Tôi hay đi công trình hàng tháng trời trong rừng, ít rau xanh, vậy những lúc như thế, tôi có thể mua thuốc gì thay thế rau xanh?
Tôi
có dịp được chị khám bệnh cho 2 lần khi vào điều trị tại BV Chợ Rẫy.
Tôi rất cảm kích trước sự ân cần và thái độ dịu dàng của chị với bệnh
nhân.
Do
hoàn cảnh công tác, hiện tôi đã chuyển về Đắc Lắc sinh sống và làm
việc. Tại đây có rất ít hoặc gần như không có phòng khám tiểu đường. Tôi
chỉ uống thuốc mà chị kê toa từ 6 năm trước, thỉnh thoảng tôi đi thử
HbA1c, thường từ 6,9 - 7,9.
Tôi
đã mua máy thử đường và tôi muốn nhờ chị tư vấn mua máy hoặc thiết bị
để thử nước tiểu. Hiện VN có bán máy thử này không? Giá bao nhiêu và mua
ở đâu, nhờ chị tư vấn dùm tôi.
Tôi
hay đi công trình hàng tháng trời trong rừng, ít rau xanh, vậy những
lúc như thế, tôi có thể mua thuốc gì thay thế rau xanh, vì chỉ ăn tinh
bột thì đường huyết tăng cao?
Khi
xuống TPHCM công tác tôi thường có rất ít thời gian nên không thể vào
khám tại bệnh viện, nhờ chị giúp cho địa chỉ phòng khám của chị. Tôi cảm
ơn chị nhiều. Mong chị lúc nào cũng khỏe và giữ mãi sự dịu dàng, ân cần
với bệnh nhân như xưa.
Lê Anh Hiếu - Đắc Lắc
Chào anh Hiếu,
Rất
cảm ơn anh Hiếu vì những lời nhận xét tốt đẹp. Đối với BS, không có gì
vui hơn là nhận được sự quí mến chân thành của người bệnh. Riêng câu hỏi
hôm nay đối với tôi rất là thú vị, vì chúng rất gần gũi với đời sống
thường nhật của nhiều người ĐTĐ, cảm ơn anh đã hỏi.
Trường
hợp của anh rất cần có máy thử đường máu mang theo mình (không cần thử
đường hay một số chất khác trong nước tiểu bằng máy cá nhân, do vậy
không nên quan tâm). Quan trọng khi sử dụng các máy này, anh lưu ý code
máy nên hiệu chỉnh tương thích với code que đang dùng.
Que
dùng phải còn hạn sử dụng, và bảo quản que trong điều kiện tốt (không
đặt máy lẫn que vào nơi nóng hoặc độ ẩm cao, mở nắp lấy que xong hãy đậy
nhanh lại ...).
Khi
có sẵn máy, anh nên thử đường huyết sáng đói và 2 giờ sau ăn (sáng hoặc
trưa hoặc chiều…). Nếu ở giới hạn cho phép (đường huyết đói
90-120mg/dL, đường huyết 2g sau ăn không quá 140 -160 mg/dL) thì mỗi
tháng phải đo đường ít nhất 1 lần. Nếu đường huyết chưa ổn định thì tần
số thử có thể gần hơn để điều chỉnh thuốc hạ đường huyết sớm và phù hợp.
HbA1c
nên thử mỗi 6 tháng. Lứa tuổi của anh, HbA1c ở mức 6,5 - 7 là đẹp nhất.
Ngoài ra anh cũng nên lưu ý đến số đo huyết áp, giữ ở mức < 130/80
mmHg là được.
Ăn
ít rau xanh làm khó kiểm soát đường huyết, nhất là đường huyết sau ăn
và có thể ảnh hưởng bất lợi đến lipid máu. Anh có thể ăn thêm chất xơ
như măng khô, nấm tươi (chọn nấm thông dụng ăn được an toàn) hoặc nấm
khô, nấu đậu còn nguyên vỏ (dùng với một ít chất tạo ngọt như đường
isomalt, aspartame…), bắp luộc, khoai lang luộc thay thế một phần chất
bột đã chế biến (là mì gói, bún khô, miến khô, bánh mì…) và cố gắng tận
dụng rau lá thiên nhiên xung quanh một cách thông minh và khéo léo.
Không
có thuốc gì có thể thay thế rau xanh, vì ngoài chất xơ, rau còn có thêm
vitamin và một số khoáng chất, yếu tố vi lượng. Ở các hiệu thuốc có bán
những viên hoặc dạng bột (pha vào nước) được cho là bổ sung thêm fiber
vào khẩu phần ăn. Nhiều tháng đi công tác xa như vậy, anh nên dùng thêm 1
viên đa sinh tố mỗi ngày.
Anh có thể liên hệ trực tiếp với BS khi cần ở địa chỉ: 109/9 Lê Quốc Hưng, P.12, Q.4, TPHCM.
Thân mến!
TS.BS Lê Tuyết Hoa

Không có thuốc gì có thể thay thế rau xanh, vì ngoài chất xơ, rau còn có thêm vitamin
và một số khoáng chất, yếu tố vi lượng - Ảnh: internet
Kính chào bác sĩ,
Tôi là Phương Nghi hiện đang sống tại Cầu Giấy, Hà Nội. Cân nặng: 43 kg, chiều cao 150 cm, nữ, 28 tuổi, bị viêm giáp mạn tính.
BS
nội tiết kê cho tôi uống Levothyrox 50mg. Đã uống được hơn 3 tháng nay.
Hiện sức khỏe tôi vẫn bình thường, ăn ngủ được, không bị sút cân. Nhưng
gần đây khi ngủ tôi hay bị giật mình, chân tay lạnh (mặc dù người
nóng).
Đi khám đông y, BS đông y nói thận, gan hơi yếu, và kê cho mấy thang thuốc (đã sắc sẵn) để mát gan, dưỡng thận.
Tôi
muốn hỏi, khi đang dùng Levothyrox mà uống thuốc đông y như vậy thì có
tác dụng phụ gì không?Mong được BS trả lời sớm.Xin cám ơn bác sĩ rất
nhiều.
Phương Nghi - Hà Nội
Chào chị Phương Nghi
Chị hỏi một vấn đề BS
rất khó trả lời. Khó vì không biết trong thang thuốc của chị có những
gì, và khi biết rõ thành phần, thì cũng chưa có một đánh giá hay một nghiên cứu nào trước đây khảo sát sự tương tác của Levothyrox với chúng cả.
Thông thường, mọi người
vẫn khuyên uống thuốc tây cách xa đông dược từ 2-4 giờ trở lên. Lời
khuyên này không có gì chắc chắn rằng đã được chứng minh là an toàn và
đảm bảo hiệu quả của cả 2 loại thuốc. Nhưng đây là một ví dụ điển hình
trong cuộc sống mà chúng ta rất thường gặp: có rất nhiều lời khuyên rút
ra từ kinh nghiệm mà không phải từ kết quả của nghiên cứu khoa học.
Chị cần tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc lương y.
Ngoài ra, khi dùng cả
hai thứ thuốc, chị hãy lắng nghe những thay đổi của cơ thể, và nhờ BS
theo dõi chức năng tuyến giáp của chị nhằm đảm bảo chúng vẫn trong giới
hạn cho phép.
TS.BS Lê Tuyết Hoa
Thưa bác sĩ,
Em
mới lấy chồng, chưa có con. Chồng em bị tiểu đường typ 2, năm nay 30
tuổi, 1,7m, nặng 76kg. Bác sĩ có thể tư vấn dùm em về bệnh tiểu đường
được không ạ? Ví dụ về ăn uống, sinh hoạt, quan hệ vợ chồng. Tụi em muốn
có con thì có ảnh hưởng gì không hay cần phòng tránh gì không?
Ở
TPHCM thì chữa trị ở đâu là tốt nhất ạ? Em biết rất ít về bệnh tiểu
đường, hiện tại em rất hoang mang. Mong bác sĩ tư vấn thật kỹ dùm em. Em
cần làm gì để giúp chồng trong quá trình điều trị ? Em xin cảm ơn!
Khanh Nguyen - nguyen...@gmail.com
Chào em,
Em có thể xem lại những
câu trả lời trước của chị về ăn uống và luyện tập thể lực trong bệnh
ĐTĐ ở những tuần trước trong cuối tháng 6 và tháng 7 được không em.
Những áp dụng này đúng và cần thiết cho tất cả mọi người bệnh ĐTĐ. Điều
quan trọng là luôn chắc chắn rằng đường huyết và huyết áp của chồng em
luôn được kiểm soát.
Quan hệ vợ chồng là tùy
tình cảm và sự hứng khởi của đôi bạn. Không có gì trở ngại nếu chồng em
không có những biến chứng của ĐTĐ. Và tùy theo biến chứng hay bệnh đi
kèm mà y khoa sẽ có những lời khuyên hợp lý.
Việc có con luôn được khuyến khích có sớm trong trường hợp của hai bạn.
Các BV công và tư tại
TPHCM đều có điều trị ĐTĐ. Những BV có chuyên khoa ĐTĐ như BV Chợ Rẫy,
BV Nguyễn Trãi, BV Nguyễn Tri Phương, BV Nhân Dân 115, Nhân Dân Gia
Định, BV An Bình… Ngoài ra còn có TT Dinh Dưỡng TPHCM.
Em nên tìm hiểu thêm về
bệnh ĐTĐ từ sách vở báo chí, tham gia các cau lac bộ dành cho người ĐTĐ
do các BV trên tổ chức, tư vấn trực tiếp với các BS chuyên khoa… Chồng
em rất cần sự hỗ trợ từ người thân để việc điều trị đạt hiệu quả tối ưu.
TS.BS Lê Tuyết Hoa
Chào bác sĩ,
Tôi
là bạn đọc nữ, 37 tuổi, bệnh tiểu đường 5 năm, gần đây siêu âm thấy có u
tuyến vú (BS bảo là u lành, chứa dịch) và hạch nách. BS siêu âm màu tại
Hòa Hảo bảo tôi tái khám mỗi 3 tháng.
Tôi
có bệnh tiểu đường nên rất lo sợ bệnh có thể khiến các hạch hoặc các u
này phát triển thành ung thư. Giữa việc uống thuốc hàng ngày ảnh hưởng
gì tới việc phát triển các hạch này không BS?
Tâm
trạng của tôi từ khi bệnh rất thất thường.Tôi rất mong lời khuyên từ
BS.Việc tái khám siêu âm mỗi 3 tháng kéo dài đến khi nào? Có cách gì xử
lý 1 lần không, thưa BS ?
Trúc Ngân - Củ Chi, TPHCM
Chào chị Ngân,
Chị có hai bệnh cùng
lúc: u vú và ĐTĐ. Phần nhiều chúng không liên quan đến nhau. Nhưng quan
trọng nhất là chị phải giữ đường huyết ổn định bằng ăn uống, tập thể lực
và thuốc nếu có chỉ định.
Những thắc mắc của chị về u vú sẽ được bác sĩ ung bướu tư vấn cặn kẽ và khoa học hơn BS ĐTĐ rất nhiều.
Một u ở vú có rất nhiều
đặc điểm mà BS nào cũng quan tâm: kích thước, có thay đổi theo chu kỳ
kinh không, có di động khi sờ không, có thay đổi làn da bên trên hay
xung quanh không, có đau, có hạch lân cận ? Những đặc điểm này gợi ý khả
năng lành/ác của u.
Ngoài ra BS cũng sẽ yêu
cầu chị chụp nhũ ảnh và làm sinh thiết u bằng cách chọc hút qua kim
nhỏ. Kết quả nhuộm soi dưới kính hiển vi cho biết loại mô học (tế bào)
của u. Kết hợp nhiều yếu tố như vậy BS mới có thể có một kết luận ban
đầu được.
Việc mổ lấy u cũng là
một lựa chọn điều trị. Do vậy chị hãy đến chuyên khoa ung bướu để được
theo dõi và xử trí thích hợp, chị nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét