Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Theo dõi đường huyết để kiểm soát tốt bệnh

Vì sao phải theo dõi ĐH?
Theo nghiên cứu UKPDS - 1 nghiên cứu chuẩn về ĐTĐ týp 2 tại châu Âu, khi HbA1C tăng 1% (tương ứng ĐH tăng khoảng 2 mmol/l) thì nguy cơ bị các biến chứng thận, mắt, thần kinh tăng 25% và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tăng 16%. 
Ngược lại, khi ĐH hạ thấp dưới 3 mmol/l thì bệnh nhân có nguy cơ rất cao bị hôn mê, thậm chí tử vong. Do vậy, bệnh nhân ĐTĐ cần cố gắng duy trì ĐH ở mức càng gần bình thường càng tốt. Tuy nhiên, nếu không đo ĐH thì không thể biết được mức ĐH đang cao, thấp hay bình thường. Đặc biệt, khi ĐH cao trong khoảng 7 - 16 mmol/l đã có khả năng gây nhiều biến chứng một cách âm thầm hoặc là thấp tới 3 - 4 mmol/l sắp gây hôn mê hạ ĐH thì cảm giác của đa số người bệnh vẫn là “bình thường”. 
Do đó, để biết mình có đang ở trong vùng ĐH an toàn hay không, cần phải kiểm tra ĐH thường xuyên, hàng ngày để điều chỉnh ngay chế độ ăn uống, thuốc men nếu cần.
Điều trị thành công bệnh ĐTĐ có nghĩa là giữ được ĐH trong giới hạn cho phép, không để đường máu tăng quá cao hoặc tụt thấp, ngăn ngừa sự xuất hiện các biến chứng của ĐTĐ cả biến chứng cấp và mạn tính.
Nếu chỉ dựa vào các dấu hiệu lâm sàng sẽ không thể biết được ĐH của BN ĐTĐ có bình thường hay không. Thông thường thì người bệnh vẫn nghĩ là ĐH của mình bình thường ngay cả khi đường máu cao gấp 2 - 3 lần mức cho phép, đồng nghĩa là các biến chứng có cơ hội lớn để phát triển.
Chỉ bằng cách đo nhiều lần mới cho biết đường máu của họ đang nằm ở mức nào, có nguy hiểm hay không và có cần can thiệp hay không, can thiệp bằng cách nào, đến mức nào để đưa đường máu về bình thường càng nhanh càng tốt, hạn chế được tối đa nguy cơ xuất hiện và tiến triển của biến chứng.
Hiện nay, theo khuyến cáo mới của Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ và Canada, được nhiều thầy thuốc chuyên khoa ủng hộ và thực hiện thì bệnh nhân ĐTĐ cần được điều trị sớm và tích cực hơn, phối hợp thuốc sớm hơn để đưa ĐH nhanh chóng về mức càng gần bình thường càng tốt, hạn chế tối đa các biến chứng. Nhằm đạt mục tiêu này và tránh được nguy cơ bị hạ ĐH thì vai trò của kiểm tra ĐH đều đặn lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Theo dõi đường huyết để kiểm soát tốt bệnh
Cần theo dõi đường huyết thường xuyên giúp kiểm soát tốt bệnh
Thử lúc nào và bao nhiêu lần?
Nên theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, thông thường, người ta thử ĐH ở các thời điểm sau: trước bữa ăn sáng - trước bữa ăn trưa - trước bữa ăn tối - trước khi đi ngủ.
Khi mới bắt đầu theo dõi ĐH, bệnh nhân nên thử máu nhiều lần trong ngày để có ý niệm về sự thay đổi của ĐH đối với sinh hoạt của bệnh nhân như ăn uống, vận động thân thể và thuốc men. Về sau, khi đã kiểm soát được ĐH, bệnh nhân có thể thử ít lần hơn.
Để biết xem thuốc bệnh nhân đang dùng có phù hợp với việc ăn uống hay không, thỉnh thoảng cũng nên thử máu 2 giờ sau bữa ăn.
Khi đau yếu, bị stress hay có sự thay đổi trong lối sinh hoạt thường ngày, bệnh nhân nên thử máu nhiều lần hơn.
Tuy nhiên, cần lưu ý khi thử ĐH thường trước bữa ăn, 2 giờ sau khi bắt đầu ăn và trước khi đi ngủ đang được khuyến cáo nhiều nhất. Hoặc có thể thử bất cứ lúc nào trong người thấy có dấu hiệu ĐH lên cao hay xuống thấp (khó chịu, mệt mỏi bất thường).
Trước một chuyến hành trình kéo dài.
Trước khi vận động nặng, trước và sau khi chơi thể thao.
Khi mới được chẩn đoán hoặc khi thay đổi chế độ điều trị thì bệnh nhân nên thử 2 - 4 lần mỗi ngày vào trước các bữa ăn chính và trước khi đi ngủ. Còn khi ĐH đã tương đối ổn định thì người bệnh vẫn nên thử 1 - 3 lần mỗi tuần. Ngoài ra, người bệnh cũng nên chú ý đo ĐH sau bữa ăn 2 giờ hoặc khi có biểu hiện hạ ĐH hay bị ốm. 
Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng ĐH sau ăn có khả năng gây biến chứng tương đương với tăng ĐH lúc đói, nhất là các biến chứng tim mạch. Riêng đối với bệnh nhân ĐTĐ là phụ nữ có thai thì yêu cầu là phải đo ĐH 4 - 7 lần mỗi ngày (gồm trước, sau bữa ăn và nửa đêm) trong suốt thời gian mang thai để kịp thời điều chỉnh sao cho ĐH luôn trong giới hạn bình thường, đảm bảo cho thai phát triển tốt còn mẹ thì tránh được các biến chứng nặng của bệnh ĐTĐ.
Sau khi đo thì việc nhận định kết quả là rất quan trọng để có thái độ xử trí thích hợp. Tất cả các bệnh nhân phải được hướng dẫn cách điều chỉnh ban đầu chế độ ăn, chế độ luyện tập và thuốc khi ĐH của họ vượt khỏi vùng an toàn. Đối với người bệnh ĐTĐ nói chung, theo khuyến cáo của Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ:
-   ĐH < 3,5 mmol/l, đặc biệt khi < 2,8 mmol/l là quá thấp, bệnh nhân nên ăn thêm ngay.
-   ĐH lúc đói 5 - 7,2 mmol/l (90 - 130 mg/dl), sau ăn < 10 mmol/l (180 mg/dl), ĐH trước lúc đi ngủ  6 – 8,3 mmol/l (110 - 150 mg/dl) là tốt;
- Còn nếu ĐH lúc đói ³8 mmol/l, đường máu sau ăn ³10 mmol/l là cao, cần điều chỉnh chế độ ăn và dùng thuốc.
Nếu các kết quả bất thường này xuất hiện nhiều lần hoặc vẫn tồn tại sau khi đã điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc thì bệnh nhân phải đi khám hoặc xin ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa sớm. 

Tất nhiên, các mức ĐH mục tiêu sẽ thay đổi ở các đối tượng khác nhau, ví dụ ĐH có thể được phép cao hơn ở người già, người đã có suy thận nhưng cũng có thể phải thấp hơn ở những bệnh nhân ĐTĐ đang có thai. Tốt nhất thì bệnh nhân nên hỏi bác sĩ để biết mức ĐH cho phép của mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét