Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Ngủ ít làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

Đối với người lớn, nhu cầu giấc ngủ hàng đêm trung bình từ 7-8 giờ. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có thể góp phần làm tăng nguy cơ bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).
Ngủ ít hay nhiều quá đều có thể là yếu tố nguy cơ
Từ lâu, người ta đã biết lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực và ăn nhiều thực phẩm tinh lọc là 2 nguyên nhân chính dẫn đến bệnh ĐTĐ týp 2. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây còn cho thấy khuynh hướng ngủ ít đi, thời lượng ngủ hàng đêm ít hơn 7 giờ cũng là một yếu tố nguy cơ dễ dẫn đến căn bệnh này.
Một nghiên cứu của Trường Đại học Y Laval, Canada vừa được phổ biến trên tạp chí Sleep Medicine đã cho biết, những người ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều có thể làm gia tăng nguy cơ dẫn đến bệnh ĐTĐ.
Khảo sát 276 đối tượng trong giai đoạn 7 năm đã cho thấy, tỷ lệ bệnh ĐTĐ đã gia tăng gấp 2,5 lần ở nhóm người ngủ ít hơn 7 giờ hoặc nhiều hơn 8 giờ, so với những người ngủ trong khoảng từ 7 - 8 giờ mỗi đêm. Có 20% số người ngủ quá ít hoặc quá nhiều bị ĐTĐ, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người ngủ trung bình chỉ có 7%. Sau khi cân nhắc đến yếu tố thể trọng thì tỷ lệ dễ bị ĐTĐ ở nhóm đầu vẫn gấp đôi so với nhóm kia.
 Ngủ ít hoặc quá nhiều đều tăng nguy cơ bị ĐTĐ.
Trước đây, một nghiên cứu trên quy mô lớn hơn của Trường Đại học Y Columbia, New York cũng cho thấy có sự liên quan giữa giấc ngủ và bệnh ĐTĐ. TS. James E. Gangwisch, Trường Đại học Columbia và các cộng sự qua khảo sát 8.992 đối tượng từ 32 - 86 tuổi trong giai đoạn 10 năm từ năm 1982 – 1992 đã cho biết, những người ngủ hàng đêm ít hơn 5 giờ hoặc nhiều hơn 9 giờ đều có tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ cao hơn những người ngủ khoảng 7 giờ. Sau khi loại bỏ các yếu tố ít vận động, stress, uống rượu, tuổi tác, béo phì, áp huyết cao… thì khuynh hướng dễ mắc bệnh ở những đối tượng ngủ quá ít hay quá nhiều vẫn cao hơn người ngủ trung bình.
TS. Gangwisch cho rằng, thời gian ngủ không hợp lý tác động xấu đến hệ thần kinh giao cảm, dẫn đến tình trạng kém dung nạp đường glucose và giảm độ nhạy với insulin, lâu ngày có thể gây ra bệnh ĐTĐ.
Khuynh hướng ngủ ít dần ở xã hội văn minh.
Được biết, hiện nay trên thế giới có khoảng 171 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Con số này ước tính sẽ tăng lên gấp đôi vào khoảng năm 2030. Nhịp sống nhanh và cuộc sống bận rộn trong thời đại văn minh công nghiệp có khuynh hướng làm ngắn dần thời lượng ngủ nghỉ, đã góp phần vào tỷ lệ ngày càng gia tăng của bệnh ĐTĐ. Theo những số liệu được khảo sát ở Hoa Kỳ, vào năm 1960 người lớn trung bình ngủ từ 8 - 8,9 giờ mỗi đêm; đến năm 1995, giấc ngủ trung bình chỉ còn 7 giờ. Đến 2004, theo Trung tâm Nghiên cứu thống kê về sức khỏe, 1/3 số người lớn ở Hoa Kỳ từ 30 - 64 tuổi ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm.
Nên ngủ bao nhiêu là đủ
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, giấc ngủ trung bình, không ngủ quá nhiều hoặc quá ít sẽ tác động tốt đến sức khỏe toàn thân, không chỉ bệnh ĐTĐ mà còn liên quan đến bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong sớm. Theo các chuyên gia về nghiên cứu giấc ngủ, người lớn tuổi nên ngủ trung bình từ 7 - 8 giờ mỗi đêm, người độ tuổi trưởng thành khoảng 9 giờ, trẻ em tuổi đi học từ 10 - 11 giờ, trẻ nhỏ hơn từ 11 - 13 giờ.
Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ không nhất thiết sẽ dẫn đến bệnh tật. Hơn nữa, nhu cầu về giấc ngủ có thể khác nhau ở mỗi người. Do đó, dù ngủ ít hơn giấc ngủ trung bình nhưng vẫn bảo đảm được sự linh hoạt về tinh thần và khỏe mạnh về thể chất thì vẫn xem là những giấc ngủ tốt và ngủ đủ.
Lương y VÕ HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét