Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm cho cả mẹ và con

Một sản phụ vào phòng khám, chị mang thai đến tháng thứ sáu: một đứa con trai. Nhìn chung chị không có vẻ gì là bệnh tật cả, chỉ có cân nặng tăng quá nhanh, trong 3 tháng đã tăng hơn 15 kg và chị than phiền với chúng tôi: Tại sao nước tiểu bị kiến bu? Kết quả thử nghiệm cho thấy chị... bị tiểu đường. Đáng lưu ý là mẹ chị cũng bị bệnh này!
90% là tiểu đường type II
Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường xuất hiện trong thai kỳ và sau khi sinh, kể cả những bệnh nhân có bệnh tiểu đường trước đó nhưng chưa được chẩn đoán. Thông thường sáu tuần sau khi sinh, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chuyên biệt để đánh giá lại xem bệnh nhân bị tiểu đường type nào? Có bị tiểu đường thật sự không? Hay chỉ là rối loạn chuyển hóa và dung nạp đường trong máu mà thôi. Trong đa số trường hợp, người mẹ sẽ trở về trạng thái bình thường sau khi sinh.
 
Tuy nhiên, một số lại bị rối loạn chuyển hóa và dung nạp đường ở lần sinh sau và 30%-50% số bệnh nhân này sẽ mắc bệnh tiểu đường thực thụ type I hoặc type II, trong đó có tới 90% là tiểu đường type II. Đây quả là điều đáng lo, vì tiểu đường được xem là một “đại dịch” của nhân loại trong thế kỷ 21. Theo nhiều khảo sát, tiểu đường trong thai kỳ chiếm tỉ lệ 3%-5% những người mang thai và tỉ lệ này đang tăng dần theo sự phát triển của nền kinh tế.
Hàng loạt biến chứng nguy hiểm
 
Nếu bệnh nhân có thai bị tiểu đường mà không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề như trên thận (suy thận), tim mạch (cao huyết áp), mắt (thoái hóa võng mạc gây mù hoặc giảm thị lực), chi (bàn chân mất cảm giác do tổn thương thần kinh, nhiễm trùng bàn chân do tiểu đường và phải cắt cụt chân nếu nhiễm trùng quá nặng).
 
Ngoài các biến chứng chung của bệnh tiểu đường, thai phụ còn có thể sinh non, thai nhi dễ tử vong ngay trước, trong và sau khi sinh. Đặc biệt là tỉ lệ mổ bắt con tăng rất cao do thai nhi quá lớn, không thể sinh bằng đường tự nhiên được.
Nên định lượng đường trong máu và nước tiểu khi có thai
Chẩn đoán sớm bệnh tiểu đường trong thai kỳ có tầm quan trọng rất lớn với cả người mẹ và bào thai. Một khi phát hiện, chỉ cần tiết chế ăn uống hoặc sử dụng insulin, theo dõi kỹ tình trạng người mẹ cũng như sự phát triển bào thai trước khi sinh thì có thể làm giảm đáng kể những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và cho con.
 
Việc chẩn đoán sớm không phải đợi khi sản phụ có các triệu chứng mệt mỏi, cao huyết áp, mờ mắt, kiến bu vào nước tiểu hoặc tiểu nhiều mà cần phải có chế độ tầm soát bằng định lượng đường máu và nước tiểu mà ở bất kỳ bệnh viện nào cũng làm được, nếu bệnh nhân và người thầy thuốc cùng quan tâm.
 
Thông thường rối loạn chuyển hóa và dung nạp đường xảy ra vào tháng thứ 6-9 của thai kỳ. Ở các nước tiên tiến, sản phụ được thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường, kết quả này sẽ được biện luận bởi một bác sĩ có kinh nghiệm nhằm kết luận thai phụ có bị tiểu đường hay không. Tuy nhiên, không phải thai phụ nào cũng cần làm nghiệm pháp trên.
 
Theo các chuyên gia về nội tiết và sản khoa, không cần tầm soát tiểu đường ở những sản phụ nhỏ hơn 25 tuổi, có chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) bình thường < 25, không có tiền sử gia đình (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh tiểu đường và nhất là không thuộc một số sắc dân có nguy cơ tiểu đường cao như người Mỹ da trắng, châu Á, người Mỹ gốc Phi...
Cần được điều trị bởi thầy thuốc chuyên khoa
Việc điều trị cho thai phụ bị tiểu đường không có gì khác với việc điều trị những bệnh nhân tiểu đường khác. Hiện nay, người ta chưa phát hiện hậu quả có hại nào của các thuốc điều trị tiểu đường, kể cả insulin trên sự phát triển của thai nhi. Bệnh nhân cần tiết chế ăn uống, dùng nhiều vitamin, khoáng chất, ít chất bột, đường.
 
Trong trường hợp nặng, bệnh không cải thiện với chế độ ăn kiêng, thai phụ phải sử dụng thêm các loại thuốc hạ đường huyết. Trong một số trường hợp, bệnh nhân còn phải dùng đến insuline tiêm dưới da. Tất nhiên, bệnh nhân cần được theo dõi và điều trị bởi thầy thuốc sản khoa và nội tiết nhiều kinh nghiệm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét