Thứ Ba, 5 tháng 5, 2015

Tiểu đường - bệnh văn phòng

Dân văn phòng, ngoài những nguy cơ về tim mạch, stress do ít vận động gây ra, còn gánh thêm rủi ro mắc chứng bệnh thế kỷ là tiểu đường. Biết để tránh và phòng bệnh hiệu quả sẽ giúp bạn có lối sống lành mạnh hơn tại công sở.

Đái tháo đường là bệnh không lây nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh nhất trong xã hội hiện đại. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, đến năm 2020, 70% số người mắc các bệnh như béo phì, tiểu đường, mạch vành... là do ngồi nhiều gây ra. Đối với giới văn phòng, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp ba lần những người lao động chân tay do ít vận động, dư thừa năng lượng dẫn đến bệnh béo phì - kẻ thù của bệnh tiểu đường.
 
 
"Đái tháo đường là một bệnh lý của thế kỷ XXI", đó là nhận định của các chuyên gia y tế thế giới về tình hình bệnh tiểu đường hiện nay. Tại VN, trong bốn thành phố lớn là Hà Nội, Huế, TP. HCM và Hải Phòng, tỷ lệ bệnh tiểu đường là 4% dân số. Phần lớn người bệnh phát hiện và điều trị muộn, hệ thống dự phòng, phát hiện bệnh sớm nhưng chưa hoàn thiện. Vì vậy, mỗi năm có trên 70% bệnh nhân không được phát hiện và điều trị. Nguyên nhân của bệnh đái tháo đường ngoài yếu tố di truyền, còn do những thay đổi từ chính cuộc sống.
Chế độ ăn uống dư thừa năng lượng, thừa cân, ít vận động và căng thẳng, stress đã dẫn đến hậu quả tất yếu của căn bệnh này. Theo các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Harvard về sức khỏe, những người thường xuyên ngồi một chỗ như làm việc cả ngày trên bàn máy vi tính có nguy cơ cao mắc tiểu đường và béo phì.
 
Tại VN, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở độ tuổi 25 - 64 là 16,3%. Con số này ngày càng gia tăng, trong đó công chức là đối tượng bị thừa cân, béo phì cao nhất, chiếm 34,6%. Phần lớn những người thừa cân, béo phì thường có tâm lý chủ quan và không nhận thức được các biến chứng từ bệnh. Đây chính là nguy cơ gia tăng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư vú, đại tràng, viêm xương và nhiều bệnh lý khác. Ngay cả với những người đã phát hiện ra bệnh thì việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.
 
Bệnh đái tháo đường là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng trầm trọng như suy thận, cao huyết áp, bệnh tim, xơ vữa động mạch, khiếm thị vì thoái hóa võng mạc, mất cảm giác ngoại vi, rối loạn cương dương, nhiễm trùng bàn chân.
 
Bệnh đái tháo đường được xem là một căn bệnh nan y, hiện chưa có thuốc để điều trị dứt điểm. Vì vậy, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh như chế độ ăn uống hợp lý, tránh dùng những thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo. Đối với những người thường xuyên ngồi một chỗ ở văn phòng, nếu dành thời gian đứng hoặc đi lại ít nhất 2 giờ mỗi ngày thì sẽ giảm mắc béo phì 9% và tiểu đường là 12%. Và nếu đi bộ nhanh mỗi ngày 1 tiếng thì sẽ giảm 24% nguy cơ mắc bệnh béo phì và 34% bệnh đái tháo đường. Đây là những biện pháp rất hữu ích trong việc phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét