Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Nguyên tắc 'vàng' cho người đái tháo đường

Để giữ ổn định đường huyết, người bệnh đái tháo đường nên chú ý 3 nguyên tắc: tránh dùng đường đơn dễ hấp thu, tăng cường chất xơ, bổ sung những chất béo có lợi.

Nếu không kiểm soát được đường huyết, insulin huyết tăng, stress oxy hóa... bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến hậu quả là xơ vữa động mạch và rối loạn co bóp cơ tim. So với người bình thường, nguy cơ tim mạch ở người đái tháo đường cao gấp 2-3 lần ở nam và 3-5 lần ở nữ.
Mức độ kiểm soát đường huyết được đánh giá dựa vào chỉ số HbA1c. Bình thường HbA1c có giá trị 4-6%, kết quả càng cao cho biết sự kiểm soát đường huyết càng kém. HbA1c giảm đi 0,9% sẽ giúp giảm 12% bất kỳ biến cố liên quan đái tháo đường, 16% nguy cơ nhồi máu cơ tim, 21% bệnh lý võng mạc, 24% đục thuỷ tinh thể phải phẫu thuật, 25% biến cố mạch máu nhỏ và 33% albumin xuất hiện trong nước tiểu.
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các biến chứng tim mạch mà người đái tháo đường có thể mắc phải bao gồm cơn đau thắt ngực ổn định, cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim cấp, suy tim và rối loạn nhịp tim. Những người béo phì độ 1 có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng 4 lần so với người bình thường, còn đối với béo phì độ 2 tỷ lệ này là 30 lần.
Ở người béo phì, lượng mỡ phân phối ở vùng bụng nhiều, dẫn đến tỷ lệ vòng bụng, mông cao hơn bình thường. Béo bụng có liên quan mật thiết với hiện tượng kháng insulin do bất thường thụ thể với insulin ở các mô ngoại vi, chủ yếu là mô cơ, mô mỡ.
Người bệnh đái tháo đường cần chú trọng chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Người bệnh đái tháo đường cần chú trọng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Để khắc phục tình trạng này, tụy phải gia tăng hoạt động tiết insulin nên sẽ dần dần bị kiệt quệ. Về lâu dài hiện tượng kháng insulin cộng với giảm tiết insulin dẫn đến giảm tính thấm của màng tế bào đối với glucose ở tổ chức cơ và mỡ, ức chế quá trình phosphoryl hóa và oxy hóa glucose, làm chậm chuyển carbohydrat thành mỡ, giảm tổng hợp glycogen ở gan, tăng tạo đường mới, và bệnh đái tháo đường xuất hiện.
Để giữ ổn định đường huyết, hạn chế tối đa biến chứng tim mạch và giảm được cân nặng, người đái tháo đường nên chú ý 3 nguyên tắc “vàng”. Theo đó, bạn nên chú trọng đường phức, tránh dùng đường đơn dễ hấp thu làm đường huyết tăng nhanh sau bữa ăn. Những loại đường phức phóng thích chậm, nên không gây tăng đột biến chỉ số đường huyết, mà vẫn đảm bảo đủ năng lượng thiết yếu
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung những “chất béo có lợi” như MUFA (a xít béo đơn không no), acid Omega 3 bằng cách chọn những loại thức ăn có chứa các loại chất béo này. MUFA, Omega 3 có tác dụng tốt cho hệ tim mạch thông qua việc giảm huyết áp, cải thiện cấu trúc mạch vành và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Tăng cường chất xơ, rau xanh và ngũ cốc chưa chà xát nhiều cũng rất có lợi cho người bệnh đái tháo đường. Ăn độn rau giúp hấp thu thức ăn chậm lại; sử dụng chất tạo ngọt không năng lượng (aspartam, saccharin) với số lượng vừa phải cũng góp phần giúp người béo phì mắc đái tháo đường giảm cân nặng và thu gọn vòng eo (đối với nam vòng eo nên dưới 90 cm, nữ dưới 80 cm).
Nếu người đái tháo đường áp dụng đúng những quy tắc dinh dưỡng dành riêng cho mình thì việc kiểm soát được đường huyết, hạn chế tối đa biến chứng tim mạch và giảm được cân nặng là điều không quá khó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét