điều trị suốt đời, để đạt kết quả tốt thì người bệnh rất cần sự hỗ trợ của một số thiết bị y tế. Theo chuyên gia y tế có 4 loại thiết bị y tế mà người bệnh ĐTĐ nên có trong gia đình.
1. Máy đo đường huyết cá nhân: (là quan trọng nhất).
- Mục tiêu đường huyết của người bệnh ĐTĐ trước bữa ăn là từ 3,9-7,2 mmol/l và sau bữa ăn (2h) là dưới 10 mmol/l. Đây được coi là vùng đường huyết an toàn để tránh bị các biến chứng của ĐTĐ. Tuy nhiên, khi đường huyết nằm ngoài khoảng trên (ví dụ 8,0 – 15,0mmol/l) thì nhiều BN cũng không thấy có biểu hiện gì đặc biệt. Vì thế, nếu không đo đường huyết định kỳ thì họ sẽ không thể biết mình đã rơi vào vùng đường huyết nguy hiểm, đặc biệt là khi đường huyết bị hạ quá thấp < 3,0mmol/l.
 
- Những BN ĐTĐ mới được chẩn đoán, đường huyết còn cao hoặc mới thay đổi chế độ điều trị thì cần đo đường huyết 2-4 lần/ngày. Còn khi đường huyết đã được kiểm soát tốt thì cũng cần đo ít nhất 2 lần/tuần. Lưu ý là khi bị ốm, sốt hay tiêu chảy… thì người bệnh ĐTĐ cần đo đường huyết nhiều lần hơn. Đặc biệt, khi có cảm giác đói nhiều thì cần thử ngay xem có đúng bị hạ đường huyết không và hạ đến mức nào.
- Trên thị trường có nhiều loại máy đo đường huyết cá nhân khác nhau. Để có được loại máy tốt và độ chính xác cao thì người bệnh ĐTĐ phải lưu ý chọn máy đo của các công ty có uy tín (đạt tiêu chuẩn ISO), có văn phòng đại diện tại Việt Nam và máy phải được bảo hành trọn đời. Tốt nhất là họ nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị xem loại máy nào là phù hợp. Không nên mua các loại máy đo đường huyết kiểu hàng “xách tay” vì chất lượng không đảm bảo và khó mua que thử về sau.
2. Que thử xê tôn máu hoặc xê tôn trong nước tiểu: (những BN ĐTĐ typ 1 hoặc BN ĐTĐ typ 2 kiểm soát đường huyết kém cần có que thử xê tôn):
- Ở những người có đường huyết quá cao sẽ sinh ra các thể xê tôn, nồng độ xê tôn trong máu cao có khả năng gây nhiễm toan nặng và hôn mê. Vì vậy, nếu đường huyết trên 15,0 mmol/l thì cần đo xê tôn máu, nếu xê tôn máu cao thì cần điều trị tích cực hơn hoặc xin tư vấn bác sĩ ngay. Hiện nay có máy đo đường huyết cá nhân có thể đo luôn cả xê tôn máu (nhưng bằng que thử riêng).
- Một cách khác, đơn giản nhưng kém chính xác hơn là định tính xê tôn trong nước tiểu bằng cách dùng que thử nhúng vào trong nước tiểu và ước tính xê tôn niệu nhiều hay ít dựa trên mức độ đổi màu que thử.
3. Máy đo huyết áp:
- Có nhiều lý do để người bệnh ĐTĐ cần có máy đo huyết áp tại nhà. Đầu tiên, theo các nghiên cứu, vì trên 60% các BN ĐTĐ có tăng huyết áp và chính tăng huyết áp là nguyên nhân quan trọng gây tử vong cũng như thúc đẩy suy thận và mù lòa ở BN ĐTĐ... Lý do khác là vì tăng huyết áp ở BN ĐTĐ rất khó kiểm soát, ngay cả khi đã dùng đến 2-3 loại thuốc hạ huyết áp. Cuối cùng là do tăng huyết áp, ngay cả tăng rất cao, cũng thường ít có biểu hiện nên nếu không đo thì rất dễ bỏ sót.
- Có nhiều loại máy đo huyết áp để người bệnh ĐTĐ lựa chọn. Ngoài loại máy đo huyết áp đồng hồ như của các thầy thuốc thì còn có loại máy điện tử (tự động) đo huyết áp động mạch tại cổ tay, loại này rất đơn giản và tiện dụng. Một loại khác là máy bán tự động cũng đo huyết áp động mạch cánh tay nhưng có bảng hiển thị số đo. Các loại máy đo tự động và bán tự động còn cho biết nhịp tim và có khả năng lưu giữ kết quả vài chục lần đo.
- Những người bệnh có tăng huyết áp nên đo huyết áp ít nhất 2 lần/ngày, vào buổi sáng và buổi chiều. Ngoài ra, họ cũng nên đo thêm khi bị đau đầu, chóng mặt… hay khi nghi huyết áp cao.
4. Cặp nhiệt độ:
- Đường huyết cao sẽ ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Cộng với các biến chứng tim mạch, thần kinh, mắt… khiến người bệnh ĐTĐ rất dễ bị nhiễm khuẩn, kể cả các nhiễm khuẩn nặng như lao phổi, viêm phổi, loét chân, nhiễm khuẩn huyết. Những BN lớn tuổi hoặc có nhiều biến chứng sẽ có phản ứng rất kém và thầm lặng với nhiễm khuẩn. Vì vậy, nếu thấy ho kéo dài, đái buốt, đái dắt hoặc có vết loét nhỏ ở chân hay đơn giản là khi thấy đường huyết cao kéo dài bất thường thì phải kiểm tra ngay xem có phải mình đang bị viêm nhiễm ở đâu không. Cách đơn giản nhất là cặp nhiệt độ xem mình có bị sốt không. 
ThS. Nguyễn Quang Bảy (Phó trưởng Khoa Nội tiết, BV Bạch Mai)
Theo suckhoedoisong.vn

Dấu hiệu hạ đường máu và cách xử trí

 Hạ đường máu là khi nồng độ đường glucose trong máu giảm xuống dưới 4mmol/l, không đủ cung cấp cho nhu cầu hoạt động của cơ thể, đặc biệt là não. Hạ đường máu hiếm gặp ở những người bình thường nhưng khá phổ biến ở những bệnh nhân đái tháo đường, chủ yếu là do tai biến của điều trị.
Sự nguy hiểm khi bị hạ đường máu
Khi bị hạ đường máu các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Dù cơ thể có khả năng huy động năng lượng từ các nguồn khác như từ lipid, protid nhưng cũng chỉ tạm thời và không đủ. Đặc biệt là não và hồng cầu là 2 cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose. Vì thế hạ đường máu nặng hoặc kéo dài có thể gây tổn thương não nặng, thậm chí gây tử vong. Do vậy việc phát hiện và điều trị hạ đường máu cần phải kịp thời và nhanh chóng.
 
Kiểm tra đường máu cho bệnh nhân.
 Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng của 1 người bị hạ đường máu cũng gần giống như khi bị đói nhưng nặng hơn nhiều. Các triệu chứng này xuất hiện qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn đầu (đường máu giảm xuống còn 4-3mmol/l): bệnh nhân có cảm giác đói, vã mồ hôi, run chân tay, hồi hộp đánh trống ngực và lo sợ… Đa số các bệnh nhân bị hạ đường máu nhận biết và tự điều trị ở giai đoạn này.
- Giai đoạn sau (đường máu giảm xuống còn 3-2mmol/l): bệnh nhân có cảm giác yếu, mệt, đau đầu, nhìn mờ và lơ mơ.
- Giai đoạn cuối: một số ít bệnh nhân (khi đường máu giảm xuống < 2 mmol/l) sẽ đi vào hôn mê, có thể bị co giật.
Những bệnh nhân mắc đái tháo đường đã lâu và đã có các biến chứng thần kinh, tim mạch hoặc những bệnh nhân đã bị hạ đường máu nhiều lần thì các triệu chứng trên rất mờ nhạt, thậm chí có thể không có bất cứ triệu chứng nào. Một số bệnh nhân đái tháo đường đang được dùng các thuốc điều trị suy tim, tăng huyết áp… thì các triệu chứng của hạ đường máu cũng rất mờ nhạt do hầu hết bị thuốc này làm giảm đi rất nhiều hoặc làm mất hoàn toàn các triệu chứng. Những bệnh nhân này có thể đột ngột đi vào hôn mê mà không có bất cứ dấu hiệu báo trước nào.
Hạ đường máu cũng có thể xảy ra khi đang ngủ nên khi mê thấy ác mộng nhiều, sáng ngủ dậy thấy người ướt đẫm mồ hôi, rất mệt, khó chịu, đau đầu… thì cần phải nghĩ đến hạ đường máu khi đang ngủ.
Khi nghi ngờ bị hạ đường huyết cần phải đo đường máu ngay. Nếu đường máu < 4mmol/l thì gần như chắc chắn là đã bị hạ đường máu. Tuy nhiên một số trường hợp người bệnh đái tháo đường có những dấu hiệu giống như hạ đường máu nhưng khi đo thì thấy đường máu không thấp (từ 4-6mmol/l), nguyên nhân là do trước đó đường máu của họ thường xuyên cao nên khi đường máu giảm thì một số cơ quan có cảm giác bị “thiếu” giả tạo và phát ra những dấu hiệu như khi đường máu hạ thấp. Để chẩn đoán chính xác và điều trị đúng hạ đường máu thì cần phải đo đường máu mới biết được.
Dự án phòng chống bệnh ĐTĐ - BV Nội tiết TW
Theo suckhoedoisong.vn

Xét nghiệm hóa sinh để chẩn đoán và kiểm soát glucose máu ở bệnh nhân đái tháo đường

 Xét nghiệm glucose niệu vừa ít nhạy cảm và không đặc hiệu. Nó không phản ánh được những thay đổi của glucose máu bởi ngưỡng thận ở mỗi người khác nhau, nhất là ở người lớn tuổi, mặt khác độ nhạy cũng như độ đặc hiệu của phương pháp định tính và bán định lượng không cao.
Xét nghiệm hóa học dùng trong y học nói chung và hóa sinh nói riêng được sử dụng trong lâm sàng hiện nay rất phong phú, đa dạng. Có tới hàng trăm xét nghiệm khác nhau được sử dụng bằng các phương pháp khác nhau rất chính xác, có thể thực hiện trong thời gian rất ngắn tính bằng giây thay cho các kỹ thuật được dùng trước đây có khi phải cần đến nhiều giờ hoặc nhiều ngày.
Ngày nay, cùng với những phát triển tiến bộ của y học trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ), người bệnh được hưởng rất nhiều những tiến bộ đó trong chẩn đoán. Nhằm mục tiêu kiểm soát đường máu tối ưu để phòng tránh các biến chứng cấp tính và mạn tính của bệnh ĐTĐ, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân, người ta làm xét nghiệm, kỹ thuật sau:
Glucose niệu
Xét nghiệm glucose niệu vừa ít nhạy cảm và không đặc hiệu. Nó không phản ánh được những thay đổi của glucose máu bởi ngưỡng thận ở mỗi người khác nhau, nhất là ở người lớn tuổi, mặt khác độ nhạy cũng như độ đặc hiệu của phương pháp định tính và bán định lượng không cao.
Xét nghiệm glucose niệu có thể khảo sát qua một số phương pháp như: định tính bằng giấy thử, định lượng bằng giấy thử bán định lượng, đinh lượng bằng phương pháp quang phổ có sự tham gia của enzym hexokinase hay glucose dehydrogenase.
Glucose máu
Glucose huyết tương tĩnh mạch, là xét nghiệm quyết định để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Huyết tương được lấy bằng phương pháp ly tâm máu toàn phần nên cần được lưu ý hồng cầu vẫn tiếp tục sử dụng glucose sẽ làm nồng độ glucose giảm xuống, nên tốt nhất sau khi lấy máu xong thì ly tâm lấy huyết tương trong vòng 60 phút hoặc là dùng các chất ức chế hiện tượng thủy phân glucose như natrifluorid và chất chống đông EDTA…
Định lượng glucose máu bằng phương pháp quang phổ với các enzym đặc hiệu hexokinase, glucose dehydrogenase, glucose oxidase…
Định lượng glucose máu có thể thực hiện tại các labo xét nghiệm hoặc tại nhà bằng các máy thử cá nhân dùng để theo dõi quá trình điều trị.
Định lượng hemoglobin A1c hay hemoglobin glycosyl      
Hemoglobin (Hb) glycosyl là sản phẩm tạo thành của glucose hoặc dẫn xuất phosphoryl của glucose lên đầu N tận chuỗi B của HbA có nhiều thành phần A1a1, A1a2, A1b và A1c trong số các HbA thì HbA1c có số lượng quan trọng nhất. Phản ưng tạo thành Hbglycosly không cần xúc tác của enzym phụ thuộc vào nông độ glucose trong hồng cầu. phản ứng glycosly hóa diễn ra trong suốt thời gian của đời sống hồng cầu. Hb glycodly tồn tại cùng với đời sống hồng cầu khoảng 20 ngày.
Định lượng HbA1c có nhiều phương pháp, có thể dùng phương pháp sắc khí lỏng cao áp hoặc phương pháp hóa miễn dịch (như miễn dịch đo độ đục trên các máy sinh hóa tự động)
Định lượng HbA1c nhăm giúp theo dõi nồng độ glucose máu trung bình trong khoảng thời gian 8-10 tuần trước đó, định lượng HbA1c giúp theo dõi quá trình điều trị không có giá trị chẩn đoán bệnh đái tháo đường.
Đinh lượng fructosamin máu
Albumin là thành phần chính của protein huyết tương. Albumin cũng chứa các nhóm huyết thanh chứa các gốc amine cũng có hiện tượng gắn và hiện tượng gắn đường xảy ra cũng không cần sự xúc tác của enzym. Fructosamin để chỉ liên kết cetoamin giữa glucose và protein.
Định lượng frutosamin có thể bằng nhiều phương pháp, trong đó phương pháp miễn dịch đo độ đục là phương pháp có độ tin cậy cao.
Định lượng frutosamin giúp theo dõi nồng độ glucose máu trung bình trong thời gian 2-3 tuần trước đó nên thường dùng để đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị trong vòng 2 hoặc 3 tuần.
Định lượng insulin máu
Insulin là hormon của tuyến tuy có tác dụng hạ đường huyết và được bài tiết khi có mặt glucose trong máu, nhằm thúc đẩy sự vận chuyển glucose vào trong các tế bào của cơ thể. Insulin tác dụng qua trung gian chất thụ thể có ở màng tế bào.
Định lượng insulin có thể sử dụng nhiều phương pháp như phương pháp miễn dịch hóa phát quang hoặc miễn dịch điện hóa phát quang là phương pháp có độ đặc hiệu cao.
Định lượng insulin có ý nghĩa trong việc định hình thể ĐTĐ và điều trị
Định lượng C- Peptid
Chất tiền thân của insulin là pro – insulin. Trysin đã thủy phân pro – insulin cắt mẩu peptid CITRIN gồm 30 acid amin nên lượng bài tiết peptid C bởi tụy tỉ lệ thuận với insulin. Nồng độ peptid C trong máu cho phép biết lượng insulin trong máu nội sinh.
Định lượng C-peptid có trọng lượng phân tử thấp nên sử dụng phương pháp miễn dịch hóa phát quang hoặc miễn dịch hóa phát quang có độ đặc hiệu cao.
 
BS. Nguyễn Quốc Việt - Bệnh viện nội tiết

viêm tuyến giáp hashimoto

(thaythuocvietnam) -  - Viêm tuyến giáp Hashimoto còn gọi là viêm tuyến giáp tự miễn dịch hay viêm tuyến giáp mạn tính, là một bệnh viêm tuyến giáp thường gặp nhất ở Mỹ (khoảng 14 triệu người), trong đó nữ mắc bệnh cao gấp 7 lần so với nam.
Viêm tuyến giáp Hashimoto còn gọi là viêm tuyến giáp tự miễn dịch hay viêm tuyến giáp mạn tính, là một bệnh viêm tuyến giáp thường gặp nhất ở Mỹ (khoảng 14 triệu người), trong đó nữ mắc bệnh cao gấp 7 lần so với nam.
Do rối loạn hệ thống miễn dịch, tạo ra nhiều tế bào miễn dịch và các tự khang thể làm phá hủy các tế bào tuyến giáp dẫn tới giảm khả năng tạo hormone. Suy giáp xuất hiện khi tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cho nhu cầu của cơ thể, tuyến giáp có thể phì đại hình thành bướu giáp.
Nhiều bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto không có triệu chứng trong nhiều năm. Chẩn đoán tình cờ khi thấy tuyến giáp to hoặc kết quả máu định kỳ có bất thường. Khi có triệu chứng thì bướu giáp đã ảnh hưởng đến vùng cổ hoặc lượng hormone tuyến giáp đã giảm sút. Triệu chứng đầu tiên, thường gặp là to ở vùng cổ, biểu hiện này dễ phát hiện, nếu không điều trị bệnh nhân có thể nuốt khó thậm chí khó thở.
Bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto có biểu hiện suy giáp như: mệt mỏi, buồn ngủ, thờ thẫn, chóng quên, khó nhớ, móng tay và tóc khô, dễ gãy, da khô và ngứa, phù mặt, táo bón, đau nhức cơ, tăng cân, rối loạn kinh nguyệt, dễ bị xảy thai, tăng nhạy cảm với các thuốc… Ở một số bệnh nhân, phì đại tuyến giáp và suy giáp tiến triển làm các triệu chứng biểu hiện rầm rộ hơn. Những bệnh nhân này cần được phát hiện sớm và bù hormone đầy đủ. Điều trị hormone đầy đủ còn làm giảm sự phì đại của tuyến và trong một số trường hợp bướu giáp có thể co nhỏ.
Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp Hashimoto là do rối loạn hệ thống miễn dịch, hệ thống này đã không nhận ra tế bào tuyến giáp bình thường mà coi các tế bào tuyến giáp như là tế bào lạ gây đáp ứng miễn dịch tạo ra các kháng thể phá hủy tế bào. Một số nghiên cứu đưa ra các yếu tố môi trường khác nhau có ảnh hưởng tới bệnh nhưng chưa được chứng minh rõ ràng.
Chẩn đoán bệnh dựa vào các daaus hiệu lâm sàng: bướu giáp, trêiuj chứng suy giáp, ngoài ra còn phải dựa vào xét nghiệm máu: kháng thể kháng tuyến giáp (kháng thể này rất đặc hiệu trong viêm tuyến giáp Hashimoto nhưng không phải gặp ở tất cả các bệnh nhân); TSH tăng, FT4 giảm. Chọc tế bào tuyến giáp làm xét nghiệm tế bào học không phải là xét nghiệm thường quy ở tất cả các bệnh nhân nhưng đây là xét nghiệm để phân biệt viêm tuyến giáp Hashimoto với các bệnh tuyến giáp khác.
Do rối loạn hoạt động của hệ thống miễn dịch, bệnh nhân viêm tuyến giáp Hashimoto có nguy cơ mắc một số bệnh như đái tháo đường typ 1, Bệnh Basedow, viêm đa khớp dạng thấp, thiếu máu ác tính, bệnh Addison, suy chức năng buồng trứng sớm, bệnh lupus ban đỏ hệ thống…
Điều trị hormone thay thê levothyroxi hàng ngày, liều phụ thuộc vào từng bệnh nhân. Bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh tim mạch nêm dùng liều nhỏ tăng dần, trong khi đó người trẻ có thể dùng liều cao ngay từ đầu. Sau một vài thángddieeuf trị, các triệu chứng dần được cải thiện, bướu giáp có thể co nhỏ lại.
 
 
PGS. TS. Đỗ Trung Quân
ThS. BS. Lê Thị Vân Anh
Khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Bạch Mai.

Cấp cứu hôn mê do đái tháo đường

(thaythuocvietnam) -  - Đường huyết mao mạch thấp < 3,9mmol/l Chuẩn đoán xác định: hạ đường huyết
Đường huyết mao mạch thấp < 3,9mmol/l
Chuẩn đoán xác  định: hạ đường huyết
Bệnh nhân tỉnh
Hỏi bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường có các triệu chứng:
- Bệnh nhân cảm thấy mệt đột ngột không giải thích được
- Có cảm giác chóng mặt, đau đầu, lo âu.
- Cảm giác tay chân nặng nề, yếu.
- Da xanh tái.
- Vã mồ hôi thường ở lòng bàn tay, trán, nách.
- Hồi hộp đánh trống ngực, lo âu, hốt hoảng, mất bình tĩnh.
- Có hiện tượng tăng tiết nước bọt.
- Cảm giác ớn lạnh trong người chạy dọc sống lưng
- Run tay
- Nhịp tim nhanh, thường nhanh xoang, có thể gặp cơn nhịp nhanh thất hoặc trên thất.
- Tăng huyết áp tâm thu
- Có thể có cơn đau thắt ngực, cảm giác nặng vùng tim
- Cảm giác đói cồn cào, cảm giác nóng rát vùng dạ dày
- Có thể có cơn đau thắt dạ dày, đau vùng thượng vị
- Có thể có buồn nôn, nôn
- Nhìn mờ, nhìn đôi, hoa mắt
- Có thể có biểu hiện kích động, rối loạn nhân cách
- Nói cười vô cớ
- Có biểu hiện ảo giác.
  Kiểm tra đường huyết mao mạch < 3,9mmol/l chẩn đoán xác định hạ đường huyết do đái tháo đường.
Xử  trí tại chỗ
- Cần cho ăn ngay tối thiểu 15g đường (3 miếng đường).
- 100ml nước ngọt (nước đường, nước hoa quả pha đường, cocacola).
- Sau đó cho ăn phở hoặc cơm, bánh mì.
Bệnh nhân hôn mêcó một số triệu chứng:
- Da tái xanh
- Vã mồ hôi thường ở lòng bàn tay, trán, nách
- Nhịp tim nhanh, thường nhịp nhanh xoang, có thể gặp cơn nhịp nhanh thất hoặc trên thất.
- Tăng huyết áp tâm thu
- Dấu hiệu thần kinh khu trú: liệt 1/2 người, tổn thương thần kinh sọ não, rối loạn cảm giác, vận động.
- Tình trạng hôn mê thường yên lặng, hôn mê sâu không kèm theo các triệu chứng mất nước và đái nhiều. Không có biểu hiện nhiễm trùng.
- Có thể có biểu hiện thần kinh khu trú kèm theo
Babinski dương tính (+) hai bên
- Hôn mê sâu có thể phản xạ gân xương giảm
- Co giật toàn thân, có thể gặp co giật khu trú kiểu động kinh.
- Không có rối loạn nhịp thở
- Tăng trương lực cơ toàn thân.
Đường huyết mao mạch < 3,9mmol/l đôi khi chỉ còn vết
Xử  trí tại chỗ
- Tiêm tĩnh mạch dung dịch đường glucose 20-30% (40-60ml) có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh
- Nếu bệnh nhân ở trạng thái kích thích vật vã khó tiêm truyền tĩnh mạch có thể tiêm glucagon 1mg tiêm bắp, sau 10 phút có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh
- Bệnh nhân bị hạ đường huyết kéo dài (thuốc uống hạ đường huyết) sau cấp cứu như trên để tránh tái phát phải đặt đường truyền tĩnh mạch: truyền glucose 10%  1000ml/4giờ; 1000ml/12giờ sau chuyển ngay đến bệnh viện chuyên khoa để theo dõi và điều trị
- Bệnh nhân tỉnh: cho uống nước đường hoặc sữa hoặc ăn thêm bữa, kiểm tra đường huyết 4giờ/lần để tránh đường huyết quá cao
- Hôn mê kéo dài do cấp cứu muộn hoặc do tai biến như phù não hoặc tai biến mạch máu não: phải được theo dõi tại bệnh viện
+ Duy trì đường máu bằng glucose 10%
+ Chống phù não bằng hydrocortisone 100mg  4giờ/ lần hoặc truyền mannitol
+ Xử trí nguyên nhân: tại viện
    Bệnh nhân sử dụng insulin phải hướng dẫn lại phương pháp lấy thuốc, bảo quản và cách tiêm, lấy đúng liều lượng, cách dự phòng và xử lý khi bị hạ đường huyết.
    Bệnh nhân do dùng sulfamid hạ đường huyết, đặc biệt người già phải truyền glucose 10% liên tục 24 giờ và chuyển phòng cấp cứu để theo dõi.
    Bệnh nhân có rối loạn ý thức nặng phải vào viện để điều trị và theo dõi. 
Đường huyết cao (> 16mmol/l hoặc máy thử đường huyết mao mạch cho kết quả cao)
Chuẩn  đoán: hôn mê do tăng đường huyết, kèm theo các biểu hiện:
- Thở nhanh, sâu, kiểu thở Kussmaul
- Mất nước: mặt hốc hác, mắt trũng, môi khô, da khô.
- Mạch nhanh, huyết áp tụt.
Xử  trí tại chỗ:
- Đặt đường truyền tĩnh mạch: truyền dung dịch natriclorid 0,9%  500ml.
- Tiêm 10 đv insulin nhanh tĩnh mạch.
- Chuyển tới bệnh viện chuyên khoa điều trị.
 
PGS.TS. Đỗ Trung Quân

Chẩn đoán và điều trị nội khoa bệnh BASEDOW

(thaythuocvietnam) -  - Bệnh Basedow hay còn gọi là bệnh Grave là biểu hiện cường chức năng tuyến giáp nguyên nhân do tự miễn dịch. Các kháng thể TSI kích thích các receptor của TSH trên màng tế bào tuyến giáp, do đó làm tăng tiết hormon tuyến giáp. TSI (+) trong 80-90% trường hợp bệnh Basedow.
Yếu tố thường gặp
- Cơ địa: 80% là nữ (20-50 tuổi)
- Hoàn cảnh xuất hiện: đột ngột sau stress hoặc sau chấn thương tinh thần, đôi khi có thể xảy ra một cách từ từ
- Tiền sử tuyến giáp: xuất hiện trên người có bướu cổ
- Xuất hiện trên người có phối hợp với bệnh lý miễn dịch khác (đái tháo đường, nhược cơ …)
Triệu chứng lâm sàng
 
Mắt bình thường - Mắt lồi trong bệnh Basedow. (ảnh-internet)
 
Bướu cổ: bướu lan tỏa, nhẵn, không đau, có thể có tiếng thổi hoặc rung miu (bướu mạch). Bướu mạch là một trong những biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh Basedow.
Các dấu hiệu mắt
- Thường ở cả hai mắt nhưng 10% chỉ ở một bên. Tiến triển có thể độc lập với tiến triển của bệnh Basedow và cũng là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh Basedow
- Dấu hiệu điển hình: biểu hiện co cơ mi trên như dấu hiệu Stellwag: mi mắt nhắm không kín. Dấu hiệu Dalrymple: co cơ mi trên gây hở khe mi. Dấu hiệu Von Graefe: mất đồng tác giữa nhãn cầu và mi trên. Dấu hiệu Moebius: giảm hội tụ nhãn cầu gây nhìn đôi do liệt cơ vận nhãn
- Lồi mắt thực sự do nhãn cầu bị đẩy ra phía trước. Thông thường lồi cả hai bên, có thể một bên lồi hơn. Xác định lồi mắt bằng thước Hertel bình thường là 12±1,75mm. Lồi mắt rõ khi lớn hơn 22mm
- Các dấu hiệu mắt khác: tổn thương cơ vận nhãn, sung huyết kết mạc, tổn thương thần kinh thị giác
Các dấu hiệu cường giáp
- Các dấu hiệu tim mạch
+ Trống ngực, khó thở khi gắng sức, thậm chí đau vùng trước tim
+ Các rối loạn vận mạch: cơn bốc hỏa, vã mồ hôi, sợ nóng
+ Nhịp tim nhanh thường xuyên > 100 lần/phút ngay cả khi nghỉ ngơi, rõ khi gắng sức hoặc xúc động
+ Có thể có rối loạn nhịp tim từ ngoại tâm thu đến loạn nhịp hoàn toàn
+ Nghe tim: tiếng tim mạch có thể có thổi tâm thu
+ Huyết áp bình thường có thể có huyết áp tâm thu tăng, huyết áp tâm trương bình thường
- Gầy: thường gặp và xuất hiện sớm, gầy nhanh và nhiều (3 – 20 kg trong 1 vài tuần) trong khi ăn ngon miệng thậm chí ăn nhiều. Chán ăn thường hiếm gặp
- Các dấu hiệu thần kinh – cơ
+ mệt mỏi, thay đổi tính tình: hay lo âu, dễ bị kích thích, không có khả năng tập trung tư tưởng, rối loạn giấc ngủ
+ Run rõ nhất ở đầu chi, biên độ nhỏ, tần số nhanh thường xuyên tăng lên khi xúc động
+ Yếu cơ chủ yếu các cơ ở gốc chi nhất là cơ tứ đầu đùi, thể hiện rõ khi leo cầu thang hoặc khi ngồi xổm rồi đứng dậy (dấu hiệu ghế đẩu – Signe du Tabouret). Hiếm gặp hơn có thể gặp liệt chu kỳ do cường giáp có hạ kali máu thường gặp ở bệnh nhân nam châu Á
+ Khám thần kinh bình thường trừ phản xạ gân xương nhanh, rút ngăn thời gian đáp ứng cơ (phản xạ đồ gót chân)
- Các dấu hiệu tiêu hóa: tiêu chảy là các triệu chứng thường gặp, đôi khi có tiêu chảy phân mỡ
- Các dấu hiệu sinh dục: rối loạn kinh nguyệt: kinh nguyệt thưa, không đều, mất kinh ở nữ. Giảm tình dục ở nam. Vú to ở nam được nhận thấy trong 40% bệnh nhân
- Các dấu hiệu khác:
+ Đau xương do loãng xương (8 % trường hợp tăng lên so với tuổi, đặc biệt ở nữ)
+ da nóng ẩm, có thể đỏ khư trú ở mắt, cổ, lòng bàn tay, bạch biến ở mu bàn tay, chân
+ tóc xơ, móng tay, chân thường dễ gãy
+ Phù niêm xương chày, thâm nhiễm cứng của tổ chức dưới da tạo thành mẳng nổi gờ lên màu da cam ở mặt trước cẳng chân và mu chân (triệu chứng này đặc hiệu nhưng hiếm gặp)
Các dấu hiệu cận lâm sàng
Các xét nghiệm đánh giá ảnh hưởng ngoại biên của nhiễm độc giáp: ít có giá trị trong chẩn đoán xác định bệnh. Tuy nhiên, có thể thấy: cholesterol trong máu giảm, giảm triglycerid, giảm dung nạp glucose, tăng calci máu, tăng calci niệu
Định lượng miễn dịch phóng xạ các hormone tuyến giáp: là một trong những xét nghiệm có giá trị chẩn đoán bệnh Basedow hiện đang được áp dụng rộng rãi
- T3, T tự  do ↑↑; TSH ↑↑ < 0,15μu/ml; TSI ↑↑
Xét nghiệm các kháng thể (KT) kháng tuyến giáp
- Các KT TgAb hoặc TPOAb có thể (+)
- Kháng thể kháng TSH (TRAb) là xét nghiệm đặc hiệu, có giá trị đặc biệ trong bệnh nhân Basedow không có triệu chứng, bệnh nhân lồi mắt một bên mà không có triệu chứng khác và đồng thời còn có giá trị tiên lượng về khả năng tái phát của bệnh
Xét nghiệm iod phóng xạ
- Xạ hình tuyến giáp: hình ảnh tuyến giáp tăng hoạt tính đồng nhất và lan tỏa
- Độ tập trung I131 hoặc I123 điển hình có góc chạy ↑ 2h, ở ↓↓ 24h
Chẩn đoán Xác định bệnh Basedow chủ yếu dựa vào các triệu chứng đặc hiệu trên lâm sàng như bướu mạch hoặc lồi mắt, co mi trên phối hợp với chứng cường giáp. Xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm: tăng Tvà /hoặc Ttự do; TSH giảm thấp; TSI hoặc TRAb tăng là những xét nghiệm đặc hiệu giúp cho chẩn đoán sai
Điều trị
Có 3 phương pháp điều trị bệnh Basedow: nội khoa, ngoại khoa và phóng xạ (isotop), tuy nhiên điều trị nội khoa luôn được áp dụng ở nhiều tuyến cơ sở ngay cả những nơi không phải chuyên khoa sâu.
Iod
- Cơ chế tác dụng: ức chế hình thành iod hữu cơ từ vô cơ, ức chế giải phóng hormone tuyến giáp từ kho dự trữ, giảm tưới máu, cho phép tổ chức tuyến giáp nghỉ.
- Chỉ định: Basedow nhẹ, trung bình. Chuẩn bị phẫu thuật. Cơn nhiễm độc giáp cấp tính
- Viêm gan nặng
- Liều: Lugol 5%, 30-60 giọt/ ngày chia 3 lần tùy từng trường hợp cụ thể (20 giọt = 1ml = 50mg). Tuy nhiên cần lưu ý thời gian tác dụng của Lugol ngăn 10-15 ngày
Kháng giáp trạng tổng hợp: bao gồm este của thiouracil và dẫn chất của imidazol.
- Cơ chế tác dụng: ức chế sự hữu cơ hóa của iod, ức chế sự kết hợp giữa mono – iodothyroxin và diiodthyroxin
- Chỉ định: thể nhẹ, trung bình. Thể có biến chứng tim, không mổ được hoặc không điều trị được bằng I131. Trước điều trị iod phóng xạ và điều trị ngoại khoa
- Chống chỉ định: tăng nhạy cảm với thuốc. Bướu chìm hoặc lạc chỗ
- Các thuốc của 2 nhóm được dùng nhiều hiện nay là propylthiouracyl (PTU viên 25 và 50mg) và thimazol (thyrozol 5mg) Carbimazol (neo-Mercarzol 5mg)
- Liều: giai đoạn tấn công 1-2 tháng (PTU 200-400mg/ng; Thyrozol 15-40mg/ng). Duy trì 18 tháng, liều giảm dần tùy theo diễn biến. PTU 50-100mg/ng; thyrozol 5-10mg/ng)
- Tác dụng phụ:
+ rối loạn tiêu hóa, ban đỏ ở da vài ngày thứ 10
+ Giảm bạch cầu vì vậy cần theo dõi công thức bạch cầu. Ngừng điều trị khi bạch cầu đa nhân thấp hơn 1200/mm3, số lượng bạch cầu < 3000/mm3. Chứng mất bạch cầu hiếm gặp (0,5% trường hợp)
+ Viêm gan do thuốc:
- Kết quả khỏi hẳn 60-70%, 40% tái phát cần điều trị lại
Các thuốc chẹn beta: Atenolol, Avlocardyl, Betaloc… chẹn giao cảm chọn lọc, ít tác dụng phụ
- Cơ chế: giảm hiệu quả của hormone giáp trên hệ thống adrebergic, đặc biệt là nhịp tim nhanh. Ức chế chuyển T4 thành T3 ở ngoại vi
- Liều lượng: 1-3 viên/ngày, bắt đầu từ liều thấp (½ viên)
- Chống chỉ định: bloc nhĩ thất, hen, loét dạ dày – tá tràng,suy tim
An thần: Benzodiazepin (Seduxen) 5mg/1 viên vào buổi tối
Theo dõi điều trị
- Lâm sàng: nhịp tim cân nặng có tác dụng phụ với thuốc
- Cận lâm sàng: công thức máu sau 10-15 ngày điều trị, men gan; các xét nghiệm hormon giáp trạng làm lại sau 4-6 tuần điều trị.
Các thuốc và liều lượng

Danh pháp quốc tế
Biệt dược
Trình bày
Liều tấn công
Liều duy tr
Methyl Thiouracyl    ( MTU)
 
25mg
200-400mg
50-100mg
Propyl Thiouracyl   (PTU)
 
25/50mg
200-400mg
50-100mg
Benzyl Thiouracyl
Basdene
25mg
100-200mg
50-100mg
DC Imidazol
Methimazol
Carbimazol
Thyrozol
Neo-Mercarzol
Novacarb
5mg
15-40mg
30-45mg
5-10mg
 
TS.BS. Nguyễn Khoa Diệu Vân