Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Đôi mắt và bệnh đái tháo đường

Đôi khi mắt chưa mờ nhưng đã tổn thương ở võng mạc, do đó bệnh nhân đái tháo đường đừng chờ đợi mắt mờ mới đi khám mà nên đi khám mắt định kỳ.




Bệnh võng mạc đái tháo đường (VMĐTĐ) là một trong những biến chứng của bệnh đái tháo đường lên đáy mắt (đáy mắt ở đây được gọi là võng mạc). Những tổn thương trên võng mạc làm cho bệnh nhân có biểu hiện nhìn mờ và cuối cùng dẫn đến mù lòa.
Thực trạng bệnh VMĐTĐ và sự tiến triển của bệnh
BS.CK2 Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa Dịch kính võng mạc - BV Mắt TP.HCM, cho biết trên thế giới, 90% những người bị đái tháo đường trên 10 năm đều bị bệnh VMĐTĐ; còn riêng ở Việt Nam hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể.
Cấu tạo của mắt: Mắt gồm có các phần phụ và nhãn cầu.
- Các phần phụ gồm: Mi mắt, lông mi để bảo vệ mắt; các cơ vận nhãn để đưa mắt nhìn sang trái, sang phải, lên trên và xuống dưới.

- Nhãn cầu: Có hình cầu, 2/3 sau của nhãn cầu gồm có 3 lớp: Lớp củng mạc: Nằm ở ngoài cùng có tác dụng bảo vệ nhãn cầu; Lớp mạch máu: Nằm ở giữa, nuôi dưỡng nhãn cầu; Lớp thần kinh: Nằm ở trong cùng, còn gọi là lớp võng mạc hay đáy mắt, tức là phần mặt sau bên trong của mắt dùng để nhìn thấy mọi vật xung quanh.
Bình thường, võng mạc được nuôi dưỡng chủ yếu bởi động mạch trung tâm võng mạc. Sự nuôi dưỡng này được thực hiện như sau: Động mạch trung tâm võng mạc phân chia thành những động mạch nhỏ, những động mạch nhỏ này lại phân chia thành những động mạch nhỏ hơn nữa, cuối cùng phân chia thành những mao mạch. Tại mao mạch, các chất dinh dưỡng và oxy được thấm qua thành mao mạch một cách chọn lọc để nuôi dưỡng võng mạc. Sau đó, các chất cặn bã được đưa vào hệ thống tĩnh mạch nhỏ rồi đến tĩnh mạch trung tâm võng mạc và dẫn lưu theo hệ tĩnh mạch của cơ thể.
Trong bệnh VMĐTĐ, các mao mạch này giãn ra để cho các chất dịch, máu, mỡ… thấm qua thành mao mạch và làm cho võng mạc bị phù nề. Nếu vùng phù nề này ở hoàng điểm sẽ làm cho mắt nhìn mờ. Ngoài ra, bệnh VMĐTĐ cũng làm giảm tốc độ hồng cầu, tăng khả năng kết tụ của tiểu cầu, tăng độ quánh của máu… do đó làm cho các mao mạch bị tắc, gây ra thiếu máu võng mạc, võng mạc không được nuôi dưỡng đầy đủ sẽ sinh ra những mạch máu mới, bất thường còn gọi là tân mạch. Những tân mạch trên có thể vỡ và gây chảy máu trong mắt.
BS.CK2 Trần Huy Hoàng đang tư vấn về căn bệnh võng mạc đái tháo đường

Biểu hiện và diễn biến bệnh võng mạc đái tháo đường
Cũng theo BS.CK2 Trần Huy Hoàng, bệnh VMĐTĐ tiến triển qua 2 giai đoạn:
-Giai đoạn sớm: Tùy theo số lượng nhiều hay ít các mạch máu bị giãn ra mà chất dịch, máu, mỡ thoát ra khỏi mạch máu gây phù võng mạc. Tùy mức độ phù võng mạc nặng hay nhẹ và tùy theo có phù ở vùng hoàng điểm hay không mà mắt có biểu hiện bị mờ hay không. Như vậy cần lưu ý là trong giai đoạn này, dù mắt chưa mờ, nhưng bệnh đã có thể gây tổn thương ở võng mạc.
-Giai đoạn muộn: Có những mạch máu mới, bất thường mọc ra trên bề mặt võng mạc (gọi là tân mạch). Chúng rất dễ bị vỡ và có thể gây chảy máu trong mắt và làm cho bệnh nhân bị mờ mắt đột ngột. Chính vì vậy, những người bị bệnh tiểu đường cần đi khám mắt đều đặn.
-Tóm lại, biểu hiện và tiến triển của bệnh sẽ dẫn đến mờ mắt và cuối cùng là mù lòa. Cần lưu ý là đôi khi mắt chưa mờ nhưng đã có tổn thương ở võng mạc, do đó người bệnh đừng chờ đợi mắt mờ mới đi khám mà nên đi khám định kỳ.
Phương pháp điều trị bệnh VMĐTĐ và phòng ngừa bệnh
Bệnh VMĐTĐ có thể điều trị được bằng những cách sau:
-Điều trị bằng tia laser: Mục đích là làm chậm lại sự tiến triển của bệnh, giúp cho bệnh nhân giữ được thị lực còn lại lâu hơn. Khi hoàng điểm bị phù, laser được dùng để bịt kín những mạch máu bị dãn ra. Khi có những vùng võng mạc bị thiếu nuôi dưỡng do bị tắt mạch máu, laser được dùng để ngăn ngừa sự mọc ra của những mạch máu bất thường.
-Điều trị bằng thuốc: Thuốc uống nhằm tăng cường oxy đến nuôi dưỡng võng mạc vào tạo thuận lợi cho sự tan máu ở võng mạc hoặc làm giảm phù và ức chế tạo tân mạch.
-Điều trị bằng phẫu thuật: Những mạch máu bất thường ở võng mạc có thể bị vỡ ra gây chảy máu trong mắt hoặc có biến chứng bong võng mạc cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Để phòng ngừa bệnh VMĐTĐ, cần tuân thủ chế độ điều trị và tái khám để ổn định lượng đường trong máu ở mức độ cho phép và ổn định huyết áp nếu có cao huyết áp; khám mắt định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Cần đặc biệt chú ý, bệnh nhân trên 30 tuổi nên khám mắt ngay khi phát hiện có bệnh đái tháo đường; bệnh nhân dưới 30 tuổi nên khám mắt sau 5 năm đầu phát hiện bị đái tháo đường, sau đó khám định kỳ 2 năm 1 lần.

 Theo Tuổi trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét