Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

10 cách phòng tránh biến chứng của Đái tháo đường

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính có khả năng gây tàn phế và tử vong rất lớn. Người bị ĐTĐ có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ đến mức thấp nhất các biến chứng của bệnh.
Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh mạn tính có khả năng gây tàn phế và tử vong rất lớn. Tuân thủ điều trị thật nghiêm ngặt, chủ động theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh lý của bản thân từ việc tiến hành kiểm tra đường máu định kỳ đều đặn đến chăm sóc cẩn thận đôi bàn chân của mình, người bị ĐTĐ có thể phòng ngừa hoặc giảm nhẹ đến mức thấp nhất các biến chứng của bệnh. Dưới đây là 10 cách gíup phòng tránh các biến chứng của ĐTĐ:
1. Kiểm tra sức khỏe tổng quát hàng năm
Ngoài việc kiểm tra đường máu đều đặn, người bị ĐTĐ nên tiến hành khám sức khỏe tổng quát hàng năm để các thầy thuốc phát hiện sớm, ngăn chận và điều trị kịp thời các biến chứng ở mắt, ở thận và ở tim.
2.Khám mắt định kỳ mắt hàng năm
Việc khám mắt định kỳ hàng năm sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu qủa các biến chứng về mắt của bệnh ĐTĐ. Đặc biệt  nếu người bị ĐTĐ không có điều kiện để kiểm soát thường xuyên đường máu, cholesterol/máu,  huyết áp cùng việc phát hiện các biến chứng ở thận thì người ấy nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt nhiều lần trong năm.
3. Khám nha khoa 2 lần trong một  năm
Đường máu tăng cao sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể khiến người bị ĐTĐ dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn. Vì miệng là ổ chứa vi khuẩn nên lợi răng rất dễ bị nhiễm khuẩn. Do đó người bị ĐTĐ nên  kiểm tra răng miệng mỗi năm hai lần.
4. Tiêm phòng vắc-xin
Thực hiện tiêm chủng sẽ giúp người bị ĐTĐ phòng tránh được những biến chứng nghiêm trọng của bệnh:
* Chủng ngừa cúm hàng năm: Người bị ĐTĐ dễ bị cúm hơn người không bị ĐTĐ và dễ phát triển các biến chứng của bệnh sau đợt cúm. Một mũi tiêm  chủng ngừa cúm hằng năm sẽ giúp người bị ĐTĐ phòng tránh được bệnh cúm và các biến chứng của ĐTĐ, kể cả biến chứng toan chuyển hóa ceton và hội chứng tăng áp lực thẩm thấu.   .
*. Chủng ngừa vắc-xin viêm phổi: Người bị ĐTĐ nên được tiêm vắc-xin phòng viêm phổi. Nếu người bệnh trên 65 tuổi hoặc đã bị các biến chứng thận, tim thì nên tiêm phòng loại vắc-xin viêm phổi có hiệu quả kéo dài  được 5 năm.
. Tiêm phòng uốn ván và viêm gan siêu vi B: Nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi tiêm.
5. Chăm sóc đôi bàn chân
Đái tháo đường rất nguy hiểm cho đôi bàn chân vì:
. Đái tháo đường làm tổn thương hệ thống thần kinh ở bàn chân, làm giảm cảm giác đau ở chân, do đó người bị ĐTĐ có thể bị tổn thương bàn chân mà không hề hay biết.
. Đái tháo đường làm hẹp hoặc làm tắc nghẽn các mạch máu ở bàn chân, làm giảm dòng máu đến nuôi chân khiến cho các vết thương nhỏ ở bàn chân khó lành  và có thể phát triển thành các vết thương  rộng lớn, nhiễm khuẩn nặng.
6. Không hút thuốc lá
Người bị ĐTĐ hút thuốc lá dễ bị tử vong vì bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc những bệnh lý khác hơn nhưng người không hút thuốc do:
. Hút thuốc lá làm hẹp các mạch máu, làm giảm tưới máu đến chân, làm các vết thương khó lành và khó liền sẹo, làm gia tăng nguy cơ bị các cơn đau tim, đột quỵ…
. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ dễ bị các biến chứng về thận, thần kinh.
. Hút thuốc lá làm giảm sức đề kháng của cơ thể, khiến cho người bệnh dễ bị cảm lạnh, dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp.
7. Uống Aspirine hàng ngày
Theo Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ, các bệnh nhân bị ĐTĐ nên dùng Aspirine hàng ngày để giảm nguy cơ cơn đau tim. Tuy nhiên bạn nên trao đổi với thầy thuốc của mình để biết rõ liều lượng cần dùng và chắc chắn rằng Aspirine an toàn cho sức khỏe của bạn.
8. Kiểm soát huyết áp
Huyết áp tăng cao cũng làm tổn thương các mạch máu.  Sự kết hợp ĐTĐ với tăng huyết áp sẽ dễ gây  nên cơn đau tim, đột quỵ đe dọa  tính mạng của người bệnh. Với người bị ĐTĐ có tăng huyết áp, Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ khuyến cáo nên điều trị thuốc hạ huyết áp để duy trì huyết áp dưới 130/80 mmHg, đồng thời  kết hợp với chế độ ăn cân bằng, ít muối, hạn chế rượu bia và vận động đều đặn.
9. Kiểm soát đường huyết
Kiểm soát đường huyết chặt chẽ là việc làm  quan trọng nhất  để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của ĐTĐ giúp người bệnh sống chung với ĐTĐ một cách khỏe mạnh.
10. Giảm stress
Stress có thể làm tăng sản xuất một số các hóc mon làm ngăn chặn tác dụng của insulin khiến đường huyết tăng cao, giảm sút hiệu qủa điều trị. Nếu bạn bị stress nặng bạn sẽ không có thời gian để chăm sóc và kiểm soát bệnh lý ĐTĐ của mình vì không thể ăn uống tốt, không kiểm soát được đường máu, không vận động đều đặn, không uống thuốc đúng liều. Ngoài ra nếu bị stress kéo dài sẽ dễ dàng dẫn đến trầm cảm. Do đó người bị ĐTĐ cần kiểm soát  tốt cảm xúc của mình, hạn chế cang thẳng về tinh thần, giữ cho tâm hồn luôn được thư thái.
Theo medinet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét