Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Lưu ý biến chứng viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường

Một điều khiến nhiều người rất thắc mắc đó là tại sao đái tháo đường lại có thể gây ra viêm đa dây thần kinh? Cái gì đã diễn ra bên trong và gây ra hiện tượng này?

Viêm đa dây thần kinh là gì?

Bệnh viêm đa dây thần kinh là tình trạng phá hủy và suy giảm một phần hay toàn bộ cấu trúc và chức năng của dây thần kinh. Thường các dây thần kinh nằm ở ngoại vi.


Dây thần kinh có chức năng cơ bản là dẫn truyền xung động thần kinh. Các xung động này thuộc 3 loại xung động khác nhau: xung động cảm giác, xung động vận động và xung động dinh dưỡng. Nếu dây thần kinh bị tổn thương về mặt cấu trúc thì chức năng của chúng bị suy giảm. Điều này dẫn đến chức năng dẫn truyền của chúng bị gián đoạn và bộ phận chứa dây thần kinh đó sẽ bị tác động.

Lấy ví dụ như cảm giác sung sướng trong sinh dục là một xung động cảm giác. Khi chúng ta chà xát hoặc kích thích lên bộ phận sinh dục hoặc vùng gần với sinh dục, chúng ta đã tạo ra cảm giác sinh dục và tạo sự hưng phấn cho bạn tình. Thực hiện sự sung sướng khoái cảm này chính là do cảm giác sinh dục và dây thần kinh sinh dục thực hiện. Nhưng nếu vì một lý do nào đó, dây thần kinh sinh dục bị tổn thương, thì chúng ta hoàn toàn không có một cảm giác sung sướng nào hết.

Người ta gọi là viêm đa dây thần kinh nhưng trên thực tế, bệnh của dây thần kinh không do hiện tượng viêm gây ra. Chúng chỉ có hình ảnh tổn thương giống như viêm mà thôi.

Bệnh có nhiều nguyên nhân. Bạn có thể bị viêm dây thần kinh do thiếu vitamin B1, bạn có thể bị viêm dây thần kinh thuốc, do nhiễm độc. Nhưng ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến chứng viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường.

Bệnh hay gặp ở đâu?

Có thể nói rằng viêm đa dây thần kinh có thể gặp ở nhiều dây thần kinh khác nhau. Cứ chỗ nào có dây thần kinh thì chỗ đó bị ảnh hưởng và dây thần kinh đó chịu tổn thương.

Những vị trí có thể gặp tổn thương như tổn thương chân tay, tổn thương ở cơ quan nội tạng và tổn thương ở mặt cổ. Tổn thương ở chân tay là do tổn thương dây thần kinh ngoại vi. Tổn thương cơ quan nội tạng là do tổn thương các dây thần kinh hệ thống bên trong cơ thể. Tổn thương mặt cổ là tổn thương các dây thần kinh sọ não.

Trong các vị trí này, tổn thương ở chân tay hay gặp nhất vì dây thần kinh ngoại vi dễ bị tác động bởi chứng bệnh này.

Dây thần kinh ở chân tay có ba chức năng cơ bản: vận động, cảm giác và dinh dưỡng. Vì thế tổn thương dây thần kinh ở chân tay gây ra 3 dấu hiệu về cảm giác, dinh dưỡng và vận động. Ở một góc độ nào đó, nó có thể tác động vào dây thần kinh sinh dục và làm tổn thương cảm giác ở bộ phận này.

Tại sao đái tháo đường lại gây viêm đa dây thần kinh?

Một điều rất thắc mắc với người bệnh đái tháo đường và với các nhà điều trị đó là tại sao đái tháo đường lại có thể gây ra viêm đa dây thần kinh? Và khi nào thì người bệnh đái tháo đường sẽ bị viêm đa dây thần kinh?

Lý do người bệnh đái tháo đường có thể bị viêm đa dây thần kinh chủ yếu do tổn thương vi mạch máu gây ra. Tất nhiên có rất nhiều giả thiết giải thích hiện tượng này nhưng hiện nay đa phần người ta thiên về giả thiết này.

Khi bị đái tháo đường, do sự rối loạn chuyển hóa nên các mạch máu nhỏ bị tổn thương. Các tế bào nội mô bị rối loạn chuyển hóa và trở nên mất tính trơn nhẵn. Chúng mất vai trò bảo vệ và từng bước bị hoại tử, tắc mạch, để thất thoát nhiều thành phần quan trọng của máu. 

Chính những thay đổi này làm thiếu máu nuôi dưỡng chạy dọc theo các dây thần kinh và gây ra hội chứng viêm đa dây thần kinh.

Vì lý do tổn thương vi mạch máu đi trước nên phải mất một thời gian nhất định đái tháo đường mới gây ra. Không phải ngay lập tức đái tháo đường có thể gây ra viêm đa dây thần kinh luôn. Nhưng sau một thời gian điều trị không tốt hoặc không điều trị thì hiện tượng viêm đa dây thần kinh xảy ra. 

Thường người ta thấy, người bệnh đái tháo đường sẽ có hiện tượng viêm đa dây thần kinh sau từ 20 năm bị bệnh. Nếu người bệnh không kiểm soát tốt nồng độ đường máu hoặc điều trị không thường xuyên thì thời gian này sẽ rút ngắn hơn. 

Nhưng nếu người bệnh chịu khó tập thể dục liệu pháp, tích cực áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu ngoài chế độ điều trị và dinh dưỡng chặt chẽ thì thời gian xuất hiện biến chứng này sẽ chậm hơn.

Do đó, việc kiểm soát biến chứng thần kinh trong bệnh đái tháo đường hoàn toàn phụ thuộc vào chính người bệnh

Biểu hiện của bệnh?

Ngoài các biểu hiện đặc trưng của bệnh đái tháo đường theo thể bệnh khác nhau, người bệnh còn kèm theo các dấu hiệu nhận ra của biến chứng viêm đa dây thần kinh. Biểu hiện chúng ta có thể nhận thấy bao gồm: tê bì, kim châm, teo cơ, khô da, đau ở chân và tay.

Đầu tiên đó là cảm giác tê bì kim châm ở vùng bàn chân. Cảm giác này xuất hiện ngày càng rõ dần theo thời gian. Ban đầu người bệnh chỉ bị nhẹ, nhưng về sau thì bị nặng hơn. Cảm giác tê bì y hệt như cảm giác bị đè ép ở một tư thế quá lâu. 

Lúc đầu thì chỉ cần xoa bóp thì hết nhưng sau đó là cảm giác kéo dài. Lúc nào ở bàn chân, mu chân rồi lên cẳng chân cũng có cảm giác buồn buồn, tê bì ngoài da. Tay sờ vào như thể sờ vào một vùng da rất dầy và cảm giác tinh tế hoàn toàn bị rối loạn. Cùng với tê bì đó là cảm giác bị kim châm vào da. Nó để lại sự khó chịu mỗi khi người bệnh đi lại.

Bên cạnh rối loạn cảm giác đó là hiện tượng rối loạn dinh dưỡng vùng thần kinh điều khiển. Da thì trở nên khô ráp, không mỡ màng, không đầy đặn. Thay vào đó là một lớp da khô, nứt nẻ. 

Màu da không còn sáng mà trở nên xỉn màu và thâm xịt. Cơ thì bị teo lại, không còn trương lực tốt. Gần như chúng ta nhìn thấy da bó sát vào xương. Chân tay người bệnh trở nên gầy guộc kỳ lạ. Sự thiểu dưỡng còn trầm trọng đến mức sau một thời gian, da trở nên bị loét. Sự loét da là kết quả đỉnh điểm của biến chứng viêm đa dây thần kinh và hiện tượng tắc mạch xảy ra.

Sau một thời gian xuất hiện các dị cảm tê bì trên da, về sau người bệnh sẽ bị đau chân. Nhất là đau ở phần mu chân, ngón chân và khớp cổ chân. Người bệnh đau đớn đến mức ngay cả tập thể dục cũng rất khó khăn. Lúc này chúng ta cần đi khám ngay.

Có một điều lưu ý đó là các hiện tượng này chủ yếu xuất hiện ở chân là chính. Khi xử lý kịp thời thì các tổn thương này có thể được đẩy lùi và hồi phục. Do đó, kiểm soát bệnh đái tháo đường rất quan trọng.

Bệnh có điều trị được?

Hiện tượng viêm đa dây thần kinh hoàn toàn có thể điều trị được. Vì suy cho cùng đó chỉ là sự tổn thương vỏ dây thần kinh hoặc cùng lắm là dây thần kinh. Tế bào thần kinh gốc hoàn toàn không bị tổn thương. Còn tế bào thần kinh thì chúng ta có thể tự tái tạo lại dây thần kinh nhờ vào sự phát triển mạnh của tế bào.

Tất nhiên trong quá trình điều trị, bạn cần tuân thủ chặt chẽ chế độ uống thuốc điều trị. Việc tuân thủ chặt chẽ chế độ uống thuốc sẽ giúp bạn kiểm soát được nồng độ đường máu và do đó giảm xuống tối đa nguy cơ biến chứng. Những bệnh nhân đái tháo đường typ 1 cần vô cùng nghiêm ngặt chế độ tiêm insulin theo liều chỉ định.

Song song với việc dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng là thứ không bao giờ được lơ là. Người bệnh dứt khoát cần giảm đồ ngọt như kẹo bánh xuống tối đa trong thời gian bị viêm đa dây thần kinh. Kể cả các hoa quả giàu ngọt và béo như xoài, mít, na, dưa hấu cũng rất hạn chế, mặc dù bình thường nó rất tốt.

Việc ăn các chất bột đường cũng hạn chế và phải rải đều ra trong ngày để tránh đường máu lên cao. Thường thì lượng bột đường ăn một bữa sẽ phải giảm xuống chỉ còn 1/3 so với thông thường. 

Một bữa bạn chỉ nên ăn 1 bát cơm nhỏ và không được ăn hơn lượng này. Bạn cũng không được ăn chất béo quá nhiều. Nhất định không được ăn quá tải chất béo.

Bạn nhất định cần áp dụng các hướng dẫn tập thể dục đều đặn do bác sỹ điều trị hướng dẫn. Nếu không có chỉ định riêng, bài tập thể dục tốt nhất đó là đi bộ 15 phút mỗi buổi, chia đều 2 buổi sáng chiều. Điều này rất có lợi cho dinh dưỡng của thần kinh.

Một chế độ điều trị đặc biệt cho viêm dây thần kinh đó là dùng vitamin B liều cao, liên tục. Các thuốc làm tăng dần truyền thần kinh và tăng tái tạo bao dây thần kinh cũng được áp dụng. Các thuốc này bạn sẽ được bác sỹ điều trị hướng dẫn uống cụ thể. Bạn cần nhớ, tốc độ cải thiện triệu chứng của chứng bệnh này rất chậm. Vì thế bạn đừng quá nôn nóng khi thấy 1 tháng rồi mà chưa thấy có cải thiện nào.

Nhớ đi khám bệnh ngay khi có các dấu hiệu trên xảy ra để xử lý kịp thời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét